Bão số 10: Thanh Hóa sẵn sàng di dời dân khi có lệnh
- Tây Y
- 02:55 - 15/09/2017
Theo đó, các huyện thành phố ven biển rà soát, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực sát mép nước, cửa sông, ven biển, các khu du lịch.
Các huyện miền núi chủ động tổ chức phương án di dời các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản...
Tàu, thuyền vào neo đậu tránh bão tại cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 57.801 hộ với 247.867 người dân đang sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển. Khi có lệnh, số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ biển 200m là 8.599 hộ với 37.765 người. Số dân cần phải sơ tán trong phạm vi cách bờ viên từ 200- 500m là 12.695 hộ với 35.537 người.
Tại các khu vực bãi sông lớn khi có lũ lớn là 17.623 hộ với 65.665 người, các sông con là 18.671 hộ với 75.026 người. Khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là 7.646 hộ với 32.576 người.
Vị trí sơ tán đến tập trung tại các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, UBND các xã, phường, thị trấn và các nhà cao tầng trong khu vực…
Bên cạnh việc yêu cầu các địa phương sẵn sàng các phương án phòng, chống bão, UBND tỉnh Thanh Hóa đặc biệt yêu cầu các địa phương huy động nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa hè thu, kiểm tra các đoạn đê xung yếu, hồ đập chứa nước, đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện; đề phòng lũ quét, lũ ống có thể xảy ra do lượng mưa lớn ảnh hưởng từ hoàn lưu sau bão.
Các đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa.
Ngư dân Sầm Sơn di chuyển các thuyền vào nơi tránh bão an toàn
Cũng trong chiều 14/9, thông tin từ UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết, 3 tàu cá của các ngư dân được đóng theo Nghị định 67 và cùng ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá mất liên lạc vào sáng 14/9, gồm các tàu cá của ông Lê Văn Sòng, chủ tàu TH 91645 TS công suất 811 CV, trên tàu có 11 lao động; ông Lê Văn Còng, chủ tàu TH 91646 TS công suất 811 CV, trên tàu có 11 lao động và Lê Văn Lực, chủ tàu TH 91799 TS công suất 811 CV, trên tàu có 11 lao động đã vào nơi trú bão an toàn tại Lạch Trường.
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 17h ngày 14/9, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, trong đó có 6.889 phương tiện với 24.589 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn tại các bến, bãi, âu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, còn 359 phương tiện với 2.556 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, các phương tiện này đều đảm bảo thông tin liên lạc bình thường và tìm được nơi tránh, trú bão an toàn.