THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:35

Lãnh đạo doanh nghiệp trước 2021: Cần chuẩn bị những gì để thích ứng?

Sự bùng phát dịch Covid-19 mang lại những thách thức chưa từng có đến sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ ứng biến hiệu quả với dịch bệnh, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn ghi nhận đà tăng trưởng trong năm 2020, mặc cho những nước khác trên thế giới được dự báo rơi vào suy thoái.

Cụ thể, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 rơi vào khoảng 3%, một trong những quốc gia hiếm hoi có mức tăng trưởng dương. Các chuyên gia kỳ vọng rằng trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ đạt mốc tăng trưởng GDP từ 7-10%.

Nhìn chung, nền kinh tế nước nhà đang có những lợi thế nhất định so với các quốc gia khác. Điều này thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Theo một số chuyên gia, Việt Nam có thể trở thành một trong những "ứng viên" của xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu; trong đó, sản xuất, bất động sản và bán lẻ là những nhóm ngành thu hút vốn đầu tư FDI nhiều nhất.

Thách thức của thị trường nguồn nhân lực năm 2021

Còn về phía doanh nghiệp và thị trường lao động, mặc cho những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đang khá thận trọng và có xu hướng "hoãn binh" cho các ngân sách đầu tư nguồn nhân lực.

Một khảo sát chuyên sâu được thực hiện bởi Talentnet - Mercer cho thấy, các doanh nghiệp thừa nhận đang phải đối mặt với rào cản tăng lương. Theo đó, 34% doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện việc tăng lương cho nhân viên trong năm 2020, 3% dự kiến tiếp tục chu kỳ "đóng băng" lương vào năm 2021. Báo cáo của Talentnet cũng cho biết tỷ lệ tăng lương của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 là thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua, dù vẫn cao hơn mức lạm phát và tình hình tăng trưởng GDP. 

Lãnh đạo doanh nghiệp trước 2021: Cần chuẩn bị những gì để thích ứng? - Ảnh 1.

Khảo sát lương 2020 Talentnet - Mercer

Cũng theo Talentnet - Mercer, 55% doanh nghiệp không có kế hoạch tuyển dụng nhân sự năm 2021, 5% dự định sẽ cắt giảm nhân viên để duy trì qua cơn khủng hoảng. Điều này kéo theo nhu cầu việc làm, và thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong thời gian tới dường như sẽ không quá sôi động.


Lãnh đạo doanh nghiệp trước 2021: Cần chuẩn bị những gì để thích ứng? - Ảnh 2.

Nguồn: Khảo sát lương 2020 Talentnet - Mercer

Mặt khác, việc duy trì sức khỏe, tinh thần và mức độ cam kết của nhân viên hậu Covid-19 cũng là một thách thức đáng kể. Trên thực tế, Khảo sát của Mercer tại các doanh nghiệp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, hiện nhiều nhân viên đã có dấu hiệu xuống tinh thần và cảm thấy áp lực trước viễn cảnh thị trường lao động vẫn còn là ẩn số.

Minh bạch về tình hình kinh doanh của công ty và khả năng tăng lương thưởng cho nhân viên cũng là điều đáng lo ngại. Theo chuyên gia từ Mercer, các doanh nghiệp được khuyến khích truyền thông thẳng thắn với nhân viên về tình hình hiện tại cũng như kế hoạch trong tương lai, để nhân viên hiểu rõ và chuẩn bị tâm lý trước những thách thức này. Việc đưa ra thông tin nhất quán và chính xác là chìa khóa để giữ vững niềm tin của lực lượng lao động.

Nhìn chung, thị trường lao động ở Việt Nam vẫn là một điểm sáng so với tình hình nhiều quốc gia trong khu vực. Thay vì tuyển thêm, đa phần các công ty trong khu vực lựa chọn hình thức tạm ngưng tuyển mới, khuyến khích nhân viên nghỉ phép tự nguyện hoặc chuyển từ hình thức từ làm việc toàn thời gian thành bán thời gian… Tuy nhiên, ổn định thị trường lao động vẫn là "bài toán nan giải" mà các doanh nghiệp cần quan tâm hàng đầu.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì để tiến tới trạng thái "bình thường mới"?

Dưới góc nhìn lạc quan, Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo trong những chính sách nhân sự, tối ưu hóa ngân sách về lương thưởng... Khi những yếu tố ràng buộc nhân viên như lương thưởng không được đảm bảo, doanh nghiệp nên ưu tiên các phúc lợi khác thiên về cảm xúc và thể chất, chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, hình thức khen thưởng phi hiện kim...

Lãnh đạo doanh nghiệp trước 2021: Cần chuẩn bị những gì để thích ứng? - Ảnh 3.

Linh hoạt trong những chính sách về lương thưởng phúc lợi chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp giữ chân nhân sự khỏi sự lôi kéo của đối thủ và thị trường lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Talentnet cho biết, "Trong giai đoạn Covid-19 đầy biến động và rất khó đoán, doanh nghiệp phải hoạch định sẵn lộ trình kinh doanh và lên kế hoạch quản trị tài chính để tránh đi vào khủng hoảng. 

Việc lên chiến lược lương thưởng cho năm 2021 nên làm ngay từ bây giờ để tránh tình trạng thâm hụt ngân sách khi đối ứng với những thách thức, khó khăn có thể xảyy ra trong thời gian tới là điều thiết yếu. Đây cũng là lúc doanh nghiệp thể hiện tư duy linh hoạt và bứt phá trong việc mạnh dạn gỡ bỏ những chương trình phúc lợi không còn hợp thời hay đang chiếm ngân sách nhiều nhưng chưa thực sự đem lại nhiều hiệu quả giữ người."

Nhìn chung, rất khó để dự đoán cuộc khủng hoảng Covid-19 này sẽ kéo dài bao lâu và sẽ tác động đến thị trường lao động như thế nào. Do vậy, việc nắm bắt mức độ chi trả của thị trường cũng như đối thủ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp không rơi vào cảnh "thắt lưng buộc bụng" một cách không cần thiết dẫn đến mất nhân tài. 

Việc cập nhật xu hướng, dữ liệu lương thưởng chuẩn xác cũng là chất xúc tác quan trọng giúp doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp với những biến động về ngân sách cũng như chiến lược nguồn lực, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. 

TIẾN LUYẾN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh