Làm “dịch vụ” thu tiền “khủng” giữa trụ sở công an: Thêm những tình tiết bất ngờ, đắt giá
- Pháp luật
- 00:08 - 13/05/2017
Những dấu hiệu "lạ"
Theo phản ánh của nhiều tài xế chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, do các thay đổi trong chính sách nên từ giữa năm 2016, việc thông quan trở nên rất khó khăn. Để được cầm trên tay tấm giấy thông hành, ngoài hành trình đi lại vất vả, họ thường phải chấp nhận chi một khoản từ 250.000 đến 300.000 đồng để làm “dịch vụ”. Số tiền này lớn hơn nhiều so với quy định của nhà nước là 50.000 đồng.
Trong nhiều ngày cuối tháng 4.2017, nhóm PV Báo Lao Động có mặt tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn ghi nhận tình trạng này. Sau khi vào vai khách du lịch và bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ chối từ, buộc phải làm giấy thông hành qua “cò”, chúng tôi tiếp tục vào những vai khác nhau.
Những chiếc mũ lưỡi trai lụp xụp được đội lên để che bớt gương mặt. Những chiếc áo sơ mi rộng ngả màu cũng được khoác lên. Nhập vai tài xế chở nông sản, chúng tôi lại lần lượt xuất hiện trước mặt vị cán bộ tiếp nhận hồ sơ.
Sau khi nghe trình bày, nữ cán bộ tiếp nhận hồ sơ lắc đầu từ chối và khuyên chúng tôi nên thông qua các công ty có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa đóng chân trên địa bàn tỉnh. Dứt lời, cán bộ này gọi tên một người đàn ông trung tuổi đang đi loanh quanh trong trụ sở phòng đến để làm việc với chúng tôi.
Ngay trước mặt các cán bộ công an, người đàn ông giới thiệu là nhân viên của công ty, phát giá 300.000 đồng/người để làm giấy thông hành và dọa: "Nếu không làm “dịch vụ” thì cứ ngồi đấy mà… chờ". Thấy ánh mắt chúng tôi lưỡng lự, người đàn ông lập tức đề nghị mức giá: 500.000 đồng/2 người.
Sau đó, trong vai là người dân muốn đi qua cửa khẩu Tân Thanh sang Trung Quốc mua bán nhưng chưa biết phải làm thủ tục thế nào, chúng tôi tiếp tục ghi nhận được hình ảnh cán bộ công an ngồi sau tấm kính chắn gợi ý chúng tôi tìm đến các công ty làm dịch “dịch vụ”. “Nếu anh cần thì tôi giới thiệu cho” – người cán bộ nói…
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của nhóm PV Báo Lao Động, một quy định “mềm” khác được đặt ra bởi các cán bộ công tác tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tỉnh này cũng đang gây khó cho cánh tài xế. Theo đó, dù đã có sẵn ảnh 4x6 đúng quy định, những người này vẫn được yêu cầu “chụp lại cho chuẩn”.
Không ngoài dự đoán. Tại buổi việc với PV Báo Lao Động về những bất cập ngay giữa cơ quan mình quản lý, đội ngũ lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an tỉnh Lạng Sơn, gồm cả 3 phó trưởng phòng, đều tỏ ra khá… ngạc nhiên. Họ thừa nhận có việc “tạo điều kiện” nhưng khẳng định hoàn toàn “không biết gì” về những khoản chênh lệch.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Lin – Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – thì tại trụ sở có khoảng 10 công ty thường xuyên hoạt động. Những công ty này đều đóng trên địa bàn tỉnh và có chức năng xuất nhập khẩu. Trung bình mỗi ngày, phòng nhận trên 200 hồ sơ đề nghị làm thủ tục cấp giấy thông hành, chủ yếu ở 2 cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma. Do nhu cầu lớn, phòng làm liên tục 7 ngày trong tuần.
“Theo quy định, lái xe và khách du lịch từ tỉnh khác đến phải qua các công ty du lịch hoặc công ty có chức năng xuất nhập khẩu hàng hóa có trụ sở tại Lạng Sơn và xác nhận làm hợp đồng vận chuyển hàng hoá. Để thuận tiện, chúng tôi tạo điều kiện cho các nhân viên của công ty ngồi trong trụ sở” - Thượng tá Lin nói.
Trước câu hỏi về khoản phí thu chênh lệch từ 200.000 - 250.000 đồng/bộ hồ sơ, nhân với hàng trăm hồ sơ sẽ ra số tiền "khủng" mỗi ngày, cả 3 vị lãnh đạo cấp phó đều khẳng định, phòng chỉ thu đúng 50.000 đồng theo quy định của Bộ Tài chính, còn việc công ty làm "dịch vụ" thu bao nhiêu thì... không biết, không kiểm soát. Do đó, họ cũng không biết các công ty căn cứ vào đâu để thu và có đóng thuế trên khoản thu đó hay không.
Khi nhóm PV đưa ra bằng chứng cho thấy nếu làm "dịch vụ" sẽ được lấy giấy tờ rất nhanh, thì Thượng tá Lin lại cho rằng là cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh chủ động... tạo điều kiện cho tài xế, hoàn toàn không có yếu tố "dịch vụ" nào bên trong.
Bất chấp thực tế đó, ngay sau buổi làm việc, ngay khi vừa bước chân sang quán nước đối diện, ngồi giữa các nhóm tài xế mệt mỏi thì chúng tôi đã gặp ngay một người rất bức xúc. Anh này khẳng định sẽ chờ đợi 2 - 3 ngày cũng được nhưng sẽ không đóng khoản "dịch vụ" vô lý trên. "Nó không đáng nhưng vô lý" - nam tài xế tâm sự.
Cũng liên quan vấn đề này, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Lao Động tối 11/5, Đại tá Nguyễn Trung Thực – Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn - cho biết, đã ghi nhận thông tin và cử cán bộ xuống kiểm tra, làm rõ.