THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:28

Lạng Sơn: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ cấp tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo, triển khai việc thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã có sự phối hợp, thống nhất cao trong tuyên truyền, phổ biến giúp người lao động hiểu biết về chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” mà nông dân là lực lượng cơ bản, chủ yếu.

Đến nay, toàn tỉnh có 21 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 04 trường cao đẳng nghề, 01 trường trung cấp dân lập, 03 cơ sở dạy nghề tư thục và 03 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề ngày càng được tăng cường; đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề từng bước được chuẩn hóa, tăng số lượng và nâng cao chất lượng, đã huy động được một số cán bộ kỹ thuật đang công tác trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã ban hành bộ chương trình dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán sản xuất của người lao động và chỉ đạo thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh đã có một số lớp đào tạo nghề theo mô hình có hiệu quả và được nhân rộng như: Mô hình kỹ thuật Chăn nuôi lợn thịt, huyện Cao Lộc; kỹ thuật trồng cây có múi, huyện Bình Gia, bắc Sơn; kỹ thuật trồng rau an toàn, huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn...; kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi gà bán chăn thả được các hộ gia đình áp dụng vào sản suất, kinh doanh.

Đồng thời tổ chức các lớp dạy nghề phi nông nghiệp: kỹ thuật chế biến món ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, sau học nghề người lao động đã tự thành lập được các nhóm làm dịch vụ nấu cỗ hoặc làm đầu bếp cho các nhà hàng, tạo được việc làm ổn định tăng thu nhập.

Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của lao động nông thôn đối với công tác đào tạo nghề. Việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, trang thiết bị thực hành, vật tư thực hành được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm việc thực hành các kỹ năng của người học, qua đó người học đã nắm được kiến thức, kỹ năng để vận dụng vào sản xuất, kinh doanh và đã thu được những kết quả tích cực, nhiều mô hình, hộ gia đình đã thực hiện việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng, một số hộ đã tổ chức kinh doanh dịch vụ tại gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Người lao động được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm, sau học nghề có trên 75% học viên có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế kinh doanh, dịch vụ, sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Một số nghề mới đã được mở ra, giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, thông tin thị trường, xây dựng nông thôn mới.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp tích cực, hơn 10 năm qua tỉnh Lạng Sơn đã giải quyết việc làm mới cho trên 135.000 lao động, trong đó lao động nông thôn chiếm 80%. Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội để giải quyết việc làm trên 65.000 người, cho vay từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm để tạo việc làm và duy trì ổn định việc làm cho trên 12.500 lao động, mỗi năm cung ứng giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh từ 350 - 500 lao động.

Qua việc đào tạo nghề cho nông dân đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng lao động là nông dân trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Với mục tiêu tạo điều kiện để nông dân có trình độ tay nghề nhất định, biết cách tổ chức sản xuất chính trên quê hương mình, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào công tác góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.

TT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh