CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:14

Làng “sinh nghề tử nghiệp”

 

Nuôi rắn đồng nghĩa là “đánh bạn” với... tử thần.

 

Làng nghề... có một không hai

Hiện ở đồng bằng Bắc bộ, khu vực miền núi Đông - Tây Bắc,  nghề nuôi rắn đã khởi phát ở nhiều nơi. Nhưng quy mô, đáng nể nhất khi nhắc đến nghề này phải là Vĩnh Sơn. Không chỉ trong nước mà nghề nuôi rắn đã đưa Vĩnh Sơn nổi tiếng ra cả nước ngoài, nhất là các nước cận kề như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia...

Cách Hà Nội khoảng 60km, cạnh Quốc lộ số 2, con đường dẫn vào làng đã bê tông hóa từ lâu lắm rồi, đảm bảo cho xe vận tải lớn vào ra, cùng đó là san sát nhà cao tầng với vóc dáng hiện đại. Vĩnh Sơn được mệnh danh là xã giàu của huyện Vĩnh Tường. Nguồn gốc của sự giàu có này, nếu được hỏi, ngoài nghề canh nông, buôn bán thì người ta không ngại ngần mà nói đến lợi nhuận do... con rắn mang lại.Nghề nuôi rắn, đặc biệt chỉ thuần một loại rắn độc ở Vĩnh Sơn có từ bao giờ? Đem câu hỏi này tới các cụ cao niên sẽ không ai đưa ra được câu trả lời chính xác. Từ cụ già phơ phơ đầu bạc cùng chòm râu cước, tuổi đã trăm cả rồi chỉ móm mém: Lâu lắm rồi! Từ ngày chúng tôi còn đánh trần, chạy trên đê đã thấy bố, ông mình làm cái nghề có một không hai này. Theo lời kể, suy tính thì thấy, như vậy làng nghề nuôi thứ “máu lạnh” này có ngót đến 200 - 300 năm về trước và có thể còn có tuổi đời hơn cả thế nữa.

 

Cho rắn ăn, một trong những công việc kèm theo những nguy hiểm!

 

Theo sử, trước đây Vĩnh Sơn vốn là vùng hoang vu, rậm rạp cùng các đầm, bãi. Thổ nhưỡng này tạo điều kiện để các loài bò sát trong đó có rắn tìm đến. Ngày ấy, rắn nhiều lắm. Vậy nên phản xạ về việc bắt rắn để trừ hậu họa, rồi làm thức ăn, làm thuốc có từ đấy. Xã hội phát triển, cùng với khoa học, rồi nhu cầu bồi bổ sức khỏe mà nhiều công dụng được phát hiện từ loại rắn đã đem đến cho dân Vĩnh Sơn thêm cái nghề bắt rắn để bán.

Rồi rắn tự nhiên cũng hết. Nhu cầu ngày một tăng. Từ săn và bắt rắn tự nhiên, rắn cạn kiệt dần, như một hướng mưu sinh, người Vĩnh Sơn đã tìm đến nghề nuôi rắn theo hướng công nghiệp. Vĩnh Sơn cũng là một trong những nơi đầu tiên nổi tiếng với hiện tượng nuôi được rắn đẻ và ấp nở thành công các loại rắn độc đầu bảng. Những năm 70 của thế kỷ XX, Vĩnh Sơn đã đầu tư xây dựng trại rắn với sự cộng tác của các  nhà khoa học đầu ngành của Viện Khoa học và Công nghệ.

Rắn Vĩnh Sơn cùng các sản phẩm về rắn như cao, nọc, rượu đã nổi tiếng, đi khắp nơi và cùng với đó là một khoản tiền rất lớn được mang về làng. Những năm 90, khắp nơi còn đang lung bung do việc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường, thì dân Vĩnh Sơn lúc nào cũng được bưng những bát cơm trắng đầy ngật. Tổng giá trị sản xuất của xã có năm đã đạt trên 28 tỷ đồng, trong đó có tới gần 18 tỷ do... rắn mang lại.

Hiện với diện tích trên 327ha đất, khoảng trên 5000 nhân khẩu, Vĩnh Sơn trở nên trật trội vì quỹ đất nông nghiệp trên đầu dân không cao. Nếu không có nghề nuôi rắn thì dân Vĩnh Sơn không có kế sách gì để mưu sinh và làm giàu cho mình. Nhờ nghề nuôi rắn có một không hai này mà hiện nay mỗi năm có trên 200 tấn rắn được người dân Vĩnh Sơn xuất đi tứ xứ, ra cả nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc. Nhờ việc kinh doanh thứ “hàng đặc biệt” này mà Vĩnh Sơn đã thu về từ 30 - 45 tỷ đồng mỗi năm.

Sinh nghề... tử nghiệp!

Vì cái thu có ý nghĩa siêu lợi nhuận này nên hiện nay tất cả các quỹ đất dành cho sinh hoạt của mỗi gia đình trong làng Vĩnh Sơn đều được tận dụng để... nuôi rắn. Và để có lợi nhuận với cái nghề này thì càng nuôi rắn độc bao nhiêu càng thu được nhiều tiền bấy nhiêu. Ngoài các loại rắn độc thông thường, hiện người Vĩnh Sơn chỉ... ưu tiên nuôi 3 loại rắn độc nhất là hổ mang chúa, hổ mang phì và hổ mang trâu. Theo nghiên cứu, với các loài rắn độc đầu bảng này, nọc độc của một con rắn đủ giết chết một con voi. Như vậy, với loại rắn này không chỉ bị cắn mà giẫm phải nọc do chúng phun ra, nếu cơ thể có vết xước thì người ta rất dễ... viết cáo phó rồi!Mưu sinh từ rắn, giầu từ rắn, ăn cùng rắn, ngủ cùng rắn và... chết cũng vì rắn là những cụm từ dành cho người Vĩnh Sơn vì cái nghề đầy nguy hiểm này. Lợi nhuận từ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn hiện thu hút trên 85% các hộ trong xã vào cuộc. Đâu đâu cũng thấy hầm nuôi cùng những tiếng thở phì phò của rắn. Người lạ đến làng, nếu không quen tối sẽ không ngủ được nơm nớp lo sợ về tính mạng của mình. Vỉa hè, sân phơi, hiên nhà... chỗ nào cũng được người dân tận dụng để làm hầm nuôi và nhốt rắn.

 

Những loại rắn mà người Vĩnh Sơn ấp nuôi theo kiểu công nghiệp thường có “tính cách lạ” và có độc tố cao hơn các loại rắn sinh sống tự nhiên.

 

Nhà chị Vũ Thị Nga nằm gần con đường trục chính dẫn vào xã, vợ chồng chị được bố mẹ cho 40m2 đất để làm nhà. Vợ chồng chị xây nhà 20m2 để ở, còn lại là dùng... cho rắn. Nói về sự nguy hiểm, chị Nga ưu tư: Biết là vậy. Nhưng hiện tại, vợ chồng em cũng như dân Vĩnh Sơn mà bỏ nghề này không biết mưu sinh bằng cái gì. Vì miếng ăn, vì cái gọi là tương lai cho con cho cháu nên đành... liều thôi. Nguy hiểm thật đấy nhưng dù sao thì cái nghề này cũng còn đỡ hơn nghề cưa bom, cưa mìn ở miền Trung. Ùm một cái, đi mấy mạng người, nhưng chẳng còn việc gì để kiếm ăn nên cũng còn khối người lao vào nữa là nghề nuôi rắn này”.

Ông Vũ Mạnh Hùng, một trong những người có “số má” về nuôi rắn ở làng. Sự thận trọng của cái nghề nuôi rắn độc có một không hai này đã “ám” cả vào cử chỉ và cách tiếp chuyện của ông. Ông bảo, thấy cái nghề này cũng nguy hiểm nên ông đã chọn con đường công chức để tiến thân. Nhưng làm mãi cũng chả đủ sống. Lại bỏ, quay ra làm nghề chụp ảnh. Ảnh cũng không đủ nuôi thân, nuôi nhà nên đành quay về kiếm sống bằng… nghề nuôi rắn.

Ông Hùng cho biết, với cái nghề này chả ai dám nói mạnh được. Thận trọng là trên hết và đôi khi còn phải tùy thuộc vào cái... mệnh trời nữa. Ông Hùng bảo, từ ngày người Vĩnh Sơn nuôi và ấp nở thành công các loại rắn độc thì hậu họa tiềm ẩn ngày một tăng. Vì rắn do con người ấp và nuôi theo kiểu công nghiệp này nó có những phản trắc không thể lường được. Nó không như rắn tự nhiên. Có thể bất thường “nổi nóng” và quay lại “tớp” chủ  ngay. Càng có lợi nhuận, càng tự chủ về con giống bao nhiêu thì hậu họa của rắn ngày càng được nhân lên với người dân Vĩnh Sơn.

“Sinh nghề, tử nghiệp” - trở thành thực tế hết sức sinh động với người dân Vĩnh Sơn với nghề nuôi rắn độc. Cụ lang Dánh là người nổi tiếng ở Vĩnh Sơn bởi các bài thuốc giải độc do rắn cắn. Nhưng với thực tế hiện nay, hỏi công dụng của các bài thuốc thì cụ lắc đầu. Cụ bảo, rắn nuôi theo kiểu công nghiệp như hiện nay của người dân Vĩnh Sơn độc lắm. Thuốc của tôi chỉ có tác dụng với các loài rắn độc sinh sống trong tự nhiên thôi. Tôi chả dám chắc các bài thuốc của mình có công hiệu nữa. Khi có người bị rắn cắn tìm đến, tôi cho thuốc để kìm nọc độc chậm xâm nhập cơ thể rồi khuyên họ đến bệnh viện Bạch Mai. Với các loại rắn hiện nay dân Vĩnh Sơn đang nuôi thì chỉ nơi ấy mới cứu được khi bị chúng cắn.

Què, cụt, thương tích là những sự thực đang hiện diện ở làng rắn Vĩnh Sơn. Vì nghề, nếu hỏi, người ta cũng ngại đưa ra những số liệu chết chóc có liên quan đến rắn. Đi trong làng Vĩnh Sơn, giữa sự giàu có, tôi ưu tư dừng chân trước ngôi nhà khá hiện đại, được xây từ tiền bán rắn. Nhà có duy nhất cậu con trai tên H. Cách đây mấy năm, trong một bữa rượu, H tuyên bố với bạn bè là đã đủ giầu. Nuôi nốt đợt rắn này H sẽ “treo kiếm” để lấy vợ và tìm một nghề khác mưu sinh.

Nhưng cực thay, chuyến hàng chở rắn cuối cùng lên Lạng Sơn bán H đã bị một con rắn phản chủ cắn. H lấy thuốc gia truyền uống và điện thoại cho gia đình. Nghe hung tin, gia đình tức tốc thuê xe cứu thương cùng các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chạy ngược lên Lạng Sơn, với ý định gặp đâu sẽ cứu tại đấy. Nhưng chuyến xe cấp cứu và “chuyến xe đời” của H đã không bao giờ gặp nhau! 

ĐỨC TUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh