Thoát nghèo nhờ nghề se nhang
- Dược liệu
- 16:53 - 31/12/2017
Làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân tất bật vào mùa tết
Dọc theo hai bên đường Mai Bá Hương (xã Lê Minh Xuân) những ngày này điều làm chúng tôi ấn tượng là màu vàng rực của nhang và hương thơm nghi ngút từ các loại nhang tại địa phương tỏa ra khắp nơi. Dưới cái nắng gay gắt, nhiều hộ làm nghề se nhang luôn tay rải nhang vừa làm và tất bật thu gom nhang khô vào nhà, chia thành từng thiên (1 thiên 1.000 cây) chuẩn bị đi giao cho các công ty, cơ sở lẻ trong và ngoài đại bàn TP.HCM.
Các cơ sở bắt đầu tăng công suất lao động để kịp làm nhang cung ứng cho mùa tết.
Một số hộ sản xuất nhang tại địa phương cho biết, đầu tháng 1 là giai đoạn cao điểm chuẩn bị nhang cung ứng dịp tết Nguyên đáng và rằm tháng Giêng, vì vậy gia đình nào cũng tất bật chuẩn bị hàng để cung ứng cho thị trường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí làm việc của làng nhang Lê Minh Xuân những ngày này rất nhộn nhịp. Gia đình nào có điều kiện thì thuê 4 đến 8 công lao động, có gia đình còn huy động tất cả các thành viên trong gia đình để làm việc, mọi người đều làm việc hăng say từ sáng đến tối nhưng cũng không thể hết việc.
Là chủ hộ có truyền thống sản xuất nhang gần 20 năm, anh Hoàng Tiến Dũng (35 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây thuộc hộ nghèo, không có ai làm nhang cả, từ nhỏ đi theo mấy cô chú trong làng đi làm rồi dần dần mê nghề từ lúc nào không hay, lúc trước làm thuê cho người ta rồi từ từ kiếm vốn mở cơ sở riêng. Đến nay cơ sở của tôi hoạt động tương đối ổn định, gia đình đã có của ăn của để…”
Nhờ nghề làm nhang gia đình anh Hoàng Tiến Dũng đã "có của ăn, của để".
Anh Dũng cho biết thêm, vài năm trước người dân ở làng nhang Lê Minh Xuân đa số làm nhang bằng cách se nhang bằng tay truyền thống, cây nhang khi thành phẩm không đẹp và năng suất thấp. Tuy nhiên, 2 năm năm trở lại đây, máy làm nhang bắt đầu xuất hiện, người dân đã vay vốn ngân hàng mua máy về áp dụng vào sản xuất nên cây nhang rất đẹp, giảm công lao động và năng suất làm ra cao hơn làm truyền thống.
Để làm thành một cây nhang hoàn chỉnh, hằng ngày, anh Hoàng Tiến Dũng phải đi lấy các nguyên liệu như: tăm và bột nhang, từ một công ty trên địa bàn xã Lê Minh Xuân. Tăm tre sau khi được đêm về nhà anh Dũng phải nhuộm đỏ một phần và phơi khô. Đối với bột nhang được anh rưới nước và keo rồi cho vào máy trộn đều, sau đó bỏ cả tăm và bột vào từng bộ phận của “máy lười” vận hành. Anh tính chỉ việc ngồi đợi cho nhang ra thành phẩm rồi đem nhang ra phơi trên các vỉ tre trước nhà, hay phơi vào máy sáy đợi khô và thu gom.
“Công đoạn vận hành máy lười để cho ra cây nhang là công đoạn quan trọng nhất, công việc này khá đơn giản và không nặng nhọc, nhưng nó mất khá nhiều thời gian. Nếu máy lười bị nghẽn tăm thì phải rút ra và khởi động lại cho máy tiếp tục chạy”.
Ngoài ra, trong suốt quá trình làm, cần có một người đem nhang thành phẩm đi phơi nắng, còn một người khác bó nhang thành từng thiên 1.000 cây. Sauk hi hoàn thành, cứ mỗi thiên nhang được giao công ty, tiền công của mỗi người được 5.000 đồng, tính ra thu nhập của họ một ngày cũng giao động từ 200.000 đồng - 300.000 đồng”.
"Có thể nói, nghề làm nhang tuy chưa mang lại cuộc sống giàu sang cho người dân nơi đây, nhưng nghề này đã giúp nhiều người tại đây thoát nghèo bền vững". Anh Dũng tự hào cho biết.
Phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề
Cách gia đình anh Hoàng Tiến Dũng khoảng 200 mét, là cơ sở sản xuất nhang của gia đình bà Lê Thị Quá (61 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh). Từ ngoài đường chúng tôi đã nghe tiếng máy lười hoạt động ròn rã. Bà Lê Thị Quá cho biết, hiện tại gia đình bà đã có hơn 10 đơn hàng đặt nhang với khối lượng nhang cần giao lên đến hàng tấn, nên bà cùng con gái và 2 nhân viên tại cơ sở phải “phá” giấc ngủ trưa để làm việc.
Mặc dù đã 12 giờ trưa, nhưng không khí làm việc tại cơ sở bà Quá vẫn rộn ràng, mọi người ai cũng đều hăng say vận hành máy lười, lấy nhang thành phẩm đem ra khoảng sân rộng phía trước xưởng phơi dưới nắng gắt.
Chị Trần Thị Thanh (45 tuổi, quê An Giang) đang phơi nhang ngoài sân cho biết, hiện tại, cơ sở đang sản xuất hai loại nhang chính là tùng và trầm. Giá nhang ở đây tùy thuộc vào cách pha bột, keo và màu khác nhau. Do đó, giá nhang dao động từ 30.000 – 70.000 đồng/1 thiên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nét đặc trưng sản phẩm của làng nghề Lê Minh Xuân là bột hương được làm từ 2 hỗn hợp chính: Bột quế, trấu và mùn cưa. Tùy vào phương pháp tinh chế, nhào trộn của từng hộ gia đình mà người làm hương tạo nên các loại hương đặc hiệu cho riêng mình như hương trầm, hương quế... Vì vậy các loại nhang nơi đây đều có mùi thơm dễ chịu, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe nên rất chuộng khách hàng.
Hiện nay, làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân đã thành lập được 3 tổ hợp tác xã với hơn 150 hộ tham gia. Làng nghề cũng đã được TP.HCM và huyện Bình Chánh triển khai bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề.
Một mùa xuân nữa lại về, hy vọng một mùa bội thu sẽ đến với làng nhang Lê Minh Xuân để nhà nhà đều được hưởng cái Tết ấm no, hạnh phúc.