THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:58

Làng đóng tàu trên sông Ninh Cơ

Công nhân từng là những nông dân.

Nông dân đóng tàu nghìn tấn

Người lạ về Xuân Trường, có lẽ ít ai tin về chuyện nông dân đóng tàu hàng nghìn tấn. Đó là sự thật và cũng là huyền thoại của đất thành Nam. Những người nông dân vốn quen với cây lúa cây ngô, những vụ mùa, vỡ đất giờ lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” giống như trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm.

“Làng đóng tàu” của đất Xuân Trường này là một địa danh dễ nhầm. Làng ấy giờ thuộc về thị trấn Xuân Trường, chứ trước đây là một xã nghèo giáp sông. Theo ông Trần Xuân Đán, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Trường: “Khi huyện Xuân Thủy cũ chưa tách thì toàn bộ thị trấn là xã Xuân Hùng. Sau này, tách huyện rồi lập thị trấn thì những người nông dân xã cũ trở thành người phố thị”.

Ông Đán chỉ tay ra bãi sông: “Sông Ninh Cơ là một nhánh lớn của sông Hồng. Bãi sông ấy đất tốt, phù sa bồi đắp nên người dân từng trồng dâu nuôi tằm. Đến năm 1997, người ở đây manh nha tập đóng tàu. Thế rồi, sau chục năm thì mấy chục nhà máy xuất hiện”.

Làng đóng tàu ven sông Ninh Cơ nhìn từ trên cầu Lạc Quần.

Bãi sông Ninh Cơ dài khoảng 4 cây số nhưng có tới gần 30 công ty tập trung nơi đây. Những ông chủ đóng tàu cũng toàn là người địa phương. Những con tàu dài cả trăm mét, cao như nhà tầng ngất ngưởng bên sông. Những công nhân vốn là nông dân chính hiệu đang hì hục những cắt với hàn, những thiết kế với đấu điện rất thuần thục.

Hỏi một nông dân giờ là giám đốc lớn, có uy tín trong ngành đóng tàu, rằng có đóng nổi tàu nghìn tấn không? Ông nhanh nhảu trả lời: “Một nghìn chứ hai nghìn chúng tôi cũng đóng được”.

Sợ chúng tôi không tin, ông dẫn vào bên trong chìa ra một tập giấy hợp đồng lẫn thiết kế tàu công suất lớn. Cái thì 1.000 tấn, cái thì 1.800 tấn, cái lớn lên tới 2.500 tấn. Ngay tại bãi sông, có con tàu công suất 3000 tấn do một công ty nước ngoài đặt hàng sắp được hoàn thiện.

Ông Trần Xuân Đán tổng kết: “Chuyện cả làng đóng tàu đã trở thành huyền thoại của Xuân Trường. Hàng nghìn người tham gia làm thầy và làm thợ, thậm chí còn phải “nhập khẩu” lao động lành nghề nơi khác về. Nghề đóng tàu trở thành nghề chính và quan trọng bậc nhất của người dân quê tôi”.

Nhiều con tàu trọng tải lớn được hoàn thiện.

“Vua tàu” bãi sông Ninh

Một nông dân chính hiệu ở bãi sông Ninh Cơ đã trở thành “vua tàu” là anh Nguyễn Đức Phùng. Từ một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, anh lẫm chẫm vào nghề từ những cỗ máy cơ khí cũ để chuyên sửa chữa, gia công các đồ cơ khí dân dụng, nông nghiệp.

Ngay khi tốt nghiệp THPT, biết cảnh nhà không khấm khá gì, việc học cũng quá khả năng kinh tế của gia đình nên anh mạnh dạn xin bố cho lập một xưởng cơ khí nhỏ. Khi đã làm chủ một xưởng nhỏ với mười người thợ, thấy công việc cũng phập phù, thu nhập cũng bấp bênh, Phùng nghĩ phải tăng tốc, chuyển hướng làm ăn cho riêng mình.

Những ngày còn đi học, Phùng từng trăn trở: Nam Định có biển, nhiều người dân gắn với biển. Hơn nữa đất nước mình nhiều sông, bờ biển dài, nghề sông nước vẫn phải gắn với người dân thì chắc chắn phương tiện đi lại, vận chuyển trên sông biển sẽ không thể chết.

Hiện, hơn 1000 người tham gia đóng tàu tại bãi sông Ninh.

Sau vài đêm suy nghĩ, Phùng mạo hiểm lập xưởng đóng mới và sửa chữa tàu cũ. Nhìn cơ ngơi xưởng máy thênh thang trải đều trên 30.000m2, có ai biết Phùng đã đổ vào đó bao nhiêu tiền của và công sức. Những con tàu trọng tải lớn cỡ 2.000, rồi đến 3.500 tấn do chính Phùng thiết kế lần lượt ra đời.

Anh Phùng cho biết một số bạn hàng từ Châu Âu đã qua đây làm việc. Và một kỷ lục cho làng đóng tàu ven bãi sông Ninh là đóng được tàu 6.000 tấn do một khách người Đức đặt hàng. Thế nên, người Nam Định gọi Phùng là “vua tàu” của miền Bắc.

“Ngắc ngoải nhưng không... chết”

Ông Lê Huy Thông, Trưởng phòng Công Thương huyện Xuân Trường cho biết: Làng đóng tàu ven sông Ninh Cơ là một trong những nơi tập trung đóng tàu với quy mô lớn nhất tỉnh Nam Định. Người Xuân Trường đã đóng được những con tàu trọng tải 6000 tấn. Hiện nay địa phương đã có 2 doanh nghiệp đủ năng lực đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân bám biển theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tổng số lao động phục vụ đóng tàu ven bãi sông Ninh Cơ vào khoảng trên 1000 người. Số tàu biển đang đóng gần 70 chiếc, còn lại là vài chục chiếc tàu sông, tàu đánh cá vỏ thép, tàu du lịch và hậu cần.

Cũng theo ông Thông, vào năm 2012 ngành công nghiệp đóng tàu cả nước bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế. Làng đóng tàu ven sông Ninh Cơ cũng ngắc ngoải nhưng không... chết. Các xưởng đóng tàu hoạt động èo uột, thua lỗ. Những tưởng làng đóng tàu sẽ bị xóa sổ, nhưng họ đã kiên trì theo nghề và giữ nghề.

Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ một xưởng đóng tàu cho biết: “Chúng tôi cố gắng tồn tại với nghề, cũng là vì mình và vì anh em lao động. Hơn nữa, nhìn những con tàu mình làm bơi ra biển lớn thì lòng tự hào lại dâng lên. Vậy thì sao nỡ dứt bỏ thứ nghề khổ nhọc nhưng cao quý”.

Từ năm 2014, việc đóng tàu ở bãi sông Ninh Cơ đã dần phục hồi. Những công nhân ở các xưởng sản xuất được gọi về. Họ lại bắt đầu cho một quá trình mới đóng những con tàu lớn. Với những người dân nơi đây, đóng tàu không chỉ là một công việc ra tiền mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào khi tàu lớn vượt biển khơi.

Làng đóng tàu vốn là nơi trồng dâu nuôi tằm.

Anh Trần Quang Chất, công nhân thâm niên 12 năm trong nghề chia sẻ: “Rất nhiều công ty đóng tàu trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài thường xuyên mời chúng tôi làm việc với mức lương cao, nhưng chúng tôi xác định phải lập nghiệp ở quê mình. Những con tàu chúng tôi đóng ra cũng có mã số và ký hiệu riêng, đó là niềm tự hào”.

Ông Trần Xuân Đán, Chủ tịch UBND thị trấn Xuân Trường cho biết: Tới đây, người dân làng đóng tàu sẽ khuyến khích con em trong vùng học hành có bằng cấp về nghề đóng tàu để có những kế hoạch dài hơi, bài bản tiếp tục vươn lên làm giàu đóng góp cho quê hương đất nước và cùng nhau hướng ra biển khơi.

Ngày nay, ngành đóng tàu không chỉ hướng tới lợi nhuận mà còn hướng tới chủ quyền biển đảo. Những con tàu của Việt Nam, hoặc do Việt Nam đóng đi lại trên biển Đông là niềm tự hào và cũng là sự an tâm đối với các ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ.         

PHÚC ĐƯỜNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh