Nghề đóng tàu biển
- Dược liệu
- 17:36 - 14/05/2016
Nghề nhọc nhằn và lắm công phu...
Có mặt tại các xưởng đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá chúng tôi mới thấu hiểu phần nào sự vất vả, khó nhọc của những người thợ đóng tàu. Cảm nhận đầu tiên về họ đó là, những chiếc áo đẫm mồ hôi, những khuôn mặt rám nắng vì năm tháng với nghề.
Công việc của những người thợ đóng tàu cực nhọc và đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Sinh ra và lớn lên tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) nơi có nghề đi biển từ xa xưa, dù trải qua biết bao thăng trầm của thời gian nhưng ông Cao Xuân Đố, chủ cơ sở đóng tàu thuyền Hùng Vỹ luôn khẳng định, việc gắn bó với nghề đóng tàu là quyết định sáng suốt nhất của cuộc đời ông.
Ông Đố nhớ lại, cụ thân sinh ra ông vốn là thợ đóng thuyền có tiếng của vùng Roòn. Khi còn nhỏ, ông được tiếp xúc với gỗ, cưa, đục. Thế rồi ông được truyền nghề từ người cha lúc nào không hay. Khi đến tuổi trưởng thành, ông đã cầm cưa, đục và có thể tham gia đóng thuyền.
Ông tâm sự: “Là người lớn lên ở làng biển, tôi hiểu rõ những hiểm nguy, nỗi nhọc nhằn của chuyến đi biển dài ngày. Chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình đóng tàu cũng có thể đe dọa tính mạng của những ngư dân trên biển”. Với kinh nghiệm hơn 50 năm đóng tàu, từ khi bắt đầu quá trình đóng tàu cho đến khi kết thúc, ông Đố vận dụng toàn bộ kinh nghiệm tích lũy và sự sáng tạo của bản thân để làm ra con tàu theo đúng yêu cầu của chủ tàu.
Chính nhờ sự cẩn thận, tỉ mỉ, nghiêm túc với công việc mà thương hiệu, tên tuổi của ông dần được ngư dân, giới đóng thuyền không chỉ ở trong vùng mà cả tỉnh biết đến.
Là thế hệ thứ tư theo nghề đóng tàu trong gia đình, ông Phạm Minh Hồng ở thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch (Bố Trạch) là một người thợ cả có tiếng. Ông tâm niệm rằng, mỗi con tàu ra khơi đều được ngư dân xem là nhà. Để ngôi nhà này chống chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết cần có những bàn tay của những “nghệ nhân” đóng tàu.
Vì vậy, khâu chọn gỗ và sử dụng gỗ đóng tàu là quan trọng nhất. Để đóng được những con tàu có thời gian sử dụng lâu bền, ông thường chọn những loại gỗ ít nứt, bền, chịu nước và tiết kiệm. Khi dùng gỗ loại nào, ông đều suy tính kỹ cho hợp với túi tiền mà vẫn đạt yêu cầu chất lượng, bền chắc, do vậy khách hàng luôn hài lòng. Không cần đo đạc, chỉ dùng mắt và kinh nghiệm, thế nhưng thợ cả Phạm Minh Hồng có thể hiểu khi nào tấm gỗ dày đang được hơ trên lửa lớn đạt được độ cong cần thiết.
Để rồi, khi các toán thợ hò nhau khiêng những tấm gỗ nặng lên áp vào khung tàu thì vừa khít. Tấm gỗ cong, bo tròn, uyển chuyển ép vừa vặn vào phần xương tàu vững chãi là minh chứng cho khả năng của người thợ cả. Không chỉ cho ra đời những chiếc tàu, thuyền vững vàng bám trụ giữa biển khơi, ông Hồng còn sẵn sàng truyền nghề cho những học trò.
lao đCông ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình đảm nhận đóng mới tàu theo Nghị định 67.
Dẫn chúng tôi vòng quanh “doanh trại”, nơi có hàng chục thợ đóng tàu đang làm việc chăm chỉ, anh Mai Xuân Thế, chủ Công ty TNHH MTV Huệ Thế ở phường Quảng Phúc (Ba Đồn) tiết lộ với chúng tôi về bí quyết nghề.
Anh Thế cho biết: "Nghề đóng tàu bây giờ đã có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ chứ không làm thủ công hoàn toàn như trước, tuy nhiên, do tính chất đặc thù của những con tàu cá, người thợ vẫn phải nắm được những kỹ thuật truyền thống. Chẳng hạn, công đoạn hơ ván gỗ trên lửa để uốn cho vừa với khung sườn tàu, chỉ có những thợ có kinh nghiệm mới làm được...".
Cũng theo anh Thế, nghề đóng tàu cá luôn phải đối mặt với vất vả và nặng nhọc. Trong quá trình thi công, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật được người thợ cả giám sát rất khắt khe. Từng chi tiết dù nhỏ nhất trên thân, vỏ tàu đều phải quan tâm, chú ý để sau khi hạ thủy, tàu phải bảo đảm mức độ an toàn, cân bằng, lướt nước nhẹ nhàng, không bị nghiêng lệch...
Quay lại thời vàng son
Những năm 2010 trở về trước, nghề đóng tàu, thuyền ở các làng biển như đi vào ngõ cụt do nghề đánh bắt trên biển làm ăn sa sút, nhiên liệu lại liên tục tăng vùn vụt, cộng với lãi suất ngân hàng đẩy cao nên chuyến biển nào ngư dân cũng bị lỗ, nhiều ngư dân xót xa nhưng cũng đành gác tàu lên bờ. Nghề đóng tàu cá theo đó cũng sa sút theo. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, nghề đóng tàu được vực dậy bởi nghề đánh bắt khơi xa làm ăn đạt hiệu quả cao, thêm vào đó có chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp sức (Nghị định 67 được triển khai). Nhờ vậy, các cơ sở đóng tàu cá nhanh chóng quay lại thời vàng son.
Đi dọc các địa phương ven biển vào những ngày này, điều dễ nhận thấy là các xưởng đóng tàu đều tấp nập, rộn ràng với những con tàu lớn sắp hạ thủy và chuẩn bị khởi công. Theo thống kê của Chi cục khai thác và Bảo vệ nguồn thủy sản, hiện toàn tỉnh có 14 cơ sở đóng tàu được công nhận đáp ứng đủ điều kiện để đóng mới, nâng cấp, cải hoàn tàu cá có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên theo Nghị định 67 (đạt yêu cầu có diện tích mặt bằng, nhà điều hành thông thoáng, vùng nước neo đậu tàu cá bảo đảm, các trang thiết bị thi công phong phú chủng loại) nằm rải rác ở các địa phương gồm: Quảng Ninh, Đồng Hới, Ba Đồn, Quảng Trạch, Bố Trạch, trong đó có 2 cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu vỏ thép. Ngoài ra vẫn có khoảng 10 cơ sở có hoạt động kéo, hạ tàu nhưng chưa đủ điều kiện.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch phường Quảng Phúc cho biết, mặc dù là địa phương có nghề đánh bắt thủy sản truyền thống nhưng lâu nay ngư dân muốn đóng mới, nâng cấp tàu thì phải đi đến các vùng khác, thậm chí tận các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định...
Nắm bắt được khó khăn đó, năm 2014 chủ cơ sở Huệ Thế và Trần Tịnh đã mạnh dạn thành lập mô hình công ty TNHH MTV nhằm mở rộng quy mô đáp ứng nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá cho ngư dân. Sự xuất hiện của 2 cơ sở đóng tàu đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương.
Thăm Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình, chúng tôi nhận thấy có gần 100 lao động và thợ đóng tàu đang khẩn trương, hối hả chạy đua với thời gian để hoàn tất các khâu cho những con tàu mới. Từng tốp đang say sưa với từng công đoạn như: xẻ gỗ, kéo triền đà, uốn be, khoan chốt... tiếng đục, tiếng cưa xẻ gỗ, tiếng gõ búa vang liên hồi.
Trước đây bình quân mỗi năm, doanh nghiệp chỉ đóng trung bình vài ba phương tiện, nhưng từ Tết Nguyên đán đến giờ đơn vị đã đóng gấp bốn con số đó.Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay, để duy trì và phát triển nghề đóng tàu, trong những năm qua chính quyền các địa phương đã tạo mọi điều kiện cần thiết để các cơ sở đóng tàu mở rộng quy mô và phát triển một cách bền vững.
Song thời gian này, sức sống của các cơ sở đóng tàu mới thực sự được hồi sinh, vì chưa năm nào các cơ sở có nhiều đơn đặt hàng như thế này (từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có trên 110 tàu đóng mới và hạ thủy, ngoài ra có khoảng 80 chiếc tàu cá đang thi công). Niềm vui đó càng nhân lên khi chính các doanh nghiệp có cơ hội góp sức cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo của đất nước.
Trong những cái bắt tay thật chặt trước lúc tạm biệt, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của những người thợ kiến tạo nên những con tàu, giúp ngư dân vững lòng bám biển. Bởi từ chỗ làm nghề chỉ để lo miếng cơm manh áo, nay mỗi người thợ đóng tàu ở những làng biển như những chiến sĩ bảo vệ ngư trường, biển đảo vì họ đã đồng hành tiếp sức cho ngư dân.