Làng Dệt lụa Nha Xá (Hà Nam): Dân vẫn phất lên nhờ khung cửi, con thoi
- Tây Y
- 20:50 - 17/05/2017
Nghìn năm thoi đưa
Làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) ngày nay không có nhiều tiếng cửi, tiếng con thoi đưa như xưa, đến đầu làng người ta còn nghe được cả tiếng ve kêu chào đón mùa hè giữa chốn thanh bình. Ở Nha Xá toàn nhà cao, cái nào cũng tầm cỡ 3-5 tầng, còn có cả các ngôi biệt thự cổ mang dáng dấp kiến trúc của Pháp, hoa văn, họa tiết đều rất… tuyệt mỹ. Các cụ cao nhiên trong làng bảo, “nhìn mấy cái biệt thự cổ và mấy cái nhà cao tầng là đủ biết cái làng này giàu từ bao giờ, nó đều là thành quả của khung cửi, của con thoi đưa”.
Ông Lê Ngọc Toản, chủ nhân của một xưởng dệt cho biết: Tương truyền khi xưa có một vị tướng nhà Trần tên là Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư có đi thuyền qua đây, thấy đất tốt, dân lại nghèo nên ông đã chỉ cho dân cách trồng dâu, ươm tơ và dệt lụa. Nghe lời dạy, người ta làm ra rất nhiều tấm lụa đẹp, cung ứng cho dân trong làng, trong tổng. Rồi tiếng lành đồn xa, thương lái tìm đến cũng nhiều, có thời có cả nghề gánh lụa thuê ra sông Hồng đưa lên thuyền, các thuyền chuyển về kinh thành và phân phối đi khắp nơi. Cứ như vậy, tính đến nay thắm thoát thoi đưa cũng đã ngót nghìn năm rồi!
Và để có được một tấm lụa ưng ý, người ta phải nhập tơ, quay tơ, rồi mới đưa qua máy dệt. Tấm lụa mộc dệt xong lại đem ra tẩy chuội, nhuộm màu, rồi cán khô nữa mới xong xuôi. Mỗi công đoạn đều có cách làm riêng, rất kỳ công và tỉ mẩn, đòi hỏi người thợ phải thật chuyên tâm, tinh tường.
Dù được phong là “Á hậu” trong nghề dệt song trải qua bao biến cố lịch sử, lụa Nha Xá không phải không có thăng trầm. Chẳng nói đâu xưa, những cuối năm 80 của thế kỷ trước, làng nghề chỉ còn mấy hộ theo dệt với sản phẩm hạng thấp kém như khăn, màn. “Lụa làm ra không bán được mà nguyên liệu để dệt lại thiếu thốn, làng nghề lâm vào thế khó, nhiều người đã tháo khung, có người cũng đã lên kế hoạch làm nốt vài mẻ nữa rồi cũng bỏ nghề”, ông Toảng nhớ lại.
Một số tấm lụa dệt tại Nha Xá
Đúng vào thời điểm gian nan ấy có người con của Nha Xá trở về với tin vui là “đã tìm được đầu ra”. Thế là làng lại cải tiến máy móc rồi nhập các loại tơ có chất lượng cao cấp hơn, dệt ra những tấm vải đẹp và bền hơn, lụa làm ra bán chạy hơn, từ đó làng lụa Nha Xá chính thức hồi sinh.
Nguồn nguyên liệu dệt hiện nay được người dân lấy từ Nhà máy tơ Lâm Đồng, nguồn hàng ổn định, chất lượng tơ bảo đảm. Mỗi tháng, làng nghề cho ra khoảng 2 vạn mét lụa, trong đó có 50% là lụa hoa, 50% là lụa trơn và các sản phẩm khác. Cho đến giờ, sản phẩm lụa hoa của Nha Xá được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa thích. Không những có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước mà còn là sản phẩm được người dùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp rất ưa chuộng.
Kế thừa và phát huy
Theo thống kê của UBND xã Mộc Nam, Nha Xá hiện có 140 hộ sản xuất, kinh doanh lụa. Trong đó có các hộ dệt thô hoặc tham gia vào các công đoạn khác, có người chỉ chuyên làm khăn, có người chuyên dệt thô, thậm chí chỉ sắm máy rồi ngồi nhà dệt thuê hưởng công như lối làm khoán, dệt được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu.
Số hộ làm dệt có vẻ ít song đã tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân. Chị Đặng Thị Xuân, chủ nhân của hai chiếc máy dệt cho biết, thu nhập bình quân của người lao động ở đây là 300 nghìn đồng/ngày. Có người có thu nhập 500 nghìn đồng/ ngày và tùy thuộc các công đoạn đòi hỏi kỹ thuật khác nhau.
“Làm gần máy móc tuy ồn một chút song thu nhập khá ổn định, hơn hẳn so với làm công nhân ở các công ty nhiều, vừa không phải chịu nắng mưa, vừa gần nhà, việc lại có quanh năm”, chị Xuân cho biết thêm.
Hoặc như nhà ông Toản, nhà ông cũng có hai máy dệt. Chỉ hai máy thôi nhưng cũng đủ việc làm cho vợ chồng ông quanh năm, đủ tiền cho ông xây căn nhà 3 tầng rộng hàng nghìn mét vuông và đủ tiền cho con cái đi học đại học.
Còn đầu tư lớn, mở doanh nghiệp ở Nha Xá thì người ta có thể kể đến hộ ông Hợp với hơn 7 máy dệt, nhà ông Hưng với hơn 10 máy dệt. Mỗi hộ như vậy tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên, các lao động này sống khỏe với thu nhập ngót nghét chục triệu đồng mỗi tháng.
Nói đến tấm gương giúp nhau cùng phát triển, cùng làm giàu thì có thể nói đến vợ chồng anh Lê Thanh Sơn. Chúng tôi đã chứng kiến, tại xưởng rộng hàng nghìn mét vuông của gia đình anh lúc nào cũng có trên chục lao động. Mỗi người làm một giai đoạn khác nhau: người quay sợi, người giặt vải, người nhuộm vải, người gấp lụa đóng gói,… Trong trường hợp khác, hộ nào muốn dệt nhưng không có vốn đầu tư thì vợ chồng anh Sơn sẽ đầu tư, lắp cho khoảng 2-3 máy dệt. Lắp xong người được giao máy chỉ việc dệt và bán lại sản phẩm cho hộ anh Sơn, như vậy là hợp tác cùng có lợi, người làm không phải bỏ ra nhiều vốn, còn anh Sơn có nguồn hàng ổn định.
Được biết thêm, để phát huy hơn nữa giá trị sản phẩm và sự phát triển làng nghề. Năm 2013, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và Trạm xử lý nước thải làng nghề dệt Nha Xá. Đây là điều kiện tốt nhất để làng nghề yên tâm phát triển, tạo ra được thương hiệu cho sản phẩm và giải quyết bài toán việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.