Đúc đồng ở Đại Đồng
- Dược liệu
- 17:33 - 05/03/2017
Kết tinh của tâm hồn
Xưa có câu: “Làng Rồng chỉ đúc đỉnh và chuông/Xanh chảo xem ra vẫn đúc thường”. Tức, truyền thống ở làng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) thường đúc các loại đồ mang yếu tố tâm linh, như: đỉnh, hạc, chân nến, đèn, mâm bồng, bát hương, chuông. Nhưng khi có đơn đặt hàng, người thợ không bao giờ từ chối, bởi họ là những người thợ lành nghề, am tường về đồng và có đôi tay khéo léo. Đó cũng là niềm tự hào của ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, “cái nghề đúc đồng có từ hàng nghìn năm rồi, sản phẩm làm ra rất tinh xảo và có những nét mà không nơi nào sánh được”.
Hàng chục người lao động đang làm việc tại xưởng đúc của anh Viện.
Trước đây, người ta dùng nồi đất để nấu đồng, nhưng nồi ấy nhanh hỏng, nay được thay thế bằng loại nồi bền hơn mua từ Trung Quốc. Để sản phẩm làm ra có hoa văn, rồng phượng, họa tiết, mang ý nghĩa tượng trưng “ngũ phúc lâm môn”, cho “song long trầu nguyệt”,… đòi hỏi người thợ phải biết nặn khuôn, làm khuôn. Khuôn được làm bằng đất, trộn với bột giấy và trấu, hòa quyện với nhau, tạo nên một chất dẻo quánh, không hao nguyên liệu.
“Lò nấu đồng cao, to gần như lò gạch, kín. Loại than nấu cũng là than kíp, có nhiệt độ cao. Khoảng chục người tham gia nấu liên tục ngày đêm, khi nấu các tạp chất nổi lên, người thợ phải trông non mà hớt bỏ ra ngoài. Khi đồng đã chảy tan, người thợ dùng muôi múc đồng đổ vào khuôn đúc. Khi để nguội, lấy khuôn ra và đánh bóng đồ theo đơn đặt hàng”, anh Dương Văn Viện, chủ nhân của 3 xưởng đúc đồng, cho biết.
Anh Dương Văn Viện, chủ cơ sở đúc đồng bên sản phẩm do mình sáng tạo ra.
Màu của sản phẩm thế nào là do tùy thuộc vào chủ ý của người đúc, nhưng mỗi một nhà có một bí quyết riêng, có độ tinh tế và sắc nét riêng. Trong đó, đáng kể nhất là đỉnh, loại sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tay nghề vững vàng, bởi nó kết tinh cả giá trị hội họa và điêu khắc. “Đỉnh là để thức ăn, cùng với hương tượng trưng như một món ăn còn nóng hổi. Hay hình ảnh con dơi tượng trưng cho phúc,…”, anh Viện nói.
Ngày nay công nghệ phát triển, nhiều doanh nghiệp đúc đồng với máy móc hiện đại được lập. Song, ở làng này, người ta vẫn chung thủy với nghề đúc thủ công. Anh Dương Văn Bắc, chủ một xưởng đúc cho biết: “Với người am tường đồ đồng, chả ai đi mua đồ làm bằng máy móc. Bởi, trong lòng sản phẩm làm máy là cát, đây là đồ thờ, để trên ban thờ, nếu có cát bên trong thì chẳng khác nào cát bụi trở về với cát bụi, nên phải để bằng đất, mà là loại đất sạch, tượng trưng cho nền tảng, một sự gần gũi, linh thiêng; mặt khác, ở đồ thủ công, mỗi một đồ vật người ta dành hàng bao nhiêu ngày trời, bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu lần ôm vào lòng rồi xoa, rồi mâm mê, rồi ngắm nghía, chỉ khi nào cái tâm người thợ thấy ưng lòng thì mới đưa ra ngoài. Vậy nên, một nghìn sản phẩm làm thủ công là một nghìn sự kết tinh của tâm hồn người thợ chứ không như làm máy, một nghìn sản phẩm đều thô tục bởi một mẫu, một tâm hồn”.
Anh Dương Văn Kiên chia sẻ bí quyết nấu đồng
Bí quyết nghìn năm
Ông tổ nghề đúc đồng nơi đây là thiền sư Nguyễn Minh Không, là Quốc sư dưới triều nhà Lý. Các cao nhiên kể lại, khi đi đến vùng Tòng Chương, thiền sư thấy dân nghèo, đồ đạc không có mà dùng, đất đai lại hẹp nên đã truyền nghề cho một số dòng họ, để dân lấy đó làm kế sinh nhai. Nhờ cần mẫn, nhiều năm sau, sản phẩm làng ấy làm ra nức tiếng một vùng.
Triều đình biết danh và đã giao cho làng đúc đồ dùng, binh khí và cả tiền. Một số người lấy đó làm lợi, đúc cả tiền giả khiến triều đình tức giận, giáng chiếu tru di, được gọi là biến cố Tòng Chương. Loạn lạc, người chạy vào Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An rồi Huế…, người chạy lên miền ngược như Bắc Ninh, Kinh thành,… mỗi một điểm dừng chân sau này hình thành nên một làng nghề đúc đồng, một số người vô can, chỉ di chuyển sang làng bên là Lộng Thượng rồi âm thầm truyền lại nghề cho thế hệ sau đó.
Theo anh Dương Văn Kiên, chủ một cơ sở đúc đồng: Gần một nghìn, bao nhiêu biến cố, sóng gió song bí quyết của làng không bị mất đi. Đến những năm 90 của thế kỷ thứ XIX, nhận thấy làng nghề đã đến thời điểm phát huy nên hai anh em cụ Dương Văn Ban, Dương Văn Xoan xin phép cha chính thức đắp lò, đúc đồng quy mô. Nhưng rồi có lúc chiến tranh, phải ngưng sản xuất, xong lại tiếp tục đỏ lửa khi cách mạng thành công. Có lúc, trong làng chỉ duy nhất lò đúc của anh em cụ Ban đỏ lửa.
Để tạo ra sản phẩm đẹp, đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tinh tế
Cho đến ngày nay, làng Lộng Thượng có 196 hộ dân, trong đó có 137 có lò đúc đồng. Làng bé, nhà ở san sát, trung bình dăm bảy mươi mét có một lò đúc. Đây chính là minh chứng cho sự sống lại của làng nghề sau hàng nghìn năm thăng trầm. Hiện chính quyền cũng đã có quy hoạch, lên phương án hỗ trợ di dời các hộ ra cánh đồng gần làng nhằm tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho làng nghề phát triển.
Dân đã sống được bằng nghề
Một năm, anh Dương Văn Kiên đốt 6-7 lửa (lượt đúc), mỗi lần đốt anh cần đến khoảng 20-30 lao động làm việc 24/24h trong ngày. Còn lại bình thường lúc nào cũng có người làm cho nhà anh. Thậm chí, anh tạo điều kiện cho người lao động mang sản phẩm về nhà làm theo kiểu “khoán trắng”, khi nào hoàn thiện thì mang đến nhà trao đồ và nhận tiền. Cách làm này trẻ em, người gia, vẫn có thể tạo ra những sản phẩm đầy tinh tế.
Một con nghê đồng còn nằm nguyên trong khuôn
Giờ nhìn lại cơ ngơi, anh Dương Văn Bắc, người đã gác lại khuôn đúc để sang Đài Loan lập nghiệp giờ tỏ ra tiếc nuối. Anh bảo, “sau 5 năm làm thuê xứ người với mức lương cũng khá cao so với trong nước, ngày trở về sẽ vui. Nhưng không, bạn bè mình đã vượt mình quá xa, mình vẫn thua người ở nhà bám nghề cha ông. Từ khi về, anh nhận ra đã tuột khỏi tay nhiều cơ hội nên tiếc, nên đã đầu tư sắm khuôn mở xưởng, hiện anh có khuôn đúc hạc lớn nhất Việt Nam, nếu đúc ra con hạc đó có thể nặng hàng tấn.
Giờ nhìn lại xưởng của anh thấy có hàng chục người đang làm, anh bảo họ làm hàng ngày ở đây, nhưng anh chưa hài lòng với quy mô của mình. Cái mong muốn mở rộng làng nghề ông chỉ có ở anh Kiên, anh Bắc, mà còn luôn thường trực ở anh Viện. Có 2 xưởng đúc đồng và đang mở thêm một xướng thứ 3, anh trai anh cũng có một cửa hàng, em trai út cũng có một cửa hàng bán trên Phú Thọ, xưởng lúc nào cũng có khoảng 30 lao động, khi tăng cường thì lên đến 40- 50 người với anh Viện là chưa đủ. Nhiều lao động từ miền núi về làm các công việc phụ cho anh thôi nhưng thu nhập cũng từ 6-9 triệu đồng/tháng. Ông Lờ, một người ngoài 60 tuổi được anh Viện thu nhận mới mức lương thử việc cũng đã hơn 4 triệu đồng, dù ông chỉ ngồi nặn khuôn.
Một số sản phẩm do người dân làng nghề làm nên
Chính vì sống được với nghề nên 3 anh em anh Viện đều tốt nghiệp 3 trường đại học danh tiếng chuyên ngành tự động hóa có cơ hội hưởng mức lương nghìn đô nhưng bỏ về theo cha đúc đồng. Anh Viện cho biết: Nhưng nhiều năm trở lại đây, nghề đã mang lại cuộc sống đầy đủ hơn. Hơn nữa, anh yêu công việc này, bởi nó gắn với tâm nguyện cha ông, gắn với tuổi thơ và đam mê, mong muốn phát huy giá trị tối đa của làng nghề. Với tư duy, sáng tạo anh Viện tạo ra cho mình những dòng sản phẩm riêng trên cơ sở bí kíp truyền thống. Chính vì nét đặc biệt đó, hai tác phẩm “Phúc lộc song toàn” và bóng đồng “Nam quốc sơn hà” của anh vừa được Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) trao chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 2016.
Ở Đại Đồng là vậy, sản phẩm làm ra không thừa, dân ở đây không thiếu việc làm, mà nói như ông Mừng, các tỉ phú như đi lên từ đúc đồng có ngồi đếm cũng khó mà hết. Còn với người dân, họ đã bỏ hết ruộng, cũng chả phải đi làm thuê cho ai, tập trung vào làm nghề, tính ra thu nhập còn cao gấp 3 lần đi làm công nhân ở công ty.