Làng chiếu Định Yên tất bật vào mùa
- Huyệt vị
- 21:29 - 16/04/2015
Chiếu Định Yên một thời nổi tiếng.
Làng chiếu Định Yên gồm 2 xã: Định Yên và Định An (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Nét độc đáo của chợ là nhóm họp vào lúc nửa đêm cho đến hai, ba giờ sáng. Độc đáo hơn nữa, chợ không có quầy, sạp kinh doanh, người mua chiếu thường tìm một nơi cố định ngồi chờ; còn người bán thì vác những sản phẩm chiếu trên vai đi tới, đi lui rao hàng, nói giá…
Vào những ngày này, có dịp đến làng chiếu Định Yên đâu đâu cũng thấy người ta làm chiếu, nên làng nghề càng thêm tất bật. Định Yên có hơn 60% số hộ dân sống bằng nghề dệt chiếu, trong nhà đều có từ 2 – 3 khung dệt trở lên, sản xuất hằng ngày từ 5 đến 10 chiếc chiếu các loại.
Ở xã đã thành lập được một hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất - tiêu thụ chiếu, giúp hàng nghìn lao động nhàn rỗi ở địa phương, những vùng lân cận có việc làm và thu nhập ổn định. Sản phẩm chiếu Định Yên có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu Trà Niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc…
Từ nghề dệt chiếu, ở Định Yên không chỉ phát sinh ra chợ bán chiếu mà còn có chợ bán lát, chợ bán trân, bán cói trên sông rạch, để phục vụ nguyên - vật liệu cho làng nghề dệt chiếu truyền thống ở địa phương, tạo nên không khí đông vui và nhộn nhịp, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm và tìm hiểu khu “chợ ma” độc đáo này…
Máy dệt chiếu cho năng suất cao hơn, chất lượng chiếu tốt hơn.
Các cô thợ tuy làm luôn tay nhưng vẫn thong thả, không vội vàng cuống quýt, ngồi suốt buổi trên khung dệt mệt nhừ nhưng nụ cười mến khách luôn nở trên môi. Bà Nguyễn Thị Ba ấp An Lạc 2, gia đình có 4 đời làm nghề dệt chiếu, riêng bà cũng đã gắn bó với nghề này gần 50 năm kể:
Chợ chiếu Định Yên vang danh cả nước bởi miền Tây có nhiều làng chiếu nhưng không nơi nào có cái cảnh họp chợ bán chiếu trong đêm. Cũng vì thời điểm họp chợ không giống ai này mà người ta gọi chợ chiếu Định Yên là chợ ma. Khi sương đêm rơi, các thiếu nữ trong xóm rủ nhau vác mớ chiếu lên vai lội trên con đường đất ra bến sông Định Yên nhóm chợ.
“Chiếu Định Yên nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Một ngày làm chăm chỉ thợ chiếu có thể dệt được từ 3 – 5 đôi. Tùy theo loại chiếu, chiếu trắng hay chiếu màu và độ dày hay mỏng, giá từ 90.000 – 120.000 đồng/đôi, mỗi tháng một người thu nhập khoảng 2 triệu đồng”– bà Ba nói.
Đang ngồi bên khung dệt, bà Lâm Thị Diệu ở ấp An Bình, người có thâm niên hơn 40 năm kinh nghiệm làm chiếu, như bao cô thợ chiếu về già ở làng dệt này, bà Diệu chỉ thích dệt chiếu thủ công vì công việc tưởng chừng đơn điệu ấy nhưng đã ăn sâu vào máu thịt.
Tỉ mỉ bà Diệu nâng từng cọng lác, tay nhẹ nhàng kéo cây dệt chiếu lên xuống bởi từng đường kéo tạo manh chiếu là tạo chén cơm, là nguồn sống không gì thay được đã bao đời nay. Bà Diệu tâm sự: Cái nghề dệt chiếu không khó nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, dẻo dai, một thợ giỏi lúc dệt có thể dùng các cọng lác đủ màu sắc để tạo ra hình ảnh chim thú, hoa lá trên chiếu, muốn hoàn thành một đôi chiếu phải có hai người, nhưng từ sáng đến chiều cũng chỉ dệt được 3 đôi chiếu.
“Dù giá chiếu khoảng trên 100.000 đồng/đôi, nhưng sức mua gần đây không ổn định, chỉ tiêu thụ mạnh nhất là vào dịp trước và sau tết (khoảng 3 tháng), hầu hết chiếu dệt ra chỉ bán được cho người dân ở trong vùng theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, vì nhu cầu về mặt hàng này không còn thịnh hành như trước, trong đó có việc người dân chuyển sang sử dụng chiếu đan bằng máy và cả chiếu làm bằng chất liệu nhựa” – bà Diệu chia sẻ.
Giờ đây, làng chiếu Định Yên, cảnh người ngồi đan chiếu không còn nhiều, thay vào đó là máy móc, công nghệ tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém là mấy. Chị Phạm Thị Đang một người dệt chiếu tại ấp An Khương kể lại: “Trước đây, dù cố gắng hết sức thì 02 người thợ với 01 khung dệt, mỗi ngày làm được tối đa là 06 chiếc chiếu, thu nhập không cao".
Chị Phạm Thị Đang dệt chiếu bằng máy mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Hiện nay, 01 người thợ có thể điều khiển 01 máy dệt chiếu, mỗi ngày làm được hơn chục chiếc, thu nhập được gần 200 ngàn đồng trở lên. Cái tiện nhất chính là có thể tự thân điều khiển máy dệt bất cứ khi nào có thời gian rảnh mà không phải chờ đợi người dệt chung như trước kia…”.
Theo ông Hồ Thanh Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Lấp Vò cho biết: Để bảo tồn làng chiếu Định Yên theo hướng phát triển kinh tế thị trường, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư hơn 6 tỉ đồng xây chợ chiếu khang trang vào năm 2011.
Nhiều hợp tác xã, tổ sản xuất chiếu ở Định Yên, Định An hướng bà con theo kiểu kinh tế tập thể, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm chiếu Định Yên được xuất khẩu với số lượng lớn nên lợi nhuận khá cao.
Nếu như năm 2006, toàn làng nghề chỉ sản xuất được khoảng 600 ngàn chiếc, thì với việc đưa máy dệt vào sản xuất, năm 2014 sản lượng của làng nghề đã vượt con số 1,3 triệu sản phẩm, doanh thu trên 150 tỷ đồng.