Những cái độc và lạ ở làng bánh chưng "Bờ Đậu"
- Y học 360
- 15:32 - 12/02/2015
Cái tên “vận” vào làng
Làng bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) nổi tiếng từ bao đời nay với vị thơm ngon, đặc trưng riêng mà không ở nơi nào có được. Bánh chưng của làng đã trở thành “thương hiệu”, địa chỉ quen thuộc được khách thập phương tìm về mua quanh năm, đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền dân tộc. Vị trí của làng cũng thật đắc địa, nơi giao nhau giữa quốc lộ 3 và quốc lộ 37 với các tuyến đường Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Yên Bái…
Lần lại ký ức về "gia phả" của làng, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng ban làng nghề cho biết: Bánh chưng Bờ Đậu có lịch sử khá lâu. Người có công “khai lập” nghề này cho làng là cụ Nguyễn Thị Đấng.
Theo các bậc cao niên trong làng, ngày ấy cụ Đấng dựng một quán nhỏ bán bánh nằm dưới gốc một cây phượng của xóm Bò Đậu. Khách ra vào quán tấp nập, đông vui lắm. Ai đã từng một lần đến quán cụ ăn bánh đều khen ngon và mua về nhà. Quán bánh này đã giúp cụ kiếm được số tiền đáng kể nuôi được cả gia đình và 6 người con trưởng thành. Sau này, sức khỏe cụ không cho phép nên đã truyền lại nghề cho con cháu nối nghiệp mình.
Bà Liên cho hay, cuộc sống của người dân trong làng trước kia vô cùng bần hàn. Chỉ vào ngày Tết, người dân trong làng mới gói bánh chưng để thờ cúng gia tiên. Qua thời gian, người dân nhận thấy việc làm bánh chưng có hiệu quả kinh tế, đã đem lại sự thay đổi đáng kể cho cuộc sống nên nhà này làm, rồi nhà kia cũng làm theo. Dần dà, nghề làm bánh chưng trở thành đặc sản của làng nức tiếng trên khắp cả nước.
Làng bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng là thế,nhưng khi hỏi về nguồn gốc tên Bờ Đậu thì ít ai biết đến. Lý giải về cái tên độc đáo này, ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: Thời xưa, có cụ ông chuyên đi bán bò lại hay buộc bò vào những cái cọc ven đường. Ở đó có rất nhiều bò nằm nên gọi là Bò Đậu. Dần dà, người dân gọi lái tên đó thành tên Bờ Đậu. Tên làng nghề bánh chưng cũng mang tên chính thức từ ngày đó. Qua thống kê, chỉ tính riêng ở xóm 9 của xã Cổ Lũng có gần 1.000 nhân khẩu từ trẻ tới già theo nghề làm bánh.
Độc đáo gói bánh… bằng tay.
Những ngày cuối năm về thăm Bờ Đậu, khách thập phương sẽ cảm nhận được vị đậm đặc của không khí Tết bao trùm nơi đây. Từng thành viên trong gia đình, ai nấy đều được phân công nhiệm vụ, trẻ nhỏ thì lau chùi,phân loại những lá bánh, người lớn thì ra suối sau làng gánh nước về để luộc bánh, thái thịt, đãi gạo và đỗ xanh,gói bánh Phải tận mắt chứng kiến mới thấy được nét độc đáo, sự khéo léo của đôi bàn tay người dân Bờ Đậu gửi gắm vào trong từng chiếc bánh vuông thành sắc cạnh.
Nét đặc biệt trong cách gói bánh chưng của người dân Bờ Đậu là không cần sử dụng khuôn để gói mà mọi công đoạn đều làm bằng tay. Tuy nhiên, nhờ sự khéo léo của đôi tay những người thợ mà từng chiếc bánh vẫn vuông vức, sắc cạnh.
Gắn bó hơn 20 năm với nghề gói bánh, anh Đỗ Văn Công cho biết: “Người dân Bờ Đậu là làng duy nhất ở vùng này không sử dụng khuôn để gói bánh, mọi công đoạn được gói bằng tay. Do người dân gói bánh bằng tay nên điều chỉnh được từng chiếc bánh sao cho chặt, vuông đều 8 cạnh. Và chiếc bánh sau khi được luộc chín không bị méo dạng, căng phồng mà vẫn vuông vức, thành cạnh”.
Gói bánh chưng không cần khuôn mà vẫn vuông vức đã là một sự ngạc nhiên rồi. Tuy nhiên, để có một chiếc bánh chưng ngon thì ít ai biết rằng, người dân Bờ Đậu còn lưu giữ một “ngón nghề” ít truyền ra bên ngoài.
Bà Nguyễn Thị Tâm là một trong người làm nghề bánh chưng có thâm niên nhất làng cho hay: Gạo nếp để gói bánh chưng được người dân mua ở vùng núi rừng Định Hóa. Thứ gạo này trắng tinh, tròn mẩy phải được đãi sạch qua 3 lần rồi để ráo khô trước khi làm bánh. Đỗ làm nhân bánh phải là đỗ xanh vàng tươi, vỏ mỏng và có vị thơm tự nhiên. Sau khi đỗ xanh được luộc chính phải đãi thật sạch và chia thành từng phần phù hợp với từng chiếc bánh. Nguyên liệu thịt để làm nhân bánh phải được làm bằng thịt ba chỉ ngon, có thớ săn chắc, thái mỏng rồi ướp với hạt tiêu bắc. Sau đó được gói bằng lá rong bản rộng, màu xanh đậm được lấy về từ núi rừng Na Rì ( huyện Chợ Đồn, Bắc Cạn). Bánh gói xong phải được ngâm nước trong khoảng 30 phút, sau đó mới đặt từng chiếc bánh vào nồi to để luộc. Muốn bánh chưng ngon, có vị thơm thì phải được đun từ 8-10 tiếng, khi nước trong nồi cạn phải đổ thêm để cho bánh chín đồng đều từ ngoài vào trong, đồng thời đun nhỏ lửa tránh bị quá lửa bánh sẽ không ngon.
Nếu như các tỉnh thành khác thường sử dụng nước giếng hay nước mưa để luộc bánh thì người dân làng Bờ Đậu lại có nguồn nước của riêng mình, tạo nên nét đặc biệt không lẫn vào đâu được. Bà Tâm cho hay, nước luộc bánh chưng được người dân lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu. Người dân vẫn hay thường gọi là nước “giếng thần”. Thứ nước này như một báu vật trời ban tặngcho làng, bởi khi bánh luộc xong sẽ giữ nguyên được màu xanh của lá rong, tạo nên phong vị đậm đặc quyện vào bánh. Người dân Bờ Đậu vẫn thường rỉ tai nhau những câu thơ mộc mạc về thứ nước này: “Bánh chưng luộc nước giếng thần/ Thơm ngon mùi vị có phần trời cho”.
Cuộc sống no đủ nhờ..bánh chưng.
Qua tìm hiểu, cuộc sống của người dân xã Cổ Lũng trước kia chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa, trồng chè nên khó khăn trăm bề. Nhiều gia đình phải sống trong những căn nhà tranh xiêu vẹo được xây bằng đất. Từ khi làng có nghề bánh chưng cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Làng bánh chưng Bờ Đậu đỏ lửa quanh năm nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc. Một chiếc bánh chưng thường được bán với giá là 30.000 đồng. Nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng, ngoài bánh chưng hình vuông truyền thống thì người dân Bờ Đậu còn sản xuất thêm loại bánh hình trụ, tương tự như dáng bánh tét Nam bộ. Tùy theo kích thước to nhỏ mà giá mỗi loại cũng khác nhau. Loại bánh chưng nhỏ có giá 10.000 đồng/chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ thì 20.000 đồng/chiếc. Ngày Tết thì bánh chưng loại to có giá là 50.000 đồng/chiếc.
Anh Nguyễn Văn Bình ,ở xóm Cổ Lũng cho biết, những ngày thường thì mỗi gia đình ở làng bán ra thị trường khoảng 150-170 chiếc. Vào dịp Tết, nhu cầu khách hàng tăng, có thể lên tới từ 900- 1.200 chiếc/ngày.
Người dân Bờ Đậu đều luôn nhắc đến gia đình ông Nguyễn Văn Đức, một thương binh vươn lên làm giàu từ nghề bánh chưng. Từ nhiều năm nay, cửa hàng của gia đình ông Đức đã trở thành một địa chỉ tin cậy, một nhà phân phối bánh chưng có tiếng ở Thái Nguyên. Tuy bánh chưng Bờ Đậu chưa có chỗ bán ở thị trường nước ngoài, song nhiều bạn bè, người thân công tác ở bên trời Tây về đều đến đây mua bánh, để làm thứ quà biếu của người con xa quê trong những ngày lễ Tết cổ truyền của dân tộc.
Tết cổ truyền của dân tộc cũng đã cận kề, làng bánh chưng nức tiếng xứ chè ngày đêm nhộn nhịp, đỏ lửa để kịp cung ứng đủ số lượng bánh ra thị trường hàng vạn chiếc bánh mỗi ngày nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm nay theo yêu cầu của khách hàng gần xa.
“Tương lai không xa, người dân Bờ Đậu sẽ xây dựng một khu sản xuất biệt lập để làm bánh, nhằm tránh tình trạng khách mua bánh ngoài đường gây ảnh hưởng đến việc đi lại. Đồng thời cũng đánh dấu tem, ghi rõ địa chỉ, bảo quản chất lượng rõ ràng để khách thập phương an tâm khi sử dụng sản vật của quê hương. Bên cạnh đó, lãnh đạo ban, ngành địa phương cũng đang nỗ lực tìm hướng đi mới, hợp đồng xuất ngoại để cuộc sống người dân thay đổi hơn”, ông Nguyễn Văn Ánh cho biết.
Làng bánh chưng Bờ Đậu đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Những ngôi nhà khang trang, rộng rãi dần được hiện lên nhiều hơn. Thứ bánh chưng ngon, độc đáo này là một món trưng bày không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc. Đây không chỉ là một sản vật nức tiếng khắp cả nước mà đó còn là nét văn hóa đậm đặc, vô cùng độc đáo của người dân Bờ Đậu.