THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:27

Lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

Động lực khởi nghiệp cho HSSV

Theo đó, số lượng các ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi toàn quốc đã tăng lên gấp đôi, chất lượng, tính khả thi, tính sáng tạo của các dự án cũng được các giám khảo đánh giá cao. Tinh thần khởi nghiệp của HS SV được lan tỏa mạnh mẽ bằng việc triển khai chuỗi "Diễn đàn hành trình người khởi nghiệp" dành cho HS SV tại 60 cơ sở GD&ĐT trong năm 2020 - 2021. Tuy nhiên, để thúc đẩy, làm lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp của HSSV, tạo môi trường hiện thực hóa các ý tưởng, cần có sự chung sức hỗ trợ từ nhiều phía.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên - Ảnh 1.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.

Nhằm triển khai Đề án "Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025", thời gian qua Bộ GD&ĐT đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, tạo nền tảng về kiến thức, kỹ năng, giúp HSSV có ý thức gắn việc học tập với thực hành. Từ việc thí điểm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại 3 trường đại học vào năm 2018, đến nay nhiều đơn vị đã có môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; coi trọng hơn việc kết nối với doanh nghiệp...

Một trong những hoạt động nổi bật là cuộc thi "HSSV với ý tưởng khởi nghiệp" với hơn 600 dự án tham dự cuộc thi cấp toàn quốc năm 2020, tăng 3 lần so với năm 2018. Trong đó, phải kể đến dự án khởi nghiệp Brick One - Hệ sinh thái giáo dục STEM của nhóm sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ dự án này, hiện nhóm đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển công nghệ giáo dục toàn cầu BKTech với quy mô 43 nhân sự (phần lớn là sinh viên).

Đặc biệt, sau cuộc thi "HSSV với ý tưởng khởi nghiệp", không ít dự án đã được các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, như: Dự án sản xuất thực phẩm chức năng Nano Rutin của học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội); dự án MutilGlass: Thiết bị giao tiếp thông minh hỗ trợ người khuyết tật vận động, tài xế lái xe đường dài của sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh, các mục tiêu của đề án đến năm 2020 cơ bản hoàn thành. Cụ thể, 50% các trường đã thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp; 70% các trường đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn về kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên. Hiện đã có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HSSV. Theo đó, các học viện, trường ĐH chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phải được thực hiện mạnh mẽ tại các cơ sở giáo dục ĐH, từng bước đưa hoạt động này vào trường phổ thông. Để thực hiện hiệu quả, Bộ GD&ĐT cần sự chung tay của các ngành, các cấp và sự đồng hành của doanh nghiệp để tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy hoạt động đi vào chiều sâu.

Lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên - Ảnh 2.

Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).

"Ngày nay, tất cả các lĩnh vực nói chung, lĩnh vực GD&ĐT nói riêng muốn phát triển cần nhiều yếu tố, trong đó cần chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, ý tưởng đổi mới sáng tạo càng nhiều thì giá trị sẽ càng được nâng lên. Đối với HSSV bên cạnh việc học tập trên lớp, cần biết vận dụng, ứng dụng kiến thức, kỹ năng đã học trong cuộc sống, hoạt động khởi nghiệp. Vì vậy, không nên tham vọng có bao nhiêu trường ĐH có doanh nghiệp khởi nghiệp, mà quan trọng khơi dậy, lan tỏa tinh thần, động lực khởi nghiệp cho HSSV", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để tiếp tục triển khai Đề án 1665 cũng như thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong HSSV, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các trường ĐH phải có ít nhất một không gian làm việc chung. Hiện đã có 70 điểm làm việc sáng tạo trong trường ĐH nhưng con số này vẫn còn nhỏ so với số lượng các trường đại học. 

 Kết nối nhà trường và doanh nghiệp

Ngoài việc đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, việc kết nối chặt chẽ và thường xuyên hơn giữa nhà trường với doanh nghiệp là giải pháp đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm thực hiện tốt Đề án "Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025".

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, cùng với tăng cường dạy học theo các chủ đề liên môn, thực hành, thí nghiệm, học sinh còn được hỗ trợ về thời gian, về chuyên môn và một phần kinh phí để hiện thực hóa các ý tưởng.

Theo TS Đinh Quang Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và Quan hệ doanh nghiệp (trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải), cùng việc kết nối với các doanh nghiệp, giúp sinh viên thêm cơ hội trải nghiệm, hoàn thiện kỹ năng, thời gian qua trung tâm còn triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên về khởi nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, để thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp của HSSV, Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo môi trường, hỗ trợ nguồn vốn, thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Đồng thời sẽ chỉ đạo các nhà trường đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh