Làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài: Cơ hội cho bất động sản công nghiệp
- Huyệt vị
- 23:46 - 21/05/2020
Làn sóng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam
Tập đoàn cung cấp các dịch vụ bất động sản (Savills Việt Nam) vừa công bố báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp cho biết, Việt Nam hiện có 326 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 95.500 ha. Tổng số lao động làm việc trong các khu kinh tế và đặc khu kinh tế duyên hải là 3,6 triệu lao động. Trong số đó, 251 khu công nghiệp đã hoạt động với gần 61.000 ha và tỷ lệ lấp đầy khoảng74%; 75 khu công nghiệp có tổng diện tích 29.300 ha đang trong quá trình xây dựng và đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó còn có 17 đặc khu kinh tế duyên hải cung cấp 845.000 ha.
Đơn vị này cho biết, thời gian qua, thị trường đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển của Hanwa (Hàn Quốc) chuyên sản xuất phụ tùng máy bay đã di dời sang Hà Nội; Yokowo (Nhật Bản) chuyên sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang Hà Nam; Huafu (Trung Quốc) về dệt may đã di dời sang Long An.
Những công ty đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, gồm: Goertek (HongKong) về sản suất tai nghe và linh kiện điện thoại sẽ di dời sang Bắc Ninh; TLC (Trung Quốc) về điện tử, tivi sẽ di dời sang Bình Dương. Những công ty đang xem xét di dời bao gồm: Foxconn (Đài Loan); Lenovo (Trung Quốc); Sharp, Kyocera, Nintendo, Asics (Nhật Bản).
Lý giải nguyên nhân cho làn sóng dịch chuyển này, đơn vị này cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nguồn vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam. Bằng việc áp dụng sản xuất bằng công nghệ và tăng đội ngũ lao động được huấn luyện, chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu việc thiếu hụt nguồn nhân lực và chi phí tăng để chuyển đổi sang môi trường kinh doanh minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, với 25% thuế quan xuất nhập khẩu áp trên tổng giá trị xuất khẩu 250 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa 300 tỉ đô la Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hướng các công ty đa dạng hóa quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy.
Mặt khác, với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới – tất cả các yếu tố cho thấy Việt Nam có môi trường đầu tư khá hấp dẫn.
Theo Công ty TNHH CBRE Việt Nam (CBRE Việt Nam), 2019 là một năm kỷ lục của ngành BĐS công nghiệp và logistics Việt Nam khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào các ngành chế biến và chế tạo vẫn gia tăng tích cực. Cụ thể, trong năm 2019, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 38 tỷ USD. "Với nhu cầu thiết lập các nhà máy tại Việt Nam tăng cao gần đây đã góp phần giúp thị trường BĐS công nghiệp sôi động hơn bao giờ hết. Các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phố lớn nhanh chóng được lấp đầy trong bối cảnh nhu cầu về phát triển công nghiệp tăng cao. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp tại các tỉnh/thành phố lớn phía Bắc và phía Nam lần lượt là hơn 92% và 80% vào cuối năm 2019", đại diện CBRE Việt Nam nhận định.
Bất động công nghiệp "hút" khách
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016-2018. Như vậy, bất chấp tác động của dịch, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa vào nước ta thời gian tới. Tính từ đầu năm đến nay, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ và đa dạng hơn với sự hiện diện của hơn 57 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD
Các cố vấn hỗ trợ cho những công ty nước ngoài tái di dời chuỗi cung ứng cho rằng, thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch đã giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Ông Fred Burke, đối tác quản lý tại công ty luật quốc tế Baker McKenzie nhận định, phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch đã giúp trấn an các doanh nghiệp nước ngoài và họ cảm thấy an toàn hơn khi ở Việt Nam. So với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam nổi lên thành điểm sáng ấn tượng hơn cả trong con mắt của các nhà đầu tư.
Còn đại diện Công ty phát triển liên doanh Kizuna, đơn vị xây dựng các nhà máy đang chuẩn bị đi vào hoạt động tại Việt Nam, dự đoán đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam sau đại dịch. Về phần mình, Kizuna đang đẩy nhanh kế hoạch hoàn thiện một nhà máy rộng 100.000 m2 ở khu vực phía Nam Việt Nam vào tháng 7/2020, để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong thời gian tới.
Nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư FDI vào Long An, ngày 17/5, CTCP Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích hơn 1.800 ha tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dự án Việt Phát được quy hoạch theo mô hình mới kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị, trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển dần trở thành một trong những địa điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á.
"Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, loại hình bất động sản này sẽ có đà phát triển rất tốt. Nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có", ông Nam nhận định.