THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:04

Lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng án lệ

 

Án lệ vá được những lỗ hổng pháp luật
Luật sư (LS) Lưu Văn Tám, Phó chủ nhiệm Đoàn LS Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Hội đồng LS toàn quốc nêu ý kiến, việc áp dụng án lệ sẽ có những thuận lợi như người thi hành pháp luật như thẩm phán, LS và người dân có thể nghiên cứu, vận dụng bằng thực tế. Án lệ còn giúp chống oan sai, đảm bảo quá trình xét xử mang tính chuẩn mực, không cảm tính.
“Áp dụng án lệ sẽ tiết kiệm được thời gian giải quyết vụ án, chi phí giảm bớt, tăng độ tin cậy của dân đối với ngành tòa án”, LS Tám nhấn mạnh.
Theo LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.Hồ Chí Minh), hiện nay, hình thức luật pháp chủ yếu của nước ta là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục,…được quy định cụ thể theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tiễn, các quan hệ xã hội phát triển nhanh làm cho các quy phạm pháp luật trở nên khiếm khuyết, nhất là khi có sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh cụ thể hoặc việc áp dụng pháp luật trở nên mâu thuẫn, xung đột do các văn bản pháp luật hướng dẫn chưa rõ ràng. Chính vì vậy, rất cần sự phát triển án lệ như nguồn bổ sung.
Việc ban hành án lệ là bước tiến dài trong hoạt động tư pháp của nước ta. Lần đầu tiên Việt Nam chấp nhận và sử dụng án lệ trong việc xét xử nhằm đảm bảo công bằng, công lý mà không phải đợi việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật - điều mà không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Theo LS Chánh, án lệ mang tính thực tiễn cao vì được “đúc kết” từ việc áp dụng thực tiễn, giải quyết những vấn đề cụ thể của đời sống thực tế. Án lệ thể hiện tính khách quan, công bằng, vì trải qua quá trình xét xử nhiều cấp; các nhận định trong các bản án được sàng lọc kỹ càng trước khi được công bố làm án lệ. Án lệ giúp “vá” những khiếm khuyết, lỗ hổng của hệ thống văn bản pháp luật khi chưa kịp điều chỉnh các sự kiện pháp lý, các quan hệ xã hội mới nảy sinh.
Tuy nhiên, theo LS Chánh, do án lệ lần đầu tiên được công bố ở nước ta nên chắc chắn có những khó khăn nhất định khi sử dụng, áp dụng trong quá trình xét xử. Án lệ không mang tính hệ thống và tính khái quát như văn bản pháp luật nên sẽ có tranh cãi về việc khi nào áp dụng án lệ? Việc án lệ này có phù hợp với tranh chấp đang được giải quyết hay không?.
Bảo đảm yếu tố tranh luận
Còn theo Ths Luật học Đỗ Thanh Trung, Giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường ĐH Luật TP.Hồ Chí Minh, ở các quốc gia thông luật (hệ thống pháp luật của Anh), án lệ được xem là nguồn luật chủ yếu; nhiều lĩnh vực pháp luật không pháp điển thành các bộ luật. Đặc biệt ở Anh, nguồn luật án lệ được áp dụng triệt để. Tuy nhiên, mức độ sử dụng cũng như vai trò của án lệ trong thệ thống pháp luật ở từng quốc gia khác nhau.
Ví dụ, Mỹ mặc dù là một quốc gia thuộc hệ thống thông luật và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ pháp luật Anh nhưng nhiều lĩnh vực pháp luật của họ được pháp điển thành các Bộ luật. Sự hiện diện của Bộ luật thương mại thống nhất là một ví dụ điển hình.
Ở các nước thông luật, các thẩm phán vừa sáng tạo ra các quy tắc án lệ vừa chịu sự ràng buộc từ các quy tắc án lệ đã có. Các quy tắc án lệ được tạo ra không chỉ bởi tòa tối cao mà còn bởi tất cả các tòa án khác có thẩm quyền phúc thẩm đối với các bản án của các tòa án cấp dưới.
Ở nước ta, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất lại tập trung thực hiện chức năng sửa sai cho các tòa dưới là chủ yếu, trong khi hoạt động giải thích pháp luật tạo ra án lệ tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật thống nhất vẫn chưa chú trọng đúng mức. Tuy nhiên, theo xu hướng chung, tòa tối cao ở các nước thuộc hệ thống dân luật như Pháp, Đức... tập trung vào thực hiện nhiệm vụ thứ hai nhiều hơn. Việc sử dụng nguồn luật án lệ đã trở thành một yêu cầu tất yếu đối với mọi hệ thống tòa án ở các nước trên thế giới.
Theo Ths.Trung, để tiến tới sử dụng án lệ ở Việt Nam, cần nâng cao chất lượng quan điểm pháp lý của các thẩm phán; cần phải bảo đảm yếu tố tranh luận và sự đa dạng về lý lẽ khi đưa ra lập luận pháp lý của các thẩm phán; cần phải mở rộng nguồn tài liệu là cơ sở đưa ra các lập luận hay lý lẽ thể hiện các quyết định, bản án của toà án.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh