THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:00

Lần đần tiên có phim Việt sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ

 

Cầu kỳ, công phu từ khâu kịch bản đến thực hiện

Phim truyền hình nước ngoài nổi tiếng được Việt hóa (remake) trong thời gian gần đây rất thành công và thu hút người xem. Có thể kể đến một số phim nổi tiếng gần đây như: "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Cả một đời ân oán", "Ngày ấy mình đã yêu"… đều là những phim Việt hóa được khán giả đánh giá cao, không chỉ thu hút những người ở bậc trung niên mà cả giới trẻ. Tiếp nối mạch Việt hóa phim nước ngoài, từ ngày 5/11 tới đây, VFC sẽ chiếu tập đầu tiên của bộ phim truyền hình "Mẹ ơi, bố đâu rồi?" của đạo diễn Bùi Tiến Huy trên kênh VTV3. Phim dài 42 tập, được Việt hóa từ bộ phim "Last man standing" của Hãng 20th Century Fox (Mỹ).

Theo Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải, “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” là một trong những bộ phim truyền hình hiếm hoi thời gian gần đây không có bất cứ hoạt động quảng bá hay truyền thông nào trước khi lên sóng vì đây là một thỏa thuận nghiêm ngặt từ phía 20th Century Fox - một hãng phim nổi tiếng và chuyên nghiệp của Mỹ. “Chúng tôi phải tuân thủ những quy định về truyền thông, mỗi tập phim sản xuất ra đều phải gửi sang Mỹ để giám sát chất lượng kỹ thuật, hình ảnh, nội dung và đảm bảo tiêu chuẩn sau đó mới được chính thức phát hành. Đây là một thách thức đối với những người làm nghề như chúng tôi. Một điều đáng mừng là phản hồi từ phía hãng phim Mỹ là rất tích cực và đặc biệt họ chấp nhận cho những người làm phim được thay đổi cách thức làm và nội dung" - ông Đỗ Thanh Hải cho biết.

 

Cảnh trong phim  "Mẹ ơi, bố đâu rồi?"

 

Một trong những điều đặc biệt của “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” chính là việc ê-kíp sản xuất phim của VFC đã thuyết phục được 20th Century Fox để đưa yếu tố drama vào trong sản phẩm "made in America". Trong gần 1 năm, đội ngũ sản xuất của VFC đã phải trao đổi, bàn bạc để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra và quay ngược lại để thuyết phục họ chấp nhận cách làm phim của phía VTV. Chính vì “Mẹ ơi, bố đâu rồi?” được làm lại từ bộ phim Last man standing, sản xuất bởi hãng 20th Century Fox (Mỹ) nên khác với quá trình làm lại thông thường, ê-kíp sáng tạo của VFC đã làm việc trực tiếp với đội ngũ chuyên gia tư vấn của Fox từ khâu Việt hóa kịch bản, sản xuất tiền kỳ và xử lý hậu kỳ. 

Đạo diễn trẻ Bùi Tiến Huy, người trực tiếp tham gia dự án này cho biết, các chuyên gia của 20th Century Fox tư vấn tương đối sâu trong suốt quá trình làm phim từ khâu sửa kịch bản đến kỹ thuật trường quay, hậu trường… trên cơ sở tôn trọng quyền quyết định của Việt Nam. “Phía Mỹ cầu kỳ và bàn kỹ nhất là khâu kịch bản. Sau khi chuyển thể thì chuyển sang Mỹ đọc và phản hồi về những chi tiết mà họ cho là chưa hiểu về văn hoá Việt, sau đó phải thương thuyết và thuyết phục. Sau cùng họ cũng tin ở phần kịch bản của mình tương đối nhiều. Chúng tôi cũng mất khá nhiều thời gian để thuyết phục họ khi có những thay đổi trong các khâu thực hiện” - đạo diễn Bùi Tiến Huy chia sẻ.

Một điều đặc biệt của Mẹ ơi, bố đâu rồi? chính là cách thể hiện, kể chuyện rất mới mẻ. Lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình Việt Nam được làm ở thể loại dramedy (drama + comdedy), kết hợp giữa những yếu tố tâm lý kịch tính và yếu tố hài hước. Thể loại này khiến khán giả được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc qua mỗi tập phim, sau khi cười vui bởi những tình huống hài hước dí dỏm thì bất chợt có thể xúc động bởi những thông điệp đầy ý nghĩa và nhân văn. 

NSND Lê Khanh tái xuất sau nhiều năm vắng bóng

Điều đặc biệt trong bộ phim này NSND Lê Khanh sẽ trở lại màn ảnh truyền hình sau nhiều năm vắng bóng với vai diễn bà Vân đầy ấn tượng. Chị thừa nhận chính kịch bản hấp dẫn, ý nghĩa là yếu tố quyết định để chị quay lại với truyền hình. Ngoài Nghệ sỹ Nhân dân Lê Khanh còn có sự góp mặt của nghệ sỹ Hoàng Sơn từ Thành phố Hồ Chí Minh, anh đảm nhận vai ông Mạnh – ông bố trong phim. Nghệ sỹ Hoàng Sơn cho biết: Ông Mạnh là vai diễn anh bỏ nhiều tâm huyết và tin tưởng bộ phim sẽ gây ấn tượng với khán giả. Ngoài ra 3 cô con gái của ông Mạnh cũng đều là những cái tên được kỳ vọng mang lại nhiều điều thú vị: Diễm Hằng, Lê Na, Quỳnh Kool…

 

Dàn diễn viên nổi tiếng tham gia phim "Mẹ ơi, bố đâu rồi?"

 

Cũng theo đạo diễn Bùi Tiến Huy, điều đặc biệt của "Mẹ ơi, bố đâu rồi" là ở cách thể hiện, kể chuyện rất mới mẻ. Đây là lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình của Việt Nam được làm ở thể loại dramaly (drama + comedy) có sự kết hợp giữa các yếu tố tâm lý, kịch tính và yếu tố hài hước. Thể loại này khiến khán giả mỗi tập phim được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, cười vui với những tình huống hài hước nhưng cũng suy nghĩ về thông điệp gửi gắm trong tiếng cười, cách ứng xử nhân văn giữa các thành viên trong gia đình. Bộ phim kể về những câu chuyện cuộc sống hàng ngày, xung đột trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ và những đứa con đang ở tuổi mới lớn với những khác biệt về suy nghĩ, khoảng cách thế hệ... Tất cả được thể hiện sinh động, hài hước và mới mẻ trong bộ phim này.

Xoay quanh câu chuyện của gia đình, bộ phim "Mẹ ơi, bố đâu rồi" kể về ông Mạnh – bà Vân. Ông Mạnh là người mạnh mẽ, hơi bảo thủ và thích những gì truyền thống nhưng thường xuyên phải đối mặt với lối sống, suy nghĩ hiện đại của vợ, 3 cô con gái. Ông Mạnh thường xuyên "lép vế" trước vợ và luôn đau đầu giải quyết những vấn đề liên quan đến 3 cô con gái: Mai, Ly, Dương… Có thể nói, 42 tập phim là 42 câu chuyện độc lập, khai thác những khía cạnh rất khác nhau của cuộc sống gia đình. Đó là mâu thuẫn giữa vợ và chồng trong quan điểm dạy con cái, giữa ông bà và con trong cách nuôi dạy cháu hay vấn đề lớn hơn khi cô con gái cả - niềm hy vọng lớn nhất của gia đình bỗng dính bầu, bỏ học và trở thành mẹ đơn thân.

Điểm thú vị và mới lạ của bộ phim chính là cách xử lý những vấn đề, mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Cha mẹ không phải là những người áp đặt suy nghĩ mà trở thành những người bạn của các con. Đó cũng chính là thông điệp đầy ý nghĩa, bởi cách ứng xử nhân văn giữa những người thân trong gia đình.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh