Làm thêm giờ tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống
- Tây Y
- 00:26 - 13/11/2019
Làm thêm giờ góp phần tăng thu nhập cho người lao động
Chị Nguyễn Thị Bình, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn P.X, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu cho biết, hầu như ngày nào chị cũng phải tăng ca, có khi công ty cần hàng gấp chị và mọi người phải làm việc đến 4 giờ sáng mới được nghỉ, cũng có lúc mệt mỏi, nhưng một phần vì doanh nghiệp cần hàng gấp, phần nữa tăng ca để có thêm thu nhập. Chị Bình cho biết, nếu hàng tháng chỉ nhận mỗi lương cơ bản thì không thể xoay xở mọi chi phí cho gia đình.
Cũng giống hoàn cảnh của chị Bình, chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân một công ty may mặc ở khu công nghiệp Sóng Thần 2 đã hơn 15 năm. Hai vợ chồng chị rất chăm chỉ làm việc, chỉ trừ ngày chủ nhật, các ngày còn lại hai vợ chồng không ăn cơm chung với nhau bữa nào. Nhờ vậy, vợ chồng anh chị mới có chút vốn để dành. Đến khi nghỉ hưu có lương hưu và tiền tích góp cũng đỡ lo tuổi về già.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Tâm, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn F.T (Thủ Dầu Một, Bình Dương), trong một tuần nếu tăng ca liên tục thì rất mệt, lại không có thời gian chăm sóc con cái, vui chơi với các thành viên trong gia đình. Vì vậy, doanh nghiệp nên sắp xếp xen kẽ làm sao đảm bảo cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Như tôi buổi sáng phải dậy từ 5 giờ để chuẩn bị đi làm, đến 18 giờ tối mới về, hầu như ngày nào cũng làm việc 12 giờ/ngày, ăn cơm trưa thì vội vội vàng vàng để vào làm tiếp, vì ăn lương theo sản phẩm nên tiết kiệm thời gian lắm.
Do đó, cần cân nhắc đến việc lương và giờ làm như thế nào cho đảm bảo. Bởi thực chất, tăng ca phải là khoản thu nhập tăng thêm, là tiền để cho người lao động tích góp, thế nhưng tiền tăng ca là để bù đắp cho những chi tiêu thiết yếu của cuộc sống mà tiền lương còn thiếu. Nếu lúc còn trẻ họ sẵn sàng "cày" để có dư dành dụm, còn khi có tuổi thì hiển nhiên ai cũng muốn dành thời gian gia đình, với lại lúc này sức khỏe không cho phép để họ làm việc với cường độ cao như trước.
Làm thêm giờ nhưng phải bảo đảm sức khỏe, quyền lợi cho người lao động
Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành, từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này, nhưng phải bảo đảm sức khỏe, quyền lợi cho người lao động.
Việc tăng giờ làm thêm lên thêm 100 giờ/năm có thể làm tăng thu nhập cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp cũng sẽ được lợi từ việc tăng giờ làm vì khi đó số lượng hàng hóa ngày càng nhiều đối với các doanh nghiệp sản xuất, khối lượng công việc được giải quyết sẽ tăng thêm đối với các doanh nghiệp thông thường. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng trưởng. Hiện tổng số thời gian làm thêm của doanh nghiệp VN đang bị hạn chế ở mức 200 đến 300 giờ/năm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động như Bangladesh 408 giờ, Trung Quốc 432 giờ, Hàn Quốc 624 giờ, Indonesia 728 giờ...
Theo Luật sự Đào Xuân Sơn- GĐ Cty TNHH Quản lý vốn SD Partners:
Việc giảm thời gian làm việc bình thường xuống còn 44 giờ/tuần là hoàn toàn không hợp lý và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của quốc gia. Bởi lẽ, việc quy định thời gian làm việc bình thường là 48 giờ/ tuần là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Nếu giảm thời gian làm việc sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giảm tiền lương vì doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại mức lương phù hợp với thời giờ làm việc, dẫn đến khả năng thu nhập bình quân đầu người sẽ giảm. Hiện nay năng suất lao động của nước ta còn chưa cao, việc giảm thời gian làm việc còn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhiều hệ luỵ. Ông Đỗ Đức Tuấn - CĐCS Công ty Xuất nhập khẩu Thịnh Vượng chia sẻ.
Bà Phạm Thị Duyên- Trưởng phòng cấp cao sản xuất Công ty TNHH Apparel Far Eastern VN (Doanh nghiệp may mặc có khoảng 4.500 công nhân lao động) cho biết: Nhu cầu làm thêm giờ xuất phát từ cả hai phía chủ doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp không ép người lao động tăng ca mà do người lao động chủ động đăng ký, chỉ trừ một số lao động có con nhỏ hoặc có việc riêng mới về đúng giờ hành chính, còn lại hơn 90% là đều đăng ký làm thêm giờ. Nếu một công nhân trong tháng không tăng ca thì thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đến 7 triệu đồng, còn nếu tăng ca đều, thì dao động từ 8 triệu đến 10 triệu đồng, người làm tốt có thể lên đến 12 triệu đồng.
Bây giờ nói doanh nghiệp tăng tiền làm thêm giờ là rất khó, vì tăng tiền làm thêm giờ sẽ kéo theo tăng tiền lương cơ bản, tăng tiền đóng BHXH…chắc chắn doanh nghiệp sẽ không đồng ý. Nên chăng, đề xuất doanh nghiệp tăng các khoản phụ cấp cho người lao động, có như vậy thu nhập của họ mới được cải thiện, giảm áp lực tăng ca, có thời gian vui chơi giải trí nhiều hơn".
Cũng là một doanh nghiệp có đông CNLĐ, bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Yazaki EDS VN (Doanh nghiệp ngành điện tử, có trên 10.000 công nhân lao động) trăn trở: Thống kê từ công ty cho thấy, tỷ lệ nghỉ việc nhiều nhất rơi vào nhóm công nhân thường xuyên không được tăng ca. Do đó, doanh nghiệp phải thường xuyên bố trí cho công nhân tăng ca, mặc dù có nhiều lúc đơn hàng không gấp. Nhiều công nhân tâm sự với công đoàn rằng, mỗi tháng không tăng ca thì thu nhập không đủ sống, điều này rất chua xót, nhưng đó là thực tế, công nhân họ cũng có nhu cầu được vui chơi, giải trí…nhưng vì cơm- áo- gạo- tiền buộc họ phải "cày" thật nhiều mới có tiền. Cho nên, hàng năm công đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các sân chơi giải trí lành mạnh cho anh chị em như tổ chức giải bóng đá mini nam nữ; tổ chức các hội thi cắm hoa, nấu ăn, thi hát karaoke, thi thanh lịch…mọi người tham gia rất đông và vô cùng hào hứng.
Vì vậy, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa theo phương án của Chính phủ trình tại Điều 108 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần được đặt trong mối tương quan giữa thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, phải hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, quy định của pháp luật cần hướng đến việc đảm bảo đời sống cho người lao động.