CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:03

Lâm tặc triệt hạ quần thể gỗ Du Sam trên đỉnh núi Nam Nung

Lợi nhuận khủng từ cây Du Sam

Những ngày cuối tháng 9/2016, Tây Nguyên bước vào mùa mưa, việc đi rừng  là cả một vấn đề cực lớn, tuy nhiên sau khi nghe câu chuyện quần thể gỗ Du Sam thuộc nhóm IA, quý hiếm ở đỉnh núi Nam Nung đang bị triệt hạ, nhóm PV quyết tâm xâm nhập một chuyến vào rừng để tìm hiểu sự thật. Sau hơn một ngày trầy trật vượt rừng, leo dốc, 2 người dẫn đường đã đưa chúng tôi đến được với tiểu khu 1133 thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Tại đây, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và đau xót chứng kiến hình ảnh rừng bị tàn sát một cách dã man, lâm tặc đã chủ động dựng lán trại, khai thác gỗ và tập kết công khai hàng chục bãi gỗ hộp tràn lan ngay giữa đường đi. Hàng trăm cây Du Sam nhóm IA, đường kính từ 90cm -1,8m bị lâm tặc đốn hạ, những cây này đã được chúng vận chuyển ra khỏi rừng. Tại hiện trường chỉ còn trơ gốc, một số hộp gỗ nhỏ, bìa gỗ và phần cành ngọn. Ngoài Du Sam, hàng chục cây gỗ dầu gió có đường kính từ 60 - 75cm cũng bị lâm tặc đốn hạ, xẻ hộp tập kết thành nhiều bãi chưa kịp chuyển đi. Dấu vết hiện trường cho thấy rừng bị tàn phá vào nhiều thời điểm, trong thời gian dài nhưng đơn vị chủ rừng vẫn không hề phát hiện để ngăn chặn.

Gỗ Du Sam có vân cực đẹp vừa bị đốn hạ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đỉnh núi Nam Nung được người dân địa phương gọi là đỉnh trời hay cổng trời (cao hơn mực nước biển 1500m), tại đây đang tồn tại một quần thể gỗ Du Sam thuộc nhóm gỗ quý hiếm cả trăm năm tuổi, hiện nay tại Đắk Nông không nơi nào có ngoài nơi này. Để hiểu rõ hơn vì sao gỗ Du Sam lại bị lâm tặc đốn hạ bằng mọi giá, bất chấp có bảo vệ nghiêm ngặt tầng tầng, lớp lớp của các cơ quan chức năng... gỗ Du Sam có thân đứng, cây to và thẳng tắp, thường loại gỗ này có đường kính rất lớn từ 1mét trở lên. Theo khảo sát trên thị trường và từ nhiều nguồn tin khác nhau, được biết  mỗi phiến gỗ Du Sam có chiều rộng 1,8m, chiều dài 3,4m và bề dày là 35cm, không có tì vết được rao giá lên tới 200 triệu đồng/bộ, theo quan sát có những cây đường kính 2m chiều cao khoảng 20m có thể làm được hàng chục tấm gỗ như trên. Chỉ với một phép tính đơn giản thì một cây bình thường cũng có giá vài tỉ đồng.

“Đá bóng” trách nhiệm

Sau khi điều tra kỹ lưỡng đánh số thứ tự từng cây, chúng tôi quay trở lại để tìm hiểu chủ rừng này là ai, vì tiểu khu này trước là của một đơn vị khác quản lý... Nói về quần thể Du Sam trên đỉnh Nam Nung bị triệt hạ, ông Phạm Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa khẳng định: “Tiểu khu này chúng tôi đã bàn giao cho đơn vị khác là Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung,  trước khi tiến hành bàn giao rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã cử cán bộ, nhân viên phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực địa rất kỹ trên toàn bộ diện tích hơn 2.700ha, trong đó có tiểu khu 1133 nhưng không hề phát hiện rừng bị tàn phá hoặc khai thác gỗ, và điều này thể hiện rất rõ trong biên bản ký giao nhận giữa hai đơn vị. Trái ngược với ông Dũng, ông  Đặng Xuân Lộc, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung lại cho biết: “Hiện trạng rừng bị tàn phá, khai thác gỗ trái phép xảy ra nằm trong diện tích chúng tôi mới nhận bàn giao từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, huyện Đắk Song vào đầu tháng 5/2016, và trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý trước đó”.

Nhiều bãi gỗ được lâm tặc tập kết tại tiểu khu 1133, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

 Ông Lộc cho biết thêm: “Đơn vị này mới nhận bàn giao hơn 9.000 ha rừng từ 5 công ty lâm nghiệp trên địa bàn, quá trình bàn giao diễn ra trong thời gian rất ngắn, mỗi đơn vị chỉ tổ chức kiểm tra thực tế và bàn giao trong một ngày nên không thể kiểm tra hết được toàn bộ diện tích rừng có bị tác động hay không. Sau khi nhận bàn giao tổ chức kiểm tra lại thì mới phát hiện rừng bị tàn phá, khai thác gỗ đặc biệt nghiêm trọng nên báo cơ quan chức năng điều tra xử lý vụ việc”. Về việc có hay không sự tiếp tay của cấp dưới, ông Đặng Xuân Lộc xác nhận: “Trong lực lượng nhân viên, cán bộ quản lý bảo vệ rừng của đơn vị hiện nay đang “có vấn đề”, có một số đối tượng có dấu hiệu móc nối, tiếp tay với lâm tặc để phá rừng, khai thác gỗ trái phép trục lợi cá nhân. Chúng tôi đã phát hiện nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nên mới chỉ dùng phương pháp luân chuyển địa bàn khi có nghi vấn chứ chưa thể đem ra xử lý được”.

Về phía Hạt kiểm lâm huyện Đắk Song, lãnh đạo đơn vị này cho rằng: “Do đơn vị chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, bật đèn xanh của một số nhân viên, cán bộ của đơn vị chủ rừng để trục lợi cá nhân nên lâm tặc mới mạnh tay khai thác gỗ số lượng lớn và ra khỏi rừng trót lọt như vậy, và trách nhiệm chính vẫn là các đơn vị chủ rừng, tôi mới được phân công phụ trách đơn vị được vài tháng nên không biết vụ việc xảy ra vào thời điểm nào. Muốn làm rõ trách nhiệm của đơn vị, tập thể, cá nhân phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra...”.

Trao đổi với PV, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, ông  Lê Công Trường cho biết: Vụ việc khai thác gỗ Du Sam trái phép với khối lượng lớn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung là rất nghiêm trọng, chúng tôi đã nhận được thông tin và đang chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Song và đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra thực tế, khám nghiệm hiện trường, tổ chức thu gom tang vật để điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vụ việc...”.

Văn Yên - Trang Thơ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh