“Làm sao để khôn ngoan hơn trong đường đời?”: Tiếng lòng của một trái tim đa cảm
- Văn hóa - Giải trí
- 02:53 - 12/07/2017
Cuốn sách như món quà mà tác giả nhắn gửi thế hệ trẻ, học trò cũ
Chính cuộc đời không mấy bình yên ấy được anh kể lại một cách tự nhiên của người trong cuộc. Ở đó, có những nỗi đau, sự khát khao của một trái tim đa cảm, nhiều thổn thức.
Sẽ có cái nhìn đầy cảm thông và thán phục nghị lực của tác giả khi mà nhiều bạn trẻ ngày nay thường ỷ lại, phụ thuộc vào cha mẹ. Được sống trong đủ đầy, có cha mẹ chăm lo cho tất mọi thứ là điều đáng mừng, nhưng chính bản thân mỗi người trẻ cần phải biết tự lập, làm chủ bản thân để bước vào đời, để chống chọi, ứng phó trước những va đập và bất trắc của cuộc sống.
“Một cuốn sách có thể chưa phải xuất sắc về mặt học thuật nhưng hay về nội dung tư tưởng và cái tâm tác giả muốn nhắn gửi” – Thạc sĩ Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.
Tốt nghiệp Đại học, Hà Kiều trở thành thầy giáo đứng trên bục giảng. Những năm tháng gắn với bảng đen, phấn trắng đã để lại cho anh những vui buồn, trăn trở, suy tư về đời, về người và nghề. Anh hăm hở bước vào nghề giáo với niềm tin yêu và hy vọng tràn trề. Đó là niềm vui, sự hãnh diện cho chính bản thân, gia đình, hàng xóm khi mình được làm “ông giáo”- truyền lửa cho các thế hệ học trò. Ấy vậy mà thực tế không như anh nghĩ. Bản thân anh phải đối diện với nhiều thử thách và mối lo âu trong khoảng thời gian không dài đi dạy. Chính bằng cái tâm và cái nhìn đầy trách nhiệm công dân đã được anh phản ánh trong nhiều bài viết với một cái nhìn thẳng thắn, trung thực của một người trong cuộc bằng cái giọng tâm tình, thủ thỉ rất "xuôi tai".
Tác giả ký tặng sách các bạn đọc
Hầu hết những câu chuyện trong tập sách này được tác giả viết trong hai năm sống và làm việc ở Sài Gòn. Xa quê, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân lại cồn cào, da diết hơn. Trong đó, hình ảnh về cha, về mẹ, về những năm tháng đã qua với bao đắng cay, thiếu thốn; bao kỉ niệm, suy tư về thời đi dạy lại ùa về và cả sự xót xa, thương cảm với những mảnh đời kém may mắn.
Sống trên đất khách, Hà Kiều mới thấm thía và nhận ra cái quý giá của thời gian, của những bữa cơm gia đình, của tình thân, tình người… giữa cuộc sống bộn bề, tất bật. Mà ở đó, bao gian dối, lọc lừa, trắng - đen, thật - giả, nhiều thang bậc đạo đức bị xáo trộn. Tuy vậy, người tốt - lòng tốt vẫn luôn hiện hữu quanh mình.
Tác giả Hà Kiều (thứ 2 từ trái qua) chụp hình kỷ niệm với bạn bè tại buổi ra mắt sách
Một thời anh cũng có những bất an và mất niềm tin trong việc định hướng nghề nghiệp nhưng bằng ý chí, niềm tin Hà Kiều đã chọn cho mình con đường đi theo đúng sở thích và năng lực của bản thân. Dẫu biết rằng: “Con đường đó không trải hoa hồng mà phải trả bằng chính sức lực của bản thân”.
Ở tác phẩm này, người đọc bắt gặp một con người trẻ nhưng giàu suy tư, nhiều trăn trở. Bằng lối viết tự nhiên, hồn hậu, với những hình ảnh gần gũi, sự việc “quen thuộc” nhưng đầy bất ngờ, để lại ấn tượng và có sức ám gợi với độc giả. Đó chính là tiếng lòng của một người trẻ tuổi với những khao khát trước cuộc đời. Những câu chuyện nhẹ nhàng, man mác như tiếng thở dài của lòng mình nhưng dưới con mắt nhìn đời đầy nhân văn, nhân ái Hà Kiều đã làm sáng tỏ ý nghĩa triết mỹ của nó.
Tác giả cho biết: “Thực sự thì tôi chưa có ý định viết sách. Từ trước tới nay, tôi chỉ chi sẻ góc nhìn bản của bản thân qua trang facebook cá nhân. Nhưng, một số bạn bè, học trò thân thiết động viên tôi viết thành sách đi. Viết để nhiều người đọc hơn, đặc biệt là những bạn trẻ có thể thông qua câu chuyện của tôi mà phần nào có cái nhìn đa dạng hơn về cuộc sống, về tình người, về trách nhiệm với gia đình, với bản thân. Khi được bạn bè thuyết phục, tôi suy nghĩ, nếu như mình có thể giúp được cho các bạn trẻ tránh những va vấp mà mình đã trải qua thì cũng nên làm lắm chứ. Và cuốn sách đã được viết như thế, viết từ tất cả những kinh nghiệm của bản thân, chỉ để hi vọng có thể chia sẻ được với các bạn trẻ, những người vẫn đang loay hoay trước nhiều chọn lựa của cuộc đời, những người đã vấp ngã và hoài nghi bản thân mình”.