Huyện Đông Sơn (Thanh Hóa): Cần sớm làm rõ việc hộ nghèo bị xã khất nợ tiền đền bù đất
- Dược liệu
- 15:02 - 20/03/2017
Công sở UBND xã Đông Hoàng xây dựng khang trang theo tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo phản ánh của bà Lê Thị Hằng, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo trong xã, mấy nhân khẩu trông chờ vào 2.450m2 đất nông nghiệp. Do khó khăn về nguồn nước tưới, gia đình chuyển từ trồng lúa sang trồng cây khác gồm chuối, ổi, táo và một số cây rau màu khác, được chính quyền địa phương tạo điều kiện. Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, năm 2016, UBND xã Đông Hoàng thu hồi diện tích đất nông nghiệp nói trên của gia đình bà Hoa để phục vụ xây dựng nhà văn hóa đa năng.
Không biết vô tình không nắm rõ luật đền bù, hay cố ý, mà khi tiến hành thu hồi đất của gia đình bà Hằng, UBND xã Đông Hoàng lại không kiểm kê hoa màu trên đất và việc thu hồi trên giấy, số tiền đền bù đất lại bị xã này khất nợ. Bức xúc trước việc làm của xã Đông Hoàng, bà Hằng cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, con cái đang tuổi ăn, tuổi học, chồng ốm đau thường xuyên đang phải vay lãi ngân hàng. Nay có mấy sào ruộng, xã thu hồi lại không chịu đền bù hoa màu trên đất và không chịu trả tiền đất cho chúng tôi. Gia đình đã nhiều lần đề nghị lên xã xem xét bồi thường hoa màu trên đất, cũng như sớm chi trả tiền đền bù đất nhưng xã vẫn cứ khất lần khất lượt, khiến gia đình tôi đã nghèo lại càng khó khăn thêm”.
Ông Lê Như Tuân, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng thừa nhận việc nợ tiền đền bù đất nông nghiệp của dân là do muốn về đích nông thôn mới sớm hơn so với dự định
Trao đổi với phóng viên về phản ánh của bà Hằng, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, Lê Như Tuân cho hay: Theo lộ trình thì xã Đông Hoàng sẽ cán đích nông thôn mới vào năm 2018, nhưng cấp trên thấy xã có tiềm lực nên cố gắng và đã cán đích năm 2016. Thời điểm này, xã đã vận động người dân có đất bị thu hồi làm các công trình xin khất nợ tới cuối năm 2017 sẽ trả. Riêng trường hợp nhà chị Hằng không thuộc diện thu hồi đất ban đầu, sau khi mở rộng khuôn viên nhà thi đấu đa năng mới bị ảnh hưởng. Gia đình này đúng là thuộc diện khó khăn, xã đã bố trí trả trước cho 100 triệu, còn lại xin khất nợ. Về việc gia đình yêu cầu bồi thường hoa màu trên đất, xã đang xem xét để có hướng hỗ trợ một cách hợp lý. Từ nay tới cuối năm 2017, khi nào xã khai thác được quỹ đất, có nguồn sẽ trả hết cho các hộ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình bà Lê Thị Hằng bị thu hồi 2.450m2 đất nông nghiệp, chưa tính tiền hoa màu trên đất sẽ được bồi thường 268,265 triệu đồng. Thời điểm bị thu hồi đất, trên đất của gia đình bà Hằng có 25 gốc táo, 15 gốc ổi, 20 gốc na, keo và gần 100 cây chối đang thời kỳ cho quả. Trước khi cho hộ tạm ứng 100 triệu đồng, xã Đông Hoàng đã ép bà Hằng viết cam kết không khiếu nại, không đòi tính lãi, không yêu cầu bồi thường hoa màu khiến người dân bức xúc. Ngoài hộ bà Hằng còn 14 hộ khác cũng đang bị xã Đông Hoàng khất nợ tiền đất hơn 1,6 tỷ đồng.
Là hộ nghèo, nay lại bị mất đất canh tác, gia đình gặp nhiều khó khăn, nhiều lần bà Hằng đã kiến nghị lên xã. Trước sự thúc giục của nhiều hộ dân, ngày 4/11/2016, UBND xã Đông Hoàng đã họp để xem xét những kiến nghị của các hộ thuộc diện bị thu hồi đất và có kết luận: “…kiến nghị của người dân về bồi thường hoa màu sẽ được xem xét sau. Tiền hỗ trợ đền bù dựa trên tinh thần thỏa thuận, ủy ban tiếp thu ý kiến của bà Hằng đề xuất đảng ủy, UBND sẽ hoàn trả vào đầu hoặc cuối năm 2017”.
Mục đích xây dựng nông thôn mới là để nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng vì chạy theo thành tích, muốn về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới mà Đông Hoàng đã chiếm dụng tiền của người dân trong đó có cả hộ nghèo là điều không nên làm.
Thiết nghĩ, việc gia đình bà Lê Thị Hằng kiến nghị đòi quyền lợi trong việc bị thu hồi đất nông nghiệp nói trên là có cơ sở và chính đáng. Để ổn định dời sống của gia đình bà Hằng và các hộ dân thuộc diện mất đất nông nghiệp, đề nghị UBND huyện Đông Sơn cần sớm vào cuộc, chỉ đạo dứt điểm vụ việc, trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân, để họ ổn định cuộc sống.