CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:57

Gỡ vướng mắc khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội 2014

 

Chế độ ốm đau, thai sản: Bảo đảm quyền lợi của NLĐ

Theo công văn, NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng tiền lương) thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo NLĐ vẫn ốm và phải nghỉ việc thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Về chế độ thai sản, lao động nữ mang thai đôi trở lên khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu hoặc tất cả các con đều bị chết thì trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều 38 của Luật BHXH được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 31 của Luật BHXH thì lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không quy định thời gian tối thiểu nghỉ dưỡng thai để được hưởng chế độ thai sản theo điều kiện quy định nêu trên. Việc trợ cấp một lần khi sinh con trong trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH theo Điều 38 của Luật BHXH cũng được thực hiện đối với cả trường hợp người mẹ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con mà người cha đủ điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH. Trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi, không phụ thuộc vào thời gian đã đóng BHXH.

 

Ảnh minh họa

 

Lao động nam đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2, Điều 34 của Luật BHXH thì có thể nghỉ làm nhiều lần nhưng tổng thời gian không quá thời gian quy định. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Đối với trường hợp nghỉ làm nhiều lần thì thời gian bắt đầu nghỉ việc lần cuối cùng vẫn phải trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con. Thời gian tối đa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản quy định tại Khoản 2 Điều 41 của Luật BHXH được tính cho một năm, kể từ ngày 1/1 đến 31/12 năm dương lịch. Thời gian tính hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính trên cơ sở thời gian thực tế NLĐ nghỉ việc bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần.

Những vướng mắc về chế độ hưu trí, BHXH tự nguyện được làm rõ

Khi giải quyết chế độ hưu trí đối với NLĐ thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ thì điều kiện hưởng lương hưu, cách tính tỉ lệ hưởng lương hưu, tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi, cách tính tuổi đời có tháng lẻ, thời gian đóng BHXH có tháng lẻ, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016. Đối với các trường hợp nêu trên mà thời điểm hưởng lương hưu kể từ ngày 1/2/2016 trở đi thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Việc giải quyết chế độ hưu trí đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXh bắt buộc, được thực hiện như sau: Trường hợp đã nghỉ việc và bảo lưu thời gian đóng BHXH từ trước ngày 1/1/2016, từ ngày 1/1/2016 trở đi nếu có nguyện vọng và đủ 55 tuổi thì được giải quyết hưởng lương hưu theo Khoản 3, Điều 54 của Luật BHXH 2014. Trường hợp tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ LĐ-TB&XH. Trong trường hợp tiếp tục đóng BHXH bắt buộc (không còn thuộc diện người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) thì việc giải quyết chế độ hưu trí thực hiện theo khoản 1, khoản 4, Điều 54 và Điều 55 của Luật BHXH 2014.

 Khi tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần mà có thời gian đóng BHXH trước ngày 1/1/2004 theo chế độ lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Riêng đối với NLĐ có thời gian làm việc trong các doanh nghiệp đóng BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi thì tiền lương đóng BHXH trước ngày 1/10/2004 nêu trên được chuyển đổi theo tiền lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Đối với những người là lao động xã hội sau khi được cử đi hợp tác lao động về nước tiếp tục tham gia đóng BHXH bắt buộc thì tiền lương tháng đóng BHXH của thời gian đi hợp tác lao động được tính bằng hai lần mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng BHXH.

NLĐ đã đủ điều kiện về hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng theo Khoản 6 Điều 85 của Luật BHXH hoặc thiếu tối đa 30 tháng theo quy định được đóng một lần cho thời gian còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu thì tiền lương tháng đóng BHXH của những tháng còn thiếu là tiền lương của tháng trước khi nghỉ việc. Với trường hợp tháng trước khi nghỉ việc NLĐ đang làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì thời gian đóng BHXH cho những tháng còn thiếu không được tính thời gian làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

NLĐ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng, lựa chọn đóng một lần cho thời gian còn thiếu và đã hoàn thành việc đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trước ngày 1/1/2016 thì được hưởng lương hưu kể từ ngày 1/1/2016...

Về BHXH tự nguyện, người tham gia BHXH tự nguyện đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương theo quy định, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày Thông tư số 1/2016/TT-BLĐTB&XH có hiệu lực thi hành đã đề nghị được đóng BHXH tự nguyện một lần cho thời gian còn thiếu, nhưng từ ngày 4/4/2016 trở đi, cơ quan BHXH mới thực hiện thu theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH, NLĐ thì được hưởng lương hưu kể từ tháng liền kề sau tháng NLĐ đã đề nghị đóng nếu trong phần mềm tiếp nhận hoặc trong hồ sơ, sổ sách theo dõi tiếp nhận hồ sơ của cơ quan BHXH có thể hiện thời điểm đề nghị đóng của NLĐ.

NLĐ tham gia BHXH tự nguyện đã lựa chọn một trong các phương thức đóng quy định tại Khoản 2 Điều 87 của Luật BHXH mà đủ điều kiện đóng một lần cho những năm còn thiếu (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa không quá 10 năm) thì được lựa chọn đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi đủ điều kiện mà không phải chờ thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Bên cạnh đó, công văn cũng làm rõ những vướng mắc về chế độ tử tuất, quy định chuyển tiếp...

VŨ MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh