Làm nghệ thuật như đi trên dây
- Văn hóa - Giải trí
- 16:24 - 10/11/2015
* Tham gia diễn xuất nhiều phim, song khán giả chỉ nhớ đến Bùi Cường với vai Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Phải chăng vì thế mà lâu lắm rồi anh không nhận vai?
- Chí Phèo là vai diễn để đời. Sự nghiệp diễn xuất của tôi mà thiếu vai này thì không biết sẽ thế nào. Nhưng còn có một vai mà tôi rất thích, đó là tiểu đội trưởng Quang trong phim “Không có đường chân trời”. Anh này giữ kho thóc trong rừng sâu, rất thương cô thanh niên xung phong nhưng không dám làm gì vì nghĩ mình là thủ trưởng. Không ngờ cô này có bầu sau cuộc gặp gỡ chóng vánh với người khác. Sinh con, cô để đứa trẻ cho anh và ra đi.
Trở thành đạo diễn, tôi không đóng phim nữa, vì nhiều việc, nhận vai sẽ thành “nửa dơi nửa chuột”. Phần nữa, cơ thể tôi giờ “phát” quá, khó tìm được vai phù hợp dù đôi lúc cũng thích diễn lắm.
Đạo diễn Bùi Cường.
* Là đạo diễn, anh thích mời người đẹp tham gia phim của mình, mà người đẹp thì ít khi diễn hay. Tại sao anh vẫn chọn?
- Đạo diễn nào cũng muốn diễn viên hoá thân tốt. Ở phim nhựa, việc lựa chọn rất kỹ lưỡng, song phim truyền hình có thể dung hoà. Khi nhà sản xuất muốn có một số tên tuổi để tiện cho việc tìm đối tác quảng cáo, mình không nên khăng khăng từ chối. Thi thoảng, tôi cũng chọn người mẫu tham gia phim mình, phải thừa nhận họ yêu nghề, còn chưa biết diễn thì mình phải dạy. Bùi Cường quen làm việc với diễn viên không chuyên rồi. Nhân vật chính trong phim nhựa “Năm ngày trong đời vị tướng” của tôi cũng là nghiệp dư, song diễn xuất rất tốt.
* Anh thường vô Nam làm phim truyền hình. Phải chăng anh hợp với thị trường phim ảnh phía Nam hơn?
- Tôi thích nơi đây bởi sự sòng phẳng và chữ tín. Nó bắt buộc mình phải làm thật tốt, nếu không lần sau gặp lại sẽ bị “xúc đất đổ đi”. Trước đây, tôi làm khá nhiều phim cho chương trình Văn nghệ chủ nhật của Đài Truyền hình Việt Nam những ngày mới lên sóng như “Trở lại bến xưa”, “Khi con tu hú gọi bầy”, “Thiên đường ở trên cao”, “Áp thấp nhiệt đới”, “Vào đời”... Tôi cũng cộng tác với Điện ảnh chiều thứ 7 nữa, nhưng sau đó nhân sự đông, vững nghề, họ không nhờ cậy “người ngoài” thì mình phải bươn chải.
* Anh nghĩ sao khi có người nhận xét phim Bùi Cường không hay?
- Khen, chê là chuyện bình thường, làm sao tránh khỏi. Cứ ví như cái mặt, nhìn thì vẹn toàn, song bổ đôi sẽ thấy hai nửa lệch nhau, như thế mới hay, mới là con người. Quan trọng là phim có người xem và mình phải hiểu mình đang ở vị trí nào. Hoạt động nghệ thuật như đi trên dây, rất chông chênh, nguy hiểm nhưng cũng thú.
* Làm hết phim này đến phim khác, lại thường xuyên xa nhà, có bao giờ bà xã nhà anh “nổi cơn tam bành”?
- Đúng là tôi chẳng mấy khi có mặt ở nhà, vì thế bà ấy bảo tôi là anh bộ đội. Ngày trước thì cũng có ghen bóng ghen gió đôi chút, song bây giờ già rồi, đã sống chung chừng ấy năm, quá hiểu nhau rồi còn gì. Phải công nhận, tôi có một hậu phương vững chắc nên rất yên tâm đi xa làm ăn.
* Nhưng giới trong nghề vẫn truyền tụng Bùi Cường đào hoa lắm...
- Nghệ sĩ ai chả thích lung linh, bay bổng để thêm cảm hứng sáng tạo. Nhưng thực ra, tôi là người chân phương, không thích màu mè, phức tạp, khi giao tiếp, không giấu được “cái thật” của mình.
* Đã ở ngưỡng tuổi “xưa hay hiếm” rồi, có khi nào anh nhớ lại tuổi thơ? Điều gì làm anh nhớ nhất khi còn là trẻ con?
- Có chứ. Nhưng tuổi thơ của tôi gần như không có một ngày vui mà chỉ toàn nước mắt. Rất nhiều nước mắt là khác. Tôi làm nhiều phim về người cha song không ai biết tôi chưa một lần cất tiếng gọi “bố” bởi ông hy sinh lúc tôi nằm trong bụng mẹ.
Bố tôi là cảm tử quân, được lưu tên trong Bảo tàng Cách mạng. Ngày xưa mẹ tôi mê tín, mọi người nói bố tôi tuổi Dần xung với tuổi Hợi của tôi, vì thế bà phải gửi tôi làm con nuôi cho gia đình khác. Không có cha, lại sống xa mẹ, tôi khóc suốt ngày. Mỗi lần mẹ đến chơi, tôi ôm bà khóc như cháy ruột khiến bà phải bỏ trốn. Mẹ không dám đưa tôi về, sợ mất nốt đứa con. Cảm giác ấy vẫn còn trong tôi đến tận bây giờ.