CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Nỗi niềm đạo diễn trẻ

Trẻ thì không làm được đạo diễn

     Theo Đức Thịnh, sau đó tác phẩm trên được sân khấu Hồng Vân công diễn, “người ấy” đến xem và…khen nhưng không nhận ra Đức Thịnh và cái kịch bản kia. Đức Thịnh ngậm ngùi nói: “Chuyện không lớn lao, đấy chỉ là thói quen nhìn người trẻ của một vài đạo diễn đi trước”.

      Những câu chuyện thế này không hiếm trong làng sân khấu và từ lâu, các đạo diễn trẻ luôn phải chuẩn bị tinh thần rằng con đường phía trước đầy những chông gai không dễ vượt qua, cũng như cơ hội để mình trở thành nhạc trưởng trên sân khấu là thực sự khó khăn. Đôi khi họ không khỏi thắc mắc, vì sao ít người dám đặt niềm tin vào lớp đạo diễn trẻ? Phải chăng vì họ quá kém cỏi, hay vì tình hình sân khấu không lấy gì làm hưng thịnh như hiện nay khiến con đường đi của họ bị thu hẹp hơn?

          Giám đốc một nhà hát ‎l‎ý giải nguyên nhân các đạo diễn ít có cơ hộ thể hiện mình: Mỗi năm, nhà hát chỉ dựng từ một đến hai vở, đó là cả gia tài. Vào tay người không có kinh nghiệm thì hỏng như chơi nên chẳng mấy ai dám liều. Vì thế, để chắc ăn, họ phải mời những đạo diễn có uy tín, dù đôi khi việc này rất mất thời gian vì đạo diễn giỏi thường rất bận, lại tốn tiền tốn của vì không thể trả thù lao thấp.

Vở diễn: “Sống tử tế” của đạo diễn trẻ Bùi Như Lai.

          Chính những đạo diễn U60, 70 đang chạy sô mệt nghỉ bây giờ cũng từng có thời bị coi là “trẻ con” và rất hiếm khi được giao dựng vở. Đạo diễn Bùi Đắc Sừ, người đắt hàng nhất làng chèo hiện nay thừa nhận, ngày mới học xong đạo diễn ông cũng phải “ngồi đợi đó” vì bên trên mình, bậc đàn anh vẫn đang “tung hoành”. May thay, có đoàn chèo Bắc Giang do thiếu người nên mời ông về cộng tác. Từ đấy, dù là người của Nhà hát chèo Việt Nam nhưng đạo diễn họ Bùi lại thường xuyên dựng vở cho đoàn chèo Bắc Giang, chứ ít khi được dựng ở đơn vị nghệ thuật mà mình đang ăn lương.

          Trở thành đạo diễn tên tuổi được nhiều đoàn săn đón, nghệ sĩ Bùi Đắc Sừ vẫn dành cho đoàn chèo Bắc Giang tình cảm đặc biệt bởi nơi đây chính là cái nôi nuôi dưỡng nghề đạo diễn của ông những ngày chân ướt chân ráo nhập cuộc. Song, dường như “mối tình” ấy kéo dài mấy chục năm vẫn chưa có dấu hiệu phai nhòa kể cả khi NSND Bùi Đắc Sừ đã nghỉ hưu. 

Những nghịch lý 

            Tất nhiên, không phải lúc nào những tên tuổi lớn cũng mang lại sự hài lòng tuyệt đối. Nhiều đạo diễn nghĩ đơn giản “mời thì làm, xong thì thôi”, chuyện công diễn thế nào, tự đơn vị ấy lo liệu. Ví như, vở diễn bị ế khách hay thất bại trong một cuộc thi thố nào đó thì cũng phải chấp nhận, và sẽ có những tác phẩm gây tiếng vang khác lấy lại uy tín cho mình. Vậy, vì lẽ gì mà không chạy sô, nhất là khi thù lao lại được trả cao? Thực tế, số vở diễn được dàn dựng mỗi năm không nhiều nhưng vẫn có vở rất ít cơ hội công diễn dù vở đó do đạo diễn nổi tiếng dàn dựng.

Vở “ Cổ tích một tình yêu” của đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai.

          Giám đốc một nhà hát từng tiết lộ, có lần nhà hát mời một đạo diễn tên tuổi về dựng một vở hài kịch nhưng đó cũng là dịp đạo diễn này chạy sô nhiều quá khiến cả đoàn luôn phải chờ dài cổ. Cuối cùng, vở diễn cũng hoàn tất nhưng muộn hơn dự định khá nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên đơn vị này bị vỡ kế hoạch do phải cậy nhờ vào đạo diễn nổi tiếng. Mặc dù khi ấy, một số đạo diễn trẻ thuộc biên chế của nhà hát phải ngồi chơi hoặc… đi dựng vở cho nơi khác.

          Nghệ sĩ Tuấn Hải thẳng thắn:Tôi thuộc quân số Nhà hát kịch Việt Nam, được chính Nhà hát cử đi học đạo diễn nhưng họa hoằn lắm mới được giao dựng vở, còn đâu toàn thuê người ngoài. Tôi từng được giao một kịch bản hay nhưng sau bị đòi lại để đưa cho đạo diễn từ nơi khác đến, thay vào đó, tôi được đền bù bằng một kịch bản vô cùng dở, vừa đọc đã thấy ngán”.

          Song, không hẳn, các cánh cửa đều đóng trước mặt đạo diễn trẻ, miễn họ phải chứng tỏ sự nổi bật từ lần ra mắt đầu tiên cũng như khả năng nắm bắt cơ hội tiếp theo. Khi bà bầu Hồng Vân yêu cầu Đức Thịnh trình bày ý tưởng, anh biết đây là cơ hội sống còn khiến mình có thể trở thành nhạc trưởng của sân khấu kịch hay không. Cũng từ đó, nhờ sự sòng phẳng của sân khấu xã hội hóa mà anh liên tục được dựng vở. Đến nay, sau gần 10 năm theo nghề, Đức Thịnh đã có trong tay vài chục vở diễn, con số mơ ước của các đạo diễn trẻ.

          Có thể nói, với các đạo diễn trẻ, giải thưởng trong một cuộc thi, hội diễn nào đó là dấu mốc rất quan trọng cho sự nghiệp của họ. Giải thưởng ấy vừa khẳng định tài năng của người đạo diễn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội để đạo diễn trẻ tiếp tục dấn thân với nghề nghiệp mà mình đã chọn. Không khó để nhận thấy, sự khác nhau giữa một đạo diễn trẻ từng sở hữu nhiều Huy chương vàng, bạc với một đạo diễn chưa hề được nhắc tên trong những lần trao giải thưởng. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai là ví dụ. Sau khi đoạt giải nhất trong cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ, huy chương vàng trong Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp, chị nhận được khá nhiều lời mời dựng vở từ các đoàn nghệ thuật bạn bè. Quỳnh Mai cho biết, khi nhận được lời mời, điều trước tiên là chị phải tìm kịch bản ưng ý dù điều này không hề dễ dàng. Không tìm được kịch bản hay thì không dám nhận lời, mặc dù các đoàn luôn hối thúc.  Nữ đạo diễn bộc bạch:“Khi nhận được lời mời dựng vở tôi rất vui vì nghĩ mình còn trẻ mà được tin tưởng. Tuy nhiên tôi phải tự nhủ rằng mình không được tham bởi nếu nhận lời mà làm không đến nơi đến chốn thì chẳng khác nào tự bó hẹp đường đi của mình”.

Kim Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh