Lam Kinh huyền thoại
- Văn hóa - Giải trí
- 18:10 - 10/12/2016
Cầu Bạch bắc qua sông Ngọc Lam Kinh
Đất lành "chim" đậu
Cách TP.Thanh Hoá gần 55 km theo quốc lộ 47, chúng tôi có mặt tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân. Hiện ra trước mắt chúng tôi là Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng hơn 200 ha, với Thành điện Lam Kinh sừng sửng, phía Bắc dựa vào núi Dầu (Du Sơn), phía Nam nhìn ra sông Chu, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương, xa xa là núi Chúa. Lam Kinh như một kiệt tác siêu phàm gồm Ngộ Môn, Sân Rồng, Thềm Rồng, Chính Điện, Thái Miếu, Lăng phần, Đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh Trần Danh Hải cán bộ Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (DTLSLK) vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu DTLSLK, vừa liền miệng kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cũng như hậu thế sau này của đức Vua Lê Lợi. Anh Hải cho biết, sách có ghi lại “Một hôm vua sai gia nhân đi cày ruộng ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi, gia nhân thấy một vị sư già mặc áo trắng từ thôn Đức Trai đi ra ngắm nghía rồi than rằng: Ngôi đất này là ngôi đất quý, tiếc thay không có ai để giao phó!. Gia nhân thấy vậy liền chạy về thưa với Vua, Vua lập tức đi tìm đuổi theo, bấy giờ có con rồng vàng phía trên che nắng cho Vua, bỗng thấy nhà sư xuất hiện nói với Vua rằng: ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi có một thửa ruộng chững nửa sáo, hình chiếu ấn vuông, toạ khôn hướng cấn. Phía bên tả có Thái Ất là núi Chí Linh ở sách Giao Lão, bên trong có những đồi gò tựa bầy tiên, lấy núi Chiêu Sơn ở xã Yên Quyết làm án. Phía trước có Long Sơn, trong có Long hồ, thế đất ngoài quanh co như ruột ốc. Bên trong phía tả có dòng bao quanh núi, ở ngoài tựa chuỗi hạt châu”, đó chính là mảnh đất Lam Kinh ngày nay.
Mộ đức Vua Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng)
Lam Kinh là quê hương của vị Vua đã sáng lập ra một vương chiều dài nhất dân tộc 355 năm. Đây còn là nơi phát tích ra cuộc khởi nghĩa với binh lực yếu, binh đao thô sơ, chống lại quân Minh lớn mạnh đã đặt được ách đô hộ ở nước ta. Lam Kinh cũng là nơi an táng thờ cúng các Hoàng hậu, Hoàng đế đầu thời lê sơ; là nơi diễn ra nhiều nghi lễ mang tính chất cung đình.
Giếng cổ Lam Sơn dùng lấy nước uống cho nghĩa binh trong khởi nghĩa
Cũng theo anh Hải, huyền thoại về đức vua Lê Lợi được lưu truyền nhiều nhất là “Chuyện vua sinh”, kể rằng: Khi vua chưa sinh, ở Như Áng Hậu Thôn, dưới rừng quế xứ Du Sơn, trong làng thường có con Cọp đen rất to, lại thân với mọi người và chưa từng hại ai, Cọp không bắt gà, lợn, trâu, bò. Đến ngày mồng 6, tháng 8 năm Ất Sửu, sau khi vua sinh thì không thấy con Cọp đâu nữa, người dân quanh vùng ai cũng thấy lạ. Lúc vua sinh ánh sáng đỏ đầy nhà và mùi hương lạ bay khắp xóm, quanh vùng. Ngay từ bé vua đã tinh nhanh, nghiêm nghị, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, mặt rồng, vai tả có 7 nốt ruồi, người có dáng đi như rồng, bước như hổ, lông tóc đầy người, tiếng nói như chuông lớn, ngồi xổm như cọp. Đến khi lớn lên thông minh, trí dũng vượt hẳn hơn người.
Nhà thờ đức vua Lê Thái Tổ tại Lam Kinh
Lam Kinh - niềm tự hào của dân tộc
Trải qua biến thiên lịch sử nắng, gió, mưa, mặc dù Lam Kinh không còn được nguyên vẹn như xưa, với những cung điện, lăng lẩm, miếu mạo nguy nga, tráng lệ như một triều đại đã từng được coi là triều đại phong kiến hưng thịnh và kéo dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhưng Lam Kinh vẫn là nơi chứa đựng nhiều giá trị về các mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc, văn học, điêu khắc, một kho tàng văn học dân gian phong phú, nơi thể hiện tính tâm linh truyền thống và truyền thống tôn vinh dòng tộc, tổ tiên của người Việt. Lam Kinh còn mang một dấu ấn quan trọng đối với sự tồn tại và hưng vong của nhà hậu Lê. Lam kinh đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân trong cả nước, khi nghĩ về Lam Kinh là hướng về người anh hùng dân tộc Lê Lợi, hướng về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vĩ đại trong lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước của cha ông ta. Điều đó đã được thể hiện trong lễ hội Lam Kinh được Thanh Hoá tổ chức trọng thể hàng năm.
Lễ hội Lam Kinh được tỉnh Thanh Hóa tổ chức long trọng hàng năm vào các ngày 20, 21 âm lịch
Lam Kinh là niềm tự hào của dân tộc ta, chính vì vậy để góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước đánh giặc để bảo về tổ quốc của cha ông ta, hàng năm vào các ngày 20, 21 tháng 8 âm lịch, Thanh Hoá tổ chức trang trọng với đông đảo du khách thập phương về hội tụ.