Làm giàu trên đảo Phú Quý
- Huyệt vị
- 21:40 - 01/11/2017
Ông Nguyễn Du bên trang trại hải sản tiền tỷ của mình, mô hình này ngày càng nhiều ở Phú Quý.
Ngư nghiệp là ngành mũi nhọn
Cứ 10 người dân Phú Quý thì có 8 người thông thạo ngư nghiệp. Vậy nên, “lột xác” được hay không cũng nhờ cả vào đó, người ta xem đây là ngành xương sống có tính xứ mệnh của huyện đảo này. Từ sự khởi sướng của một vài hộ dân, đến nay có 109 trang trại trại cá mú tiền tỷ đã mọc lên quanh đảo Phú Quý. Lồng bè được liên kết với nhau bằng loại gỗ dầu, xung quanh bao bọc lưới cước, phía dưới thanh gỗ đặt nhiều thùng phi làm giá đỡ nâng lồng bè nổi lên mặt nước. Một lồng bè rộng khoảng 100 m2 và được chia thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô rộng 4 m2 sâu 2m, nhờ sự lên xuống của thủy triều nên nước nuôi cá mú luôn sạch sẽ, thức ăn của chúng là các loại cá tạp. Giống cá được lựa chọn kỹ càng, mỗi con cá giống có trọng lượng 100g giá 107.000 đồng, nuôi trong 2 năm cá nặng trên 1kg và người dân bán ra với giá 540.000/kg, tiền lời gấp 7 lần so với những người dân trồng lúa nước.
Ông Nguyễn Du, chủ lồng bè cá mú ở thôn Phú Long (xã Tam Thanh) khoe “Nhà tôi nuôi cá mú từ năm 2008, lồng bè có diện tích 250 m2 đã bán được nhiều lần, mỗi lần được 400 triệu đồng, năm 2017 này đã sắm được cả ô tô. Nhiều gia đình khác cũng vậy. Ở đây những gia đình nuôi cá mú thu nhập trên 100 triệu mỗi năm là chuyện bình thường. Không có con cá mú này thì Phú Quý khó mà thoát được nghèo”.
Theo các lão ngư, Phú Quý từ những năm đầu thế kỷ XX đã nổi tiếng với các loại hải đặc sản quý hiếm, thương lái lọc lõi khắp nước đổ về mua cá khô, tôm hùm, các loại ốc... bán sang Cao Miên. Có cái nền đó, ngành hải sản Phú Quý vươn lên như hôm nay là điều dễ hiểu.
Không chỉ nuôi thủy sản thông thường, những người dân Phú Quý còn sáng tạo ra mô hình nuôi thủy sản gắn với du lịch. Ông Nguyễn Văn Tùng, người đi đầu trong mô hình này khẳng định: “Giữa năm 2017 đã có hàng chục hộ dân áp dụng mô hình này, tiền thu về lên đến hàng trăm triệu đồng”. Khách tham quan thường kháo nhau, ra tới đây mà không thăm quan Long Hải thì coi như chưa ra Phú Quý. Câu truyền miệng này quả không ngoa, tất cả các hồ nuôi thủy sản được xây dựng dựa trên kết cấu của những tảng đá lồi lõm nằm sát mép biển bậc thang kết hợp với bi ống xi măng trông rất bắt mắt.
Nhiều tiềm năng du lịch vẫn chưa được khai thác ở Phú Quý.
Tiềm năng còn nhiều
Điều nhận ra ngay khi đến huyện Phú Quý là hầu hết các ngư trường ở đây đều hiện đại, cảng cá cũng như các trang trại được xây dựng quy mô. Bên cạnh đó, trung bình hàng năm có trên 500 trăm lượt tàu thuyền của ngư dân đi đánh bắt xa bờ thuộc vùng quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Tuy nhiên, sự quy mô này vẫn còn thiếu để làm nên những vụ mùa bội thu. Theo UBND huyện Phú Quý, hàng năm, sản lượng hải sản bình quân khai thác và nuôi trồng được là trên 26.000 tấn, trong đó hải sản có giá trị cao chiếm tới 63%. Bởi vậy, năm 2017 Phú Quý sẽ đẩy mạnh việc thành lập thêm các đội tàu công suất lớn chuyên thu mua và cung ứng dịch vụ nghề cá ngay trên biển và tại đảo.
Những đội này sẽ sát cánh ra khơi xa cùng ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí sản xuất. Các tàu làm dịch vụ này sẽ được trang bị máy lạnh, có khả năng sơ chế ngay tại tàu. Không giấu được niềm vui khi là người đầu tiên tham gia “đội tàu dịch vụ”, ngư dân Trần Công Chung chia sẻ: “Phát triển tàu dịch vụ sẽ nâng cao giá trị đánh bắt hải sản của ngư dân. Các tàu này còn mua cá tại các trang trại trên đảo, rồi chế biến đưa vào đất liền, hải sản giữ nguyên chất lượng, người dân tiết kiệm tối đa chi phí vận chuyển”.
Không giống nhiều huyện đảo khác ở Nam Trung bộ, Phú Quý có khí hậu ôn hòa, ít bão tố, bao bọc quanh huyện đảo lại có nhiều trầm tích, danh thắng đẹp. Đây là một tiềm năng lớn để Phú Quý phát triển du lịch đảo. Các bãi tắm như Triều Dương, bãi Doi Dừa, Gành Hang được hàng triệu du khách ghé đến mỗi năm. Trong chiến lược phát triển kinh tế nếu Phú Quý khai thác hết các tiềm năng này thì huyện đảo sẽ ngày càng ấm no hơn.