Làm gì để phát triển kinh tế biển bền vững
- Huyệt vị
- 12:47 - 15/07/2015
Tăng cường hợp tác quốc tế
Muốn phát triển kinh tế biển một cách bền vững thì bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng cần giữ được sự bình yên, ổn định trong vùng biển và lãnh thổ của đất nước mình. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết nhiều thách thức đã và đang diễn ra đối với các vùng biển ở quốc gia đó. Đây là quan điểm được đa số đại biểu thống nhất trong buổi tọa đàm.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế trung ương khẳng định: Việt Nam có tiềm năng rất lớn về biển. Nhưng kinh tế biển vẫn chưa tạo ra được những đột phá xứng tầm với tiềm năng đó. Cản lực lớn nhất đó là những thách thức do cả chủ quan lẫn khách quan tạo nên. Chủ quan do suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, các phương thức đánh bắt tận diệt vẫn xảy ra.
Về khách quan, nhiều tổ chức xấu vẫn nhòm ngó muốn đoạt giật ngư trường, làm khuấy động vùng biển, tạo khó khăn trong phát triển kinh tế biển. Ông Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, (Trường ĐH KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh) đưa ra nhận định: Một trong những thách thức khách quan lớn nhất của kinh tế biển Việt Nam đó là vấn đề biển Đông.
GS. Joseph Nye, Trường Đại học Harvard đồng thời là thành viên hội đồng các nhà tư tưởng Diễn đàn toàn cầu Boston, nhấn mạnh: Phía Mỹ cũng như Diễn đàn toàn cầu Boston luôn sẵn sàng ủng hộ Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế để phát triển kinh tế biển bền vững cũng như giữ gìn sự bình yên của vùng Biển Đông. Hợp tác quốc tế bằng những hành động thiết thực, bằng các tiêu chí hỗ trợ phát triển kinh tế biển cũng như quy tắc giữ gìn an ninh vùng biển của mỗi nước.
Cần hướng đến sự phát triển kinh tế biển bền vững theo tiêu chí xanh.
Tạo điểm nhấn từ nội lực
Một trong những thách thức lớn đối với phát triển kinh tế biển của Việt Nam nữa là thành quả khai thác biển của Việt Nam còn thấp, chỉ bằng 1/7 Hàn Quốc, 1/20 Trung Quốc, 1/94 Nhật Bản. Vậy nên, cùng với hợp tác quốc tế thì chúng ta cần trang bị nội lực trên nhiều phương diện; nội lực cả về trình độ khai thác kinh tế biển, nội lực về phương án nghiên cứu bảo tồn…TS Trần Anh Tuấn, Viện Chiến lược phát triển – (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Nội lực của chúng ta đang tụt dần. Cần phải đào tạo chuyên sâu hơn nữa cho các chuyên gia, các lao động chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực khai thác kinh tế biển.
Không nên phát triển và khai thác theo phương thức truyền thống mà cần phải thành lập nên các trung tâm nghiên cứu. TS. Võ Sỹ Tuấn, Viện Hải dương học Nha Trang cũng cho rằng: Cần nghiên cứu đa dạng sinh học, kết hợp trao đổi kiến thức với nhiều nước có kinh tế biển phát triển mạnh để tăng cường tạo tiềm lực hướng đến mục tiêu phát triển xanh (nghĩa là phát triển kinh tế biển mà không có ô nhiễm, không có những nguy cơ xâm hại đến sự đa dạng sinh học từ biển).
GS. John Quelch, thành viên ban quản trị Diễn đàn toàn cầu Boston cũng đưa ra phân tích: Nhiều thành phố biển trên thế giới đã thất bại trong việc đẩy mạnh khai thác kinh tế biển vì chỉ chú ý đến yếu tố khai thác và trợ giúp bên ngoài mà quên đi điều then chốt là tạo nên nội lực cho mình. Khánh Hòa nói riêng, cũng như Việt Nam nói chung trong chiến lược dài hơi của mình cần có lực lượng hùng hậu được đào tạo chuyên sâu từ những kiến thức của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế để phục vụ sát thực cho khai thác kinh tế biển. Ông Lê Hữu Thọ, Gíam đốc Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cũng đưa ra nhận định: Cùng với việc đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao thì cũng phải huấn luyện cho đội ngũ lao động là những ngư dân, những lao động trực tiếp trên các vùng biển ven bờ có kỹ năng và kiến thức về đánh bắt và khai thác cũng như giữ gìn môi trường sinh thái biển.
Xây dựng Nha Trang thành điểm sáng
Các nhà khoa học dự buổi tọa đàm cũng đồng nhất quan điểm hướng đến xây dựng Nha Trang thành một điểm sáng trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển bền vững theo tiêu chí xanh. Để hướng đến mục tiêu này, Khánh Hòa sẽ nhanh chóng tiến hành xây dựng Làng Hòa bình và sáng tạo. Làng này sẽ hợp tác cùng Diễn đàn toàn cầu Boston để thu hút nguồn lực trí tuệ về biển. Từ đó sẽ đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực có chất lượng cao, đồng thời nhiều giải pháp mang tầm chiến lược cũng sẽ đưa ra để thực hiện. Ông Nguyễn Anh Tuấn, đồng sáng lập Diễn đàn toàn cầu Boston bày tỏ quan điểm: Xây dựng Nha Trang thành điểm sáng trong phát triển kinh tế biển bền vững để từ đó nhân rộng ra các tỉnh, thành khác là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, cần sự quyết tâm của các cấp chính quyền. Bản thân ông Tuấn sẽ là cầu nối để các nhà khoa học hàng đầu về kinh tế biển của thế giới đến bắt tay cùng Khánh Hòa.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Ngay trong thời gian tới Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án khai thác và phát triển kinh tế biển gắn với phục hồi sinh thái và làm sạch môi trường biển.