CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:28

Lâm Đồng: Bùng phát bệnh tay chân miệng

Sáng ngày 26/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa có thêm các chùm ca bệnh tay chân miệng tại 2 trường mầm non ở huyện Đạ Tẻh, bao gồm 8 ca bệnh ở lớp Sơn Ca thuộc trường Mầm non Họa Mi (xã An Nhơn) và 4 ca ở lớp Họa Mi trường mầm non Hương Lâm (xã Đạ Lây).

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức khám sàng lọc bệnh tay chân miệng cho gần 1.000 học sinh, phun hóa chất xử lý môi trường, cấp Cloramin B cho nhà trường và gia đình các bệnh nhân để làm sạch nhà vệ sinh, đồ chơi, vật dụng sinh hoạt của trẻ, cấp phát hàng vạn tờ rơi truyền thông về bệnh tay chân miệng.

Cơ quan y tế hướng dẫn các gia đình theo dõi chặt chẽ sức khỏe con em tại nhà, nếu có các biểu hiện sốt, viêm họng, nổi bọng nước và các biến chứng thần kinh như sốt cao, giật mình, bứt rứt khó ngủ, yếu cơ, đi loạng choạng... thì đưa ngay đến cơ sở y tế.

Lâm Đồng: Bùng phát bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Phun hóa chất khử khuẩn

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lâm Đồng cũng cảnh báo bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong tháng 9 này với 130 ca mắc mới xuất hiện ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Bởi tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em nên toàn bộ học sinh của các lớp học xuất hiện các ca bệnh được cho nghỉ học để cách ly theo dõi tại nhà 14 ngày nhằm tránh lây lan bệnh cho học sinh các lớp khác cũng như cộng đồng.

Trước đó, các đơn vị y tế đã phát hiện 12 học sinh trường Mầm non Phù Mỹ (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên) và 14 học sinh trường Mầm Non Anh Đào (Phường 4, TP. Đà Lạt) mắc bệnh tay chân miệng, ngoài cộng đồng có 3 trẻ được Trung tâm Y tế Đạ Tẻh và Bệnh viện Nhi đồng I chẩn đoán mắc bệnh Tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng là gì? Bệnh tay chân miệng (hand, foot and mouth disease – HFMD), hay có khi được gọi là bệnh chân tay miệng, là một bệnh lý do nhiễm virus gây ra, không nghiêm trọng nhưng rất dễ lây lan, nhất là ở trẻ nhỏ. Bệnh đặc trưng bởi các vết loét ở miệng và tình trạng phát ban ở tay, chân.

Tuy căn bệnh này phổ biến ở trẻ em nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Các triệu chứng bệnh thường tự hết sau khoảng 7–10 ngày.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tay chân miệng là gì? Thời gian ủ bệnh sau khi nhiễm virus thường từ 3–7 ngày. Sau đó, biểu hiện đầu tiên của bệnh tay chân miệng thường là sốt, đau họng, chán ăn và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi sốt, các vết loét đau có thể xuất hiện ở phía trước miệng hay trong cổ họng.

Tình trạng phát ban ở tay và chân, đôi khi có ở mông, thường xảy ra trong vòng 1–2 ngày tiếp theo. Các vết này có thể trông như những đốm đỏ nhỏ, hơi sưng lên hoặc giống như mụn nước.

Vết loét trong miệng khiến việc ăn và nuốt gặp khó khăn, đau đớn, dẫn đến biếng ăn. Vùng da phát ban ban đầu có những mảng đỏ hoặc đóng vảy sau phát triển thành các mụn nước không gây ngứa, thường tồn tại trong khoảng 7 ngày.


LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh