THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:47

Các bệnh đường hô hấp có biến chứng rất nguy hiểm

Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra dấu hiệu bạn cần đi khám ngay! Bệnh lý về đường hô hấp là các bệnh rất phổ biến, thường do vi khuẩn, virus, dị ứng với thời tiết, với các loại dị nguyên khác nhau (kháng nguyên) có trong không khí, trong bụi, dị ứng hoặc tác động của hóa chất, khói thuốc lá (hoặc hút hoặc hít phải khói thuốc lá)... 

Các bệnh đường hô hấp thường bùng phát vào thời điểm giao mùa, khi có điều kiện nhiệt độ, độ ẩm thuận lợi.

Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ Lê Thu Trang, bác sĩ điều trị Trung tâm hô hấp, bệnh viện Bạch Mai về nhưng căn bệnh đường hô hấp thường gặp và biến chứng của chúng:

80% các bệnh lý hô hấp rất thường gặp

Các bệnh hô hấp thường gặp bao gồm: Viêm phế quản cấp, viêm phổi do các loại vi khuẩn, virus; hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, lao phổi. Các bệnh này chiếm khoảng 80% số các bệnh lý hô hấp. Bên cạnh đó, còn nhiều bệnh hô hấp khác, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ lệ ít hơn, như: Giãn phế quản, viêm phổi kẽ, bụi phổi, các biểu hiện phổi trong các bệnh hệ thống, nội tiết, cơ xương khớp, thận…

Viêm phế quản cấp là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam, hầu như bất cứ người nào cũng đều đã một hoặc nhiều lần bị viêm phế quản cấp, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc người già, những người có bệnh mũi, xoang hoặc khuyết tật về phổi...

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng cũng là một trong những nhiễm trùng hô hấp rất thường gặp, hàng năm tại Hoa Kỳ có từ 2-3 triệu bệnh nhân mắc viêm phổi nhập viện điều trị, tại Khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 12% các bệnh nhân nhập viện điều trị vì viêm phổi. Hầu hết các bệnh nhân viêm phổi được chữa khỏi hoàn toàn, một số bệnh nhân có thể tiến triển thành áp xe phổi, hoặc tràn mủ màng phổi, một số ít bệnh nhân có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong.

Viêm phổi do virus: Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như SARS- CoV2, virus cúm A H5N1… Viêm phổi do virus có thể lây lan nhanh thành dịch lớn như viêm phổi do virus SARS- CoV2, virus cúm A H1N1, Adeno virus…

Các bệnh đường hô hấp có biến chứng rất nguy hiểm: Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra dấu hiệu bạn cần đi khám ngay! - Ảnh 1.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, do vậy, bệnh hô hấp ngày càng phổ biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (1990) bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 5 với 2,2 triệu người chết. Tính đến năm 1997 có khoảng 300 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và là nguyên nhân tử vong xếp hàng thứ 4.

Ở nước ta, theo các nghiên cứu về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gần đây cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh thay đổi theo từng vùng, nhìn chung vào khoảng 2 - 5,7%. Bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường tử vong trong đợt cấp, nguyên nhân đợt cấp có thể do suy hô hấp, nhiễm khuẩn hô hấp, tràn khí màng phổi, tắc mạch phổi ....Những thống kê về tỷ lệ bệnh nhân điều trị tại bệnh viện cho thấy, cứ 4 bệnh nhân nhập viện tại các khoa bệnh phổi thì có 1 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Hen phế quản là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lứa tuổi trên toàn thế giới. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày khi tình trạng bệnh không được kiểm soát. Bệnh nhân có thể xuất hiện cơn bùng phát nặng có thể gây tử vong ở bất cứ thời điểm nào khi tiếp xúc với dị nguyên, ngay cả khi bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát.

Thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc hen phế quản, và khoảng 250.000 trường hợp tử vong vì hen phế quản mỗi năm. Tỷ lệ mắc hen phế quản ước tính khoảng 6-8% ở người lớn và khoảng 10-12% ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc hen phế quản dao động từ 1,1% ở Đà Lạt cho tới cao nhất là 5,5% ở cư dân một số khu vực Hà Nội.

Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới. Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (tỷ lệ 5 nam/ 1 nữ), bên cạnh đó, hầu hết các bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật (60-80%), do vậy, thời gian từ khi được phát hiện đến khi tử vong ngắn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ dưới 15%.

Lao phổi hiện nay có tần xuất cao ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Lao có thể gây các tổn thương đa dạng ở đường hô hấp từ lao thanh quản xuống khí phế quản, nhu mô phổi, màng phổi. Nguy cơ các vi khuẩn lao kháng thuốc và lao đa kháng thuốc ngày một nhiều. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Các bệnh đường hô hấp có biến chứng rất nguy hiểm: Bác sĩ chuyên khoa chỉ ra dấu hiệu bạn cần đi khám ngay! - Ảnh 2.

Các bệnh lý hô hấp có biến chứng nguy hiểm cần thận trọng

Theo bác sĩ Lê Thu Trang, các bệnh lý hô hấp có biến chứng nguy hiểm là những bệnh phổ biến, rất dễ gặp. Nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe:

Viêm phổi: suy hô hấp cấp, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, áp xe phổi, tràn mủ- tràn khí màng phổi, tràn mủ và áp xe trung thất, viêm màng não, viêm nội tâm mạc....

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Suy hô hấp cấp tính, suy hô hấp mạn tính, tràn khí màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, đa hồng cầu....

Hen phế quản: Suy hô hấp cấp tính, tràn khí màng phổi, nhiễm khuẩn hô hấp, xẹp phổi, biến dạng lồng ngực, chậm phát triển thể chất ở trẻ em, các biến chứng do điều trị không đúng cách: suy thượng thận do corticoid, loãng xương, viêm loét dạ dày....

Ung thư phổi: Ho máu, di căn xương, di căn não, tràn dịch, tràn máu màng phổi, huyết khối động mạch phổi, suy kiệt...

Lao phổi: Ho ra máu, tràn dịch tràn khí màng phổi, giãn phế quản, xơ phổi, suy hô hấp cấp tính hoặc mạn tính, nấm phổi, suy kiệt, lao các cơ quan khác: lao não- màng não, lao xương, tràn dịch màng ngoài tim, dầy dính màng tim...

Khi nào cần đi khám ngay?

Các bệnh lý hô hấp thường gặp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi... thường bùng phát trong thời điểm giao mùa. Nhưng rất nhiều người còn chủ quan trước các triệu chứng. Bác sĩ Trang chỉ ra các dấu hiệu bệnh hô hấp nặng bệnh nhân cần đi khám bác sĩ ngay, không nên tự điều trị tại nhà để tránh những hậu quả khó lường:

- Khó thở; tím tái, tím môi, tím đầu ngón tay, chân

- Cảm thấy không thể ngừng ho; ho kéo dài

- Sốt rất cao.

- Đau ngực

- Ho ra máu

- Trẻ em hoặc trẻ nhỏ thở hổn hển, thở không đều hoặc không thể thở.

- Rối loạn tri giác (rối loạn ý thức, lơ mơ...)

- Sốt kéo dài, gầy sút cân, suy kiệt

Bác sĩ Lê Thu Trang, Bác sĩ điều trị Trung tâm hô hấp, bệnh viện Bạch Mai

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh