THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:48

Lại “nóng” chuyện lao động chui

Đối tượng Nguyễn Viết Hào bị công an bắt giữ, vì tổ chức đưa 47 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

 

Những con số báo động…

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, những năm trước, số người qua Trung Quốc “làm chui” chủ yếu tập trung ở các huyện ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa... Nhưng hiện nay, tại 27 huyện, thị, thành phố ở Thanh Hóa đều có người sang Trung Quốc lao động trái phép. Đặc biệt, chưa bao giờ tình trạng lao động “chui” lại “nóng” như những năm gần đây.

Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn có khoảng hơn 10.000 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm. Trong đó đã có hàng trăm trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, phạt tiền và trục xuất về nước; 9 trường hợp bị bắt và đưa ra xét xử, nhiều trường hợp phụ nữ sang lao động bị mất tích và không ít trường hợp tử vong.

Tính riêng thời điểm sau Tết Bính Thân 2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử 1 đối tượng, xử phạt 6 năm tù về tội tổ chức đưa 16 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm việc. Công an Thanh Hóa đã bắt giữ 2 vụ, 2 đối tượng ở các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc về việc tổ chức đưa 59 người đi lao động trái phép tại Trung Quốc.

Hy vọng đổi đời từ miệng lưỡi của “cò”

Hầu hết số lao động “chui” sang Trung Quốc làm ăn đều có điều kiện gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết, không có việc làm hoặc nghề nghiệp không ổn định. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông nhàn, thêm vào đó, số lao động này lại được một số đối tượng môi giới, hoặc lao động “chui” từ Trung Quốc về quê ăn Tết rủ rê, lôi kéo. Để sang được Trung Quốc, mỗi người dân phải đóng một khoản tiền cho các “cò lao động”. Sau khi nhận tiền, người môi giới sẽ dẫn “con mồi” sang Trung Quốc bằng đường bộ, sau đó đưa vào các vùng sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, may mặc… để làm việc. Với mức lương hấp dẫn mà “cò” hứa hẹn, nhiều người bất chấp nguy hiểm, rủi ro, ra đi tìm miền đất hứa. Thời gian trong năm, đa phần các lao động “chui” làm việc tại Trung Quốc rất ít khi về, chỉ vào dịp cuối năm họ mới trở về quê ăn Tết. Khi về, nhiều lao động còn mang theo các tệ nạn xã hội, thói côn đồ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh, trật tự địa phương.

Đối tượng Lê Đức Đồng bị tòa án tỉnh Thanh Hóa xử phạt 6 năm tù vì tổ chức đưa người vượt biên trái phép.

Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương được biết đến là một trong những địa phương có nhiều lao động “chui”. Năm 2015, toàn xã có hơn 500 người vượt biên trái phép. Trên địa bàn xã có 5 người chết tại Trung Quốc do tai nạn lao động và đánh nhau. Để mang được thi thể nạn nhân về nước, có gia đình phải vay ngân hàng và làng xóm cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp gặp rủi ro khi người dân trốn sang Trung Quốc tìm việc làm, như: Phải làm những công việc nặng nhọc, độc hại, không được chủ sử dụng lao động trả lương hoặc bị cảnh sát bắt nhốt. Ông Vũ Xuân Quế, Trưởng thôn Hòa, xã Quảng Nham cho biết: “Năm nay, mới mùng 8 Tết mà trong thôn đã có 15 hộ gia đình đóng cửa cùng vượt biên trái phép sang Trung Quốc, chưa kể hàng chục thanh niên đi riêng lẻ, trong đó có cả những đối tượng nghiện ma túy....”.

ông Hoàng Quốc Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hậu Lộc ghi nhận, năm 2015, huyện có tới 1.046 người qua Trung Quốc lao động trái phép. Dịp Tết Bính Thân 2016 có  981 người về quê ăn Tết, số còn lại không về quê, chủ yếu là thanh niên. Những lao động này tập trung chủ yếu ở các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc... Hậu quả đau lòng để lại từ những chuyến lao động “chui” tại Trung Quốc là có 1 trường hợp tử vong, 8 người bị công an nước sở tại bắt, bị phạt tiền và trục xuất về nước...

Nên ra nước ngoài lao động theo con đường hợp pháp

Theo lực lượng chức năng địa phương, việc công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất và thực hiện các chính sách tại địa phương, mà quan trọng hơn, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng Việc làm, An toàn vệ sinh lao động (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) cho biết: Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cấp chính quyền ở các địa phương đẩy mạnh việc tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình có con em, người thân đang lao động ở nước ngoài hết hạn về nước, trong đó có lao động “chui” ở Trung Quốc. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền với những lao động đang làm bên Trung Quốc vẫn hết sức khó khăn. Với những địa phương có nhiều người đi lao động bất hợp pháp, Sở đã giới thiệu các đơn vị tuyển dụng có uy tín về tuyển dụng theo các đơn hàng đã ký để đảm bảo những quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Hiện nay, Nhà nước có rất nhiều chính sách cho vay ưu đãi đối với các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, con em người có công với cách mạng... như chính sách cho vay bằng mức tối đa hợp đồng đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ cho người đi lao động xuất khẩu... theo con đường chính thống.

Lao động tham gia nghề cá tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc.

ông Hoàng Quốc Hà chia sẻ, dù năm nào huyện cũng có thông báo vận động, nghiêm cấm người dân không được xuất cảnh đi lao động trái phép, tuy nhiên tình trạng trên vẫn tái diễn, nguyên nhân bởi một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, công ăn việc làm ổn định, ruộng đồng không có, trong khi lời hứa từ “cò” là làm thuê bên Trung Quốc có thu nhập cao. “Đây là bài toán rất nan giải, đòi hỏi địa phương phải có biện pháp hỗ trợ người lao động tạo việc làm. Huyện đang cố gắng nhiều hơn nữa để tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đồng thời có biện pháp xử lý những đối tượng “cò”, “môi giới” lao động trái phép” - ông Hà nhấn mạnh.    

Ngày 19/2, Công an huyện Quảng Xương và Phòng An ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã tiến hàng bắt giữ Nguyễn Văn Chiến (SN 1990), trú tại xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, đang tổ chức đưa 12 người (chủ yếu là người địa phương) ra Quảng Ninh để vượt biên qua Trung Quốc.

Ngày 24/2, Công an huyện Hậu Lộc phát hiện, tạm giữ 3 xe ô tô BKS14B – 006.32, 36B – 013.42, 36B – 013.87, đang chở theo 47 công dân do Nguyễn Viết Hào (SN 1971), trú tại xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc lôi kéo qua Trung Quốc làm thuê. Hiện tại, 47 lao động trên đã được trả về địa phương, 2 người môi giới đang bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra, mở rộng đường dây đưa người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

ANH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh