Lại chuyện "mất bò mới lo làm chuồng"
- Huyệt vị
- 02:24 - 28/04/2021
Nếu phía Mỹ cấp chứng nhận đăng ký cho những doanh nghiệp này, thì trước tiên doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất thiệt, khi muốn xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ buộc phải xin phép và trả tiền sử dụng thương hiệu.
Gạo ST25 là sản phẩm do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu, phát triển, từng đoạt giải Nhất năm 2018 tại Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, năm 2019 tiếp tục đoạt giải Nhì. Đó thực sự là cơ hội để Việt Nam xây dựng thương hiệu gạo quốc gia - điểm sáng đầy giá trị đối với một quốc gia luôn nằm trong top dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo.
Trên thực tế, gạo ST25 thuộc về một doanh nghiệp Việt Nam - điều đó không phải bàn cãi. Nhưng với thương mại quốc tế thì có những "luật chơi" khác, trong đó quyền sở hữu trí tuệ đối với một sản phẩm nào đó không chỉ căn cứ vào những "bằng chứng thực tế", mà nhiều khi lại phụ thuộc vào những thủ tục tưởng như vô hại nhưng lại mang tính chất quyết định.
Trước đây, một số thương hiệu Việt đã bị doanh nghiệp nước ngoài "lấy", sau đó một số doanh nghiệp Việt đã rất vất vả mới có thể "đòi" lại được. Đơn cử như thương hiệu "kẹo dừa Bến Tre" đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bản quyền tại nước này. Nếu không có sự quyết liệt của một doanh nghiệp Việt Nam trong việc đấu tranh đòi lại bản quyền thì sản phẩm này đã được cấp chứng nhận độc quyền tại Trung Quốc. Tương tự là nhãn hiệu Đức Thành vốn của Vinamit, bị đối tác đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc từ năm 2007. Phải mất 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa, Vinamit mới được thừa nhận là chủ sở hữu thương hiệu Đức Thành. Ngoài khoản chi phí vài trăm ngàn USD thuê luật sư, doanh nghiệp còn phải tốn rất nhiều chi phí khác. Thêm vào đó, mất thương hiệu nghĩa là mất thị trường, sau khi thắng kiện lại phải xây dựng lại thị trường… "Thiệt hại doanh nghiệp phải gánh chịu trong quá trình bị đánh cắp, đòi và xây dựng lại thương hiệu là cực kỳ lớn so với chi phí đăng ký độc quyền bảo hộ" - theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit.
Trở lại với gạo ST25, ngay tại "sân chơi" trong nước, vấn đề bản quyền thương hiệu cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất ổn. Nổi cộm hơn cả là tình trạng gạo ST25 giả bán tràn lan trên thị trường, đến giờ cả nhà sáng chế lẫn cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý. Bản thân kỹ sư Hồ Quang Cua cũng thừa nhận, do không có khả năng kinh doanh xuất khẩu và cũng không am hiểu đầy đủ những luật lệ trong sân chơi quốc tế, nên gạo ST25 không có đăng ký bảo hộ sản phẩm ở Mỹ và các thị trường lớn khác. Vì thế, nguy cơ bị mất thương hiệu là có thật.
Thực tế hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài mà chỉ chú trọng đến tiếp thị, bán hàng. Nếu để mất thương hiệu vào tay doanh nghiệp nước ngoài thì doanh nghiệp Việt sẽ thất thế trong chiến lược mở rộng thị trường. Do đó, cần nhận thức rõ vấn đề, có hành động phù hợp trước khi quá muộn. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".