THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 12:35

Lạ lùng chuyện xây nhà trọ để… nuôi gà ở Nghệ An

Những dãy trọ cao tầng khang trang còn thơm mùi sơn nhưng vắng bóng khách trọ. Ảnh: T.G

Khốn khổ vì xây nhà trọ không có khách thuê

Suốt nhiều tháng qua, hàng trăm hộ dân xã Nghi Xá (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đứng ngồi không yên, khi nhìn vào cảnh tượng những dãy nhà trọ san sát nhau vốn nhộn nhịp nay bỗng vắng tanh, yên ắng lạ thường. Các dãy nhà trọ tập trung chủ yếu tại các xóm 8,9 và 11 (xã Nghi Xá) quanh Công ty BSE (Khu công nghiệp Nam Cấm), theo quan sát của phóng viên, hầu như gia đình nào cũng kinh doanh dịch vụ phòng trọ. Những dày nhà trọ này hiện đang trống khoảng 50 - 70% số lượng phòng trọ, thậm chí nhiều dãy trọ còn không có người ở.

Đưa ánh mắt nhìn về phía dãy nhà trọ hai tầng đang bỏ hoang bên cạnh, ông Nguyễn Duy Thuận (SN 1960, trú xóm 11, xã Nghi Xá) lo lắng, năm 2012, khi thấy nhu cầu của công nhân thuê trọ rất lớn, nên ông cùng con rể của vay mướn tiền, đầu tư hơn 800 triệu đồng xây 29 phòng trọ phục vụ công nhân làm việc gần đó. Trong 2 năm đầu, các phòng trọ luôn kín người, nhưng bây giờ thì để trống quá nửa số phòng gần cả năm trời. Ông Thuận than thở: “Hiện tại với 29 phòng, nhà tôi chỉ có 7 phòng là có khách ở. Một phòng vừa mới báo sang tuần sẽ chuyển, cứ thế này không biết bao giờ mới thu hồi được vốn đã đầu tư”.

Ông Thuận kiểm tra và sửa chữa lại những cánh cửa phòng trọ bị hư hỏng do lâu ngày không có người ở.

Suốt mấy tháng qua, anh Nguyễn Duy Sâm (SN 1985, trú xóm 11) cũng đứng ngồi không yên vì hơn nửa số phòng trọ của mình phải bỏ hoang từ nhiều tháng qua. Bỏ ra hơn 300 triệu đồng để xây nhà trọ, cho đến nay vẫn chưa thu hồi được 1/3 số tiền vốn thì lại gặp cảnh trớ trêu như vậy. “Hiện cả 5 miệng ăn trong nhà chỉ còn biết trông chờ vào mấy đồng tiền phụ hồ của tôi. Còn hơn 200 triệu tiền mượn để xây dãy trọ thì không biết xoay đâu ra để trả trong tình trạng như thế này”, anh Sâm lo lắng.

Cũng theo anh Sâm, từ khi công nhân chuyển từ ở trọ sang đi xe đưa đón về nhà, không những các hộ cho thuê phòng trọ “hết cần câu cơm”, mà những hộ buôn bán các mặt hàng từ tạp hóa, quán ăn cho tới các người bán thực phẩm phục vụ công nhân đều rơi vào cảnh ế ẩm. Biết tình cảnh các công nhân thu nhập không cao, các hộ dân nơi đây đã giảm giá phòng từ 500.000 đồng/phòng xuống còn 400.000, 350.000đồng/phòng nhưng vẫn không khả quan hơn.

Ông Hoàng Duy Dương - Trưởng công an xã Nghi Xá, cho biết có khoảng 140 hộ kinh doanh trên 1045 phòng trọ. Giai đoạn cao điểm, có gần 1.500 công nhân ở trọ, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1/3 số phòng trọ có công nhân ở. Phần lớn các công nhân ở không xa nơi làm đều chuyển sang đi xe đưa đón công nhân về nhà, dẫn đến tình trạng số lượng phòng trọ trống nhiều. Người dân cho rằng, do xe chở công nhân về nên công nhân không ở lại, từ đó đã chặn đường, cấm xe đi vào KCN.

Xây nhà trọ để…chăn nuôi gia súc

Nhiều năm không có người ở, nhiều người ở khối Hiếu Hạp dùng phòng trọ để nuôi gà, chim.

Từng được xem là nghề “ngồi không hái ra tiền”. Thế nên, ngay từ khi Trường cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại Nghệ An được thành lập, hàng trăm hộ dân khối Hiếu Hạp (phường Nghi Thu, TX.Cửa Lò, Nghệ An) đua nhau đầu tư tiền của vào xây dựng các dãy nhà trọ cho sinh viên thuê.

Ông Võ Văn Lương (trú khối Hiếu Hạp) buồn bã cho biết, năm 2000, ông cùng 3 hộ dân khác trong khối này bắt đầu xây dựng nhà trọ để cho sinh viên ở. Do lượng sinh viên tìm đến thuê trọ rất lớn nên chỉ hai năm sau, các hộ dân trong khối hầu hết ai cũng đã có dãy trọ để cho sinh viên thuê. Các dãy nhà trọ san sát nhau nhưng không khi nào thiếu vắng người ở.

Theo ông Lương, trong khi những “dự án” kinh doanh phòng trọ này tiếp tục được mọc lên, năm 2010, Trường cao đẳng nghề Du lịch và Thương mại Nghệ an bắt đầu cho phép sinh viên vào ở ký túc xã thì số lượng phòng trọ bắt đầu dư thừa ngày một nhiều. Hầu hết các dãy trọ hiện chỉ còn chưa đến 40% số lượng phòng có người thuê. Tình trạng kéo dài trong nhiều năm qua, một số chủ nhà trọ đã quyết định phá bỏ để chuyển sang hình thức kinh doanh khác, một số lại dùng phòng trọ để làm nơi chăn nuôi gà…

“Một số hộ kinh doanh phòng trọ ở phía ngoài đường lớn họ mới phá bỏ để lấy mặt bằng làm việc khác, chứ những dãy trọ nằm sâu trong làng thì phá cũng chẳng làm chi cả. Mấy năm nay, dãy trọ 20 phòng của tôi lúc nào cũng dư hơn nửa nhưng chẳng biết phải làm sao”, ông Lương cho biết.

Bà Phùng Thị Lưu (SN 1949) cho biết, dãy trọ 16 phòng của bà ngày mới xây lúc nào cũng kín sinh viên ở. Thế nhưng mấy năm gần đây chỉ có vài ba sinh viên đến thuê vì không muốn ở trong ký túc xá ồn ào. Thỉnh thoảng mới có một số công nhân làm công trình đến thuê nhưng không lâu dài, chỉ 1, 2 tháng/kỳ nên chẳng ăn thua.

Ông Hoàng Khắc Phú, Khối trưởng khối Hiếu Hạp cho biết toàn khối có 240 hộ thì có tới 150 hộ có dãy nhà trọ cho thuê với hơn 650 phòng. Tuy nhiên do khách trọ ngày một giảm nên nhiều người đã phá bỏ để lấy mặt bằng làm việc khác.

Quanh xóm 11 (xã Nghi Xá), nơi có phần lớn các hộ có nhà cho thuê trọ và sống dựa vào nguồn thu nhập này thì hầu như nhà nào cũng chịu cảnh “buồn rười rượi” như nhà ông Thuận. Năm 2012, sau khi nhu cầu của công nhân đi thuê phòng trọ ở lớn, các hộ dân trong xã này bắt đầu đua nhau xây dựng nhà trọ để kinh doanh. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, các dãy nhà trọ bắt đầu thưa thớt người ở vì công nhân chuyển sang đi xe đưa đón về nhà ở khiến hàng trăm hộ dân nơi đây rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.

Liên quan đến vụ việc người dân xã Nghi Xá ra đường chặn xe đưa đón chở công nhân vào công ty làm việc vì cho rằng việc các xe đưa đón công nhân quá nhiều đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Mới đây, UBND huyện Nghi Lộc đã tổ chức cuộc họp để tìm giải pháp tháo gỡ và đề nghị Khu kinh tế Đông Nam cần đứng ra để giải quyết về lâu dài, ổn định tình hình. Nghiên cứu quy hoạch khu đậu xe, đưa đón công nhân, đồng thời tạo ra các dịch vụ để tạo công ăn việc làm kiếm thêm thu nhập cho người dân địa phương. Giao cho chính quyền xã Nghi Xá tuyên truyền vận động người dân không tái diễn tình trạng chặn xe đưa đón công nhân.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh