CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:32

Ký ức mùa sim

 

 

Quê tôi một tỉnh vùng cao bạt ngàn đồi núi, giữa lưng chừng các quả đồi mọc đầy sim là sim, tưởng chừng như sim có thể lấn chiếm sang bất cứ chỗ nào mà chúng muốn. Ở giữa bãi trống xói lở cỗi cằn sim cũng mọc, ở trong bụi rậm um tùm gai góc sim cũng bon chen và dưới tán cây cổ thụ sim cũng tìm về núp bóng. Sim là thứ quả mà bọn trẻ chúng tôi hồi đó rất thích.

Cái ngày con nít ấy, sau khi cùng lũ bạn cầm cờ lau chơi trận giả mệt lử trên đồi, cả bọn hùa nhau vào rừng sim. Sim nhiều đến nỗi chúng tôi ăn no nê rồi còn vặt những quả xấu xí không ăn được để ném nhau. Buổi tối về, tôi bị mẹ la mắng vì từ đầu đến chân, đâu đâu cũng được nhuộm một màu tím ngắt nhựa sim. Tuy mẹ mắng nhưng không đánh, quê tôi nghèo nên lũ trẻ cũng ít nơi vui chơi. Rừng sim làm cho tuổi thơ chúng tôi thêm một gam màu để nhớ.

Ngày ấy, cha tôi ốm nặng, những cơn mưa cuối hạ rả rích rơi suốt ngày, gạo trong nhà đã hết, tiền có bao nhiêu mẹ dồn mua thuốc cho cha. Thế là nắng hửng lên, mẹ tay xách làn, vai đeo nải gọi tôi cùng đi lên đồi. Sau những ngày mưa, rừng sim không ai đặt chân đến, tôi và mẹ leo đến nơi thì đứng sững sờ trước những trái sim tròn trịa, chín căng bóng bẩy và tím ngắt. Sau một hồi thu hái, mẹ đã gánh 2 làn sim đầy trên vai, còn tôi cũng khoác một nải đầy ắp. Sáng hôm sau, hai mẹ con mang sim ra chợ phiên bán. Mẹ đong sim bán cho khách bằng ống bơ. Mỗi ống bơ như thế có giá 2 ngàn đồng. Chợ chưa tan mà chỗ sim của mẹ con tôi đã hết veo. Khách mua phần đông là lũ trẻ ở thị trấn, hóa ra, quả sim không chỉ hấp dẫn lũ trẻ trong làng, mà ngay cả trẻ con phố thị đủ đầy về vật chất cũng thích. 2 mẹ con rời chợ về sớm, mẹ lại gồng gánh nào là gạo muối và những nhu yếu phẩm, còn tôi thì mải mê với cây kẹo mạch nha thật to mà mẹ vừa thưởng.

Lớn lên, gia đình tôi cũng bớt khó khăn. Bước chân vào cổng trường đại học, mỗi khi nghỉ hè lên, món quà mà chúng bạn tôi thích nhất là những bọc đầy sim chín mà tôi tự tay hái hoặc mua xuống. Màu sim tím luôn đi theo tôi như một bóng hình.

Cuộc rượu càng lúc càng hăng, anh bạn tôi và vài người khác cụng ly liên tục, tôi không dám uống nhiều, bởi thứ rượu sim kia khiến tôi hoài tưởng và tửu lượng tôi kém. Zô... lên zô xuống chán rồi, các ông bạn lại mở diễn đàn về rượu, những hiểu biết về rượu được đưa ra thảo luận với đủ loại trên đời.

 

Người Việt mình lạ thật, cái gì cũng có thể mang ngâm rượu và rượu ngâm nào cũng được quảng cáo là quý, hiếm. Có thể những thứ khác quý thật, nhưng riêng sim thì hầu như ở miền đồi núi nào cũng có. Vị sim ngâm rượu mà anh bạn đồng nghiệp mời tôi chỉ là gây cảm giác lạ, chứ không quý hiếm. Ngày còn nhỏ thì tôi ăn đầy bụng sim, ăn ngon lành như một thứ quả trời ban mà mỗi khi tiết sang thu lũ trẻ “quê mùa” mới được thưởng thức. Giờ đây, nơi thành phố đủ đầy mọi thứ, khi người ta đã chán ngán những loại rượu hảo hạng, thì những thứ “quê” mùa mới bắt đầu được chú ý đến và từ từ từng bước lên ngôi. Thay vì những từ miệt thị như: “nhà quê” thì giờ những thứ có gắn “mác quê” đều được đón nhận, bởi cái từ quê kia không những gợi lên cảm giác thanh bình mộc mạc, mà nó còn rất “sạch”. Người ta đã biết sợ những thứ thực phẩm gắn “mác thành phố” với những phát hiện mỗi khi được báo chí nêu lên đều khiến tất cả rùng mình hoang mang. Nào là chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, những thứ có thể làm cho con người chết dần chết mòn mà không hay biết. Và như thế, người ta vội vàng quay lại với “hàng quê”.

 



Cuộc rượu nhà anh bạn kết thúc, chai rượu sim cũng chỉ còn chút gọi là, tôi không say, nhưng vị sim ngâm rượu kia đã ngấm đều trong máu. Màu sim tím của tuổi thơ ùa về làm đánh thức lòng kẻ xa xứ, chợt những câu thơ của nhà thơ Hữu Loan vọng lên trong đầu: “Chiều hành quân qua những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt”. Nỗi buồn của “Màu tím hoa sim” đã trở thành bất tử trong thi ca Việt Nam, nhưng nỗi buồn của những kẻ tha hương, nhớ về màu tím lịm của tuổi thơ kia sao cũng buồn nhiều như thế? Chỉ những kẻ tha hương, mới hiểu hết nỗi niềm.

THÁI NGỌC / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh