THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:41

“Ký ức bầu trời”- Câu chuyện của hòa bình và ước mơ

"Ký ức bầu trời" không chỉ thủ thỉ cùng bạn trong những lời tâm sự về kỷ niệm về bầu trời, về những chuyến bay mang theo bao ước mơ, khát khao được gửi gắm, để từ đó biết yêu hơn bầu trời quê hương. Đặc biệt trong 2 năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã ngăn cản biết bao những chuyến bay, chia cắt nhiều số phận… chả khác nào thời chiến tranh… Chúng ta càng thêm hiểu giá trị của "ta đứng bên trời tự do"

Trung tướng Phạm Tuân chia sẻ về việc nhiều người cứ "viết kịch bản" cho ông khi muốn ông phải có ước mơ bay lên bầu trời từ ngày bé, nhưng ở miền quê nghèo thì làm gì dám "mơ".

 “Ký ức bầu trời”- Câu chuyện của hòa bình và ước mơ - Ảnh 1.

Là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, trung tướng Phạm Tuân đã kể về khát vọng bay của ông, từ khi còn là một thợ máy đã vượt qua rất nhiều người để sang Liên Xô học và nuôi dưỡng khát vọng trở thành phi công. Ông tập luyện 18 tháng để bay vào vũ trụ, mang theo 4 thứ sau này đặt trong những bảo tàng khác nhau: Di chúc Bác Hồ, Tuyên ngôn độc lập, Cờ Tổ quốc và ảnh Tổng bí thư Lê Duẩn, tất cả đều nhỏ xíu bằng bàn tay. Ông cảm thấy thật hạnh phúc khi được ngắm nhìn trái đất, quê hương, đất nước và vẻ đẹp của bầu trời hoà bình, và đặc biệt thấy tự hào khi là người Việt Nam cắm được cờ, đóng được con dấu trên trạm vũ trụ.

Trung tướng Phạm Tuân đã khiến không khí của trường quay chương trình "Ký ức bầu trời" sôi động bởi sự hài hước của ông. Có 3 chi tiết khiến khán giả nhớ về câu chuyện của ông: "Cái máy bay đầu tiên tôi ngồi lên bay còn chậm hơn ô tô"; "Phi công thì sức khoẻ cơ bắp không quan trọng lắm. Cơ bản nhất là sức chịu đựng và khả năng định vị"; "Tôi là người nói kém nhất trong đội ngũ phi công"

Nhà văn, nhà báo Hữu Việt chia sẻ về tiểu thuyết Vùng trời của nhà văn Hữu Mai và nguyên mẫu của những người lái máy bay chiến đấu. Nhiều nguyên mẫu trong tiểu thuyết Vùng trời. anh Việt được gặp ngoài đời, họ đều có những chiếc hộp sắt đựng quân tư trang và những bức thư, những thứ này đã được giao cho cha anh để viết nên cuốn tiểu thuyết.

 “Ký ức bầu trời”- Câu chuyện của hòa bình và ước mơ - Ảnh 2.

Đồng thời anh cũng chia sẻ ký ức của mình về bầu trời Hà Nội tuổi thơ của mình. "Năm lên 9 tuổi, đi sơ tán ở xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, (tỉnh Hà Tây cũ). Bầu trời ấy những ngày đầy nắng, chúng tôi chạy trên đồng nhặt những sợi thiếc màu trắng về chơi, sau mới biết đó là nhiễu máy bay Mỹ thả để che mắt hệ thống phòng không của ta, khi bay vào ném bom Hà Nội. Biết tin Mỹ ngừng ném bom Hà Nội, từ Phụng Thượng, cậu bé 9 tuổi đi nhờ xe buýt về Hà Nội. Xuống bên xe Kim Mã, tôi đi qua phố Khâm Thiên về khu tập thể Nam Đồng (Quân khu Nam Đồng)".

Vị khách mời đặc biệt của chương trình "Ký ức bầu trời" đến từ TP Hồ Chí Minh, kết nối với chương trình qua Skype - một giải pháp của những người làm chương trình Quán thanh xuân mùa COVID-19. Đó là nhà giáo dục, ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh. Câu chuyện bầu trời của bà có nhiều chi tiết thú vị, độc đáo. Đó là ký ức về những chuyến bay ngoại giao nhiều kỷ niệm và mang những nhiệm vụ ngoại giao của đất nước. Bà sẽ chia sẻ về chuyến bay đi Liên Xô với rất nhiều hành khách đặc biệt, nhất là có những chị đi xuất khẩu lao động với trang phục mỏng giữa trời thu lạnh, đó là những ký ức về chuyến bay mà bà nhớ nhất trong cuộc đời nhiều màu sắc của mình. Đặc biệt, đó là câu chuyện về giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh, khẳng định độc lập, chủ quyền, làm chủ vùng trời của Tổ quốc (1994).

Đại diện đoàn bay 919, ông Phạm Huy Vận đã chia sẻ câu chuyện về những chuyến bay dân dụng đầu tiên của Việt Nam. Với việc thành lập Đoàn bay dân dụng 919, những chuyến bay dân dụng đầu tiên, tất cả nhân sự đều được chuyển từ đội lái máy bay chiến đấu sang. Không có tiếp viên chuyên nghiệp mà là mấy cô bộ đội, trang phục cũng là quân phục chở khách rồi đến quần xanh áo trắng, cũng chỉ có 2 tiếp viên chứ không phải 8 như bây giờ, hành khách đầu tiên là những người làm nhiệm vụ cho Chính phủ chứ không bán vé.

Qua lời kể của ông Phạm Huy Vận, khán giả của Quán thanh xuân biết thêm những câu chuyện như: Nước Nga đã giúp chúng ta có những chiếc máy bay đầu tiên; dịch vụ trên máy bay đơn giản: đồ ăn đựng trong thùng tôn tự gò, thức ăn chỉ có bánh gói trong nilon và quít, nước chè thì đựng trong can, khách còn tưởng nước mắm. Rồi cả chi tiết thiếu tiếp viên, cơ trưởng phải tự ra phục vụ, khách hàng sợ quá đuổi lên và tự phục vụ.

NSND Lê Khanh chia sẻ ước mơ "được bay" từ khi còn là một cô bé. Với nghề nghiệp của mình, những chuyến bay là một phần đời không thể thiếu với chị. Chúng ta hãy bật tivi và nghe câu chuyện được kể rất hóm hỉnh và "đưa đẩy" từ nghệ sĩ tài năng vào bậc nhất của sân khấu Việt Nam này.

Tiếp viên trưởng Phạm Minh Hiền với ký ức về những chuyến bay năm 1993, hàng không phục vụ rất nhiều suất ăn khiến các cô tiếp viên suýt thì không kịp thu lại trước khi hạ cánh, khiến các cô "nước mắt ngắn nước mắt dài".

MC Anh Tuấn lần đầu tiết lộ về "ước mơ" làm phi công của mình, nhân thử thách của Trung tướng Phạm Tuân, và chia sẻ về lần đi máy bay nhớ đời khi phải dùng cả mặt nạ dưỡng khí.

Ngày nay, chúng ta có 4 hãng hàng không nội địa, với cả những hãng hàng không giá rẻ. Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều, nhiều câu chuyện được kể lại nghe cứ như "cổ tích".  Hàng không dân dụng ngày càng phát triển và ngay cả một người dân bình thường cũng có thể chạm tới ước mơ được… bay lên trời. Ôn lại quá khứ, để thấy yêu hơn hiện tại và cùng cầu chúc cho dịch bệnh COVID-19 sớm lui để những chuyến bay lại rộn ràng, như nhịp cầu nối những bờ vui.

Minh Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh