THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:33

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia: Cần có tính ổn định

 

Thay đổi có lợi hơn cho thí sinh

Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT dự kiến phương án tổ chức thi năm 2018 về cơ bản vẫn như năm 2017, sẽ có 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn bài thi độc lập, hoặc bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT đề nghị hiệu trưởng các trường cho ý kiến về việc tổ chức bài thi tổ hợp, chọn một trong hai phương án.

 

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Cụ thể: Phương án 1: Giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (giống như năm 2017). Phương án 2: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi (không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017). Nếu theo phương án 2, các trường có thể chọn 2 hoặc 3 bài thi trong số các bài thi của kỳ thi THPT để xét tuyển (trong đó bắt buộc phải có một bài thi Ngữ văn hoặc Toán); hoặc một bài thi Ngữ văn hoặc Toán và 1 hoặc 2 đầu điểm thi năng khiếu, điểm đánh giá năng lực do trường tổ chức, hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.

Theo Bộ GD&ĐT việc tổ chức thi theo phương án 2 gồm mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần, sẽ giúp cho việc chấm thi dễ dàng hơn, không bị rời rạc như việc chấm bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần và có thể phát triển các bài thi tổ hợp thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh. Học sinh làm bài thi sẽ liền mạch hơn, không bị rời rạc, ngắt quãng, mất nhiều thời gian hơn khi phải làm từng môn thi trong bài thi tổ hợp và ngắt quãng như kỳ thi năm 2017.

 Nên giữ như phương án thi năm 2017

Sau khi dự thảo về phương án thi THPT Quốc gia 2018 đưa ra, có rất nhiều phản hồi trái chiều của những người trong ngành và dư luận xã hội.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) và NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng Đại học Tây Bắc đều đồng ý với phương án thứ 2 (tổ chức bài thi tổ hợp KHTN, KHXH thành một bài thi tích hợp, chấm thành một đầu điểm). PGS. TS Bùi Đức Triệu nhận định, phương án 2 sẽ thuận tiện, nhẹ nhàng và hiệu quả hơn đối với thí sinh; góp phần khắc phục được tình trạng học tủ, học lệch để tiến tới đề thi tích hợp một cách khoa học, chính xác hơn. Các trường ĐH cũng thuận tiện hơn khi chọn lựa thí sinh vào trường.

Không đồng ý với phương án 2, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho rằng, nên giữ như phương án thi năm 2017. “Nếu có thay đổi thì phải thay đổi theo hệ thống, chứ bây giờ mình thay đổi, các thầy, các cô, rồi các em phải làm quen với phương thức thi mới rất phức tạp. Trong khi năm nay mình chưa rút kinh nghiệm xong, phải để những kinh nghiệm đó đi vào cuộc sống đã, rồi khoảng 2 năm nữa, khi nào có đủ kinh nghiệm mới thay đổi", ông Hoàng Xuân Hiệp nêu ý kiến.

Cho rằng mỗi phương án đều có ưu điểm riêng, ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng phân tích: Nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ giúp thí sinh lớp 12 ổn định tâm lý, yên tâm học và ôn tập cho kỳ thi. Phương án 2, mang tính khá hiện đại tiếp cận theo những thông lệ tốt. Tuy nhiên, theo ông Khánh, mỗi khi chuẩn bị một phương án mới thì cũng phải cân đối giữa các bên liên quan. “Ở đây, đặc biệt là người học theo tôi nghĩ chúng ta cũng cần công bố, ví dụ như công bố sẽ thực hiện từ năm 2020 chẳng hạn để các em có thời gian chuẩn bị từ bây giờ thì lúc đó phù hợp hơn. Còn trước mắt, quan điểm của tôi là giữ ổn định phương án của 2017 và sửa một chút kỹ thuật" ông Khánh nêu quan điểm.

 Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Trần Văn Tớp cũng cho rằng, nếu áp dụng ngay phương án 2 thì hơi gấp đối với học sinh lớp 12. Nên công bố để các em có thời gian chuẩn bị. Ví dụ như năm nay công bố thì năm 2019 mới thực hiện. Đối với những em đang học lớp 12 rồi thì vẫn theo phương án năm 2017. Nhưng các em bây giờ mới vào 11 thì đến 2019 thì sẽ áp dụng phương án này.

Nhiều giáo viên THPT bày tỏ sự lo ngại: “Nếu năm nào Bộ GD&ĐT cũng cứ thay đổi như vậy sẽ rất khổ cho giáo viên và học sinh. Bởi vì năm cuối cấp, các em cần được yên tâm học tập làm sao để có kết quả cao trong kỳ thi THPT và xét tuyển ĐH. Đằng này lại thấp thỏm về những thay đổi phương án thi của Bộ GD&ĐT, gây tâm lý hoang mang, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập và thi cử...”. 

 

 

“Trong thi cử cần ổn định. Nên giữ như năm 2017 để làm cho tốt còn đổi mới  tính sau. Đổi mới nhiều quá phụ huynh, học sinh sẽ hoang mang”, Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

HOA HẠ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh