Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Nhiều thông tin quan trọng thí sinh cần lưu ý
- Giáo dục nghề nghiệp
- 14:30 - 29/03/2023
Những vật dụng được mang vào phòng thi
Theo qui chế thi tốt nghiệp THPT 2023 công bố ngày 28/3, Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số quy định để hạn chế gian lận trong thi cử.
Theo đó, các vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi tốt nghiệp gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn Địa lý. Như vậy, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu, điều mà Bộ GD&ĐT cho phép những năm trước.
Thay đổi này phù hợp với đề xuất của nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT năm ngoái, lo ngại người coi thi không đủ chuyên môn kiểm tra từng thiết bị thí sinh mang vào. So với dự thảo cách đây một tháng, Bộ GD&ĐT bỏ yêu cầu thí sinh không được rời khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài tự luận. Ngoài ra, năm nay thí sinh được đăng ký dự thi trực tuyến, ngoài việc đăng ký trực tiếp tại trường như hiện nay.
Bổ sung thí sinh thuộc diện ưu tiên
Về điểm ưu tiên, bổ sung thí sinh thuộc diện ưu tiên 0,25 và 0,5 điểm so với qui chế cũ. Cụ thể, đối với thí sinh thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên, đó là: Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT.
Đối với thí sinh thuộc diện cộng 0,25 điểm ưu tiên, đó là: Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 03 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ - TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương.
Tăng cường giám sát, phòng tránh kẽ hở lọt đề
Để tránh tiêu cực trong ra đề thi như đã từng xảy ra dẫn tới việc khởi tố một số cá nhân tham gia công tác làm đề thi, Bộ GD&ĐT quy định từ kỳ thi năm 2023, người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành giáo dục hoặc các viện nghiên cứu, giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục.
Mỗi bài thi, môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi. Ủy viên, thư ký, người làm nhiệm vụ về tin học - kỹ thuật là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, trong đó, ủy viên thường trực là công chức thuộc Cục Quản lý chất lượng.
Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng Điểm thi, thư ký Điểm thi và công an), chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của những người ký nhãn niêm phong, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong.
Đối với việc chấm phúc khảo bài thi tự luận, theo quy định mới, mỗi bài thi tự luận do hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.
Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên. Kết quả chấm phúc khảo bài thi tự luận do Ban Thư ký Hội đồng thi xử lý.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra từ ngày 27 đến 30/6. Thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 27/6, làm bài từ ngày 28 đến 29/6 và 30/6 là ngày thi dự phòng. Thí sinh làm ba bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên). Nội dung thi chủ yếu là chương trình lớp 12.