THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:26

Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Đảm bảo thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, công bằng cho thí sinh

Thi THPT quốc gia nếu học sinh trở lại trường trước 15/6

Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Bí thư và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sang 15/7/2020 và dự kiến lịch THPT quốc gia lùi lại vào ngày 8 đến 11/8/2020.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Đảm đảm bảo thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, công bằng cho thí sinh - Ảnh 1.

Thi THPT quốc gia nếu học sinh trở lại trường trước 15/6.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nếu tình hình dịch như hiện nay ổn định và học sinh có thể đi học lại càng sớm càng tốt vào ngày 30/5 và chậm nhất là 15/6 thì Bộ GD&ĐT sẽ để các em dùng 4 tuần còn lại để kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm sau thời gian học trực tuyến tại nhà. Như vậy, các em vẫn hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, các học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia. Trong điều kiện dịch bệnh khiến thời điểm đi học lại chậm hơn 15/6/2020, Bộ GD&ĐT sẽ trình Quốc hội cân nhắc phương án thi THPT Quốc gia phù hợp hơn.

Cần có nhiều phương án đặt ra cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay không biết khi nào mới được khống chế hoàn toàn, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà nên đề xuất đưa việc xét tốt nghiệp về địa phương, đồng thời để các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Bộ GD&ĐT chỉ có nhiệm vụ đưa ra những chỉ dẫn kiến thức cơ bản và tối thiểu để các trường tự tổ chức kiểm tra, đánh giá. "Bản thân kỳ thi THPT quốc gia cũng đang tồn tại một số hạn chế. Ví dụ như đề thi phân hóa theo cấu trúc 70% kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp, 30% kiến thức phân hóa để xét tuyển ĐH. Nhưng vấn đề ở chỗ, các trường ĐH không cần 30% kiến thức phân hóa đó để tuyển sinh", GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

TS. Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có nhiều phương án đặt ra đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 dựa trên tình hình thực tế. Nhưng vào thời điểm này chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh lơ là trong học tập.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, ở một số nước bỏ kỳ thi THPT quốc gia và giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp, bởi họ có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt còn ở Việt Nam, bệnh thành tích nặng nếu để địa phương tự quyết định sợ không đảm bảo công bằng, dễ phát sinh tiêu cực. "Trong tình huống có thể, tôi cho rằng vẫn nên giữ kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, với trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, biện pháp cách ly xã hội còn chưa được dỡ bỏ nên thí sinh không thể đến điểm thi, thì mới nên thay thế thi bằng một phương án công nhận tốt nghiệp phù hợp", TS. Lê Viết Khuyến nói.

Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Đảm đảm bảo thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, công bằng cho thí sinh - Ảnh 3.

Học sinh lớp 12 mong muốn dịch bệnh sớm qua nhanh để kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra như mọi năm.

Theo các nhà giáo dục, không tổ chức thi THPT quốc gia là phương án dự phòng mà Bộ GD&ĐT cần tính tới trong bối cảnh hiện nay. Trong bất cứ kịch bản nào, ưu tiên quan trọng nhất Bộ GD&ĐT cần lưu ý là đảm bảo thuận lợi, an toàn, tiết kiệm, công bằng cho thí sinh. Học sinh cuối cấp năm nay chịu nhiều thiệt thòi khi việc học, ôn thi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường ĐH, CĐ chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn liệu có kịp "xoay xở" hay không?

Theo ghi nhận, nhiều em học sinh lớp 12 đều có chung mong muốn dịch bệnh sớm qua nhanh để kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra như mọi năm. Bởi theo các em, chỉ có trải qua kỳ thi mới có được sự công bằng, còn xét tốt nghiệp, các em lo ngại về sự chính xác, khách quan. Điều mà các em lo lắng nữa, nếu thực hiện việc xét tốt nghiệp THPT thì các trường ĐH sẽ có những phương thức tuyển sinh riêng, đồng nghĩa với việc đề thi sẽ khó hơn, không loại trừ nội dung đã tinh giản. Do vậy học sinh sẽ vất vả hơn trong việc ôn thi vì không có nhiều thời gian chuẩn bị, trong điều kiện phải nghỉ học nhiều ngày qua vì dịch bệnh.

Bên cạnh đó, nhiều em cũng mạnh dạn đưa ra phương án: Những học sinh không có nguyện vọng xét tuyển ĐH thì được tạo điều kiện có được tấm bằng cấp 3 bằng cách xét và công nhận tốt nghiệp. Còn với những học sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH thì vẫn tổ chức kỳ thi chung trên toàn quốc. Còn nếu dịch bệnh vẫn kéo dài, Bộ cũng nên giảm môn thi, học sinh chỉ cần thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày