Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Nhiều thí sinh không thi đại học, cao đẳng
- Giáo dục nghề nghiệp
- 12:40 - 22/05/2016
Thí sinh từ chối thi đại học
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 4/2016, toàn thành phố có 76.046 thí sinh (TS) tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó số TS chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không thi đại học (ĐH) là 16.390 em. Tại TP. Hồ Chí Minh có 55.615 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia. Trong đó, hơn 52.000 em đăng ký thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ; hơn 2.200 chỉ đăng ký xét tốt nghiệp và hơn 800 học sinh chỉ đăng ký để xét tuyển.
Không chỉ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà theo số liệu thống kê từ nhiều địa phương trên cả nước có tới gần 70% TS đăng ký dự thi chỉ ở các cụm địa phương, có nghĩa là các em không dự thi với mục đích xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết, lượng học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại 38 trường THPT và 11 trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh vào khoảng 8.100 TS. Trong đó, có đến trên 5.600 TS đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ gần 70%), tăng hơn 10% so với năm 2015.
Thống kê của Sở GD&ĐT Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh có trên 6.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016, trong đó có 3.199 TS chỉ đăng ký dự thi với mục đích xét tốt nghiệp. Tại tỉnh Vĩnh Phúc số TS chỉ đăng ký xét tốt nghiệp năm 2016 tăng cao so với các năm trước. Nếu năm 2015, tỷ lệ này chỉ là 55% thì năm nay theo khảo sát đã là 69,1%. Quảng Ninh có 14.444 TS đăng ký dự thi, trong đó cụm thi tốt nghiệp có 8.477 TS. Nhiều học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 cho biết, do năng lực học, hơn nữa, các em thấy nhiều sinh viên lấy được tấm bằng cử nhân xong không xin được việc, nhiều người đã phải quay sang học nghề để xin việc, nên quyết định không đăng ký thi ĐH.
Tại Nghệ An, trong số hơn 31.700 TS sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia có 12.110 em dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, hiện tượng nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm là nỗi lo của nhiều gia đình và trăn trở của những người làm quản lý giáo dục địa phương.
Chuyển biến tốt cho học sinh và thị trường lao động
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ, tỷ lệ học sinh thi ĐH giảm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi. PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất, Bộ G&ĐT cần cải thiện việc phân luồng học sinh. Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo đại học chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề. Còn GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ngày càng nhiều học sinh không chọn thi ĐH là khả quan. Bởi thực tế, nhiều năm gần đây, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều đua nhau vào ĐH, nhiều người còn gọi là “phổ cập đại học". Việc thay đổi nhận thức thi THPT quốc gia là chuyển biến tốt cho chính học sinh và thị trường lao động.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội cho rằng, vài năm trở lại đây, lao động có trình độ ĐH, CĐ ngày càng khó tìm được việc như mong muốn, thậm chí khó xin việc và lương thấp hơn học viên có nghề. Năm 2015, 23.192 người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội đăng ký tìm việc, 55% trong số đó là lao động có trình độ ĐH, CĐ.