THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:25

Kỳ thi năng lực tiếng Hàn lần thứ 11: Người lao động cần lưu ý những gì?

Trung tâm Lao động ngoài nước là đầu mối duy nhất, NLĐ không nên qua môi giới, trung gian

Trung tâm Lao động ngoài nước (địa chỉ: số 1,Trịnh Hoài Đức, Ba Đình, Hà Nội) là đơn vị đầu mối duy nhất được Bộ LĐ-TB&XH giao phối hợp với Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Hàn Quốc) tổ chức các kỳ thi tiếng Hàn và đưa NLĐ đi Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. NLĐ có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS có thể liên hệ với Trung tâm Lao động ngoài nước (số điện thoại: 04 37346751, website: www.colab.gov.vn), Cục Quản lý lao động ngoài nước (điện thoại: 04 38249517, website: www.dolab.gov.vn) hoặc Sở LĐ-TB&XH địa phương nơi cư trú để có thông tin một cách chính xác nhất, tránh trường hợp quá nôn nóng, cả tin “mắc bẫy” cò mồi, môi giới.

Người lao động trao đổi sau khi bước ra khỏi phòng kiểm tra năng lực tiếng Hàn năm 2010.

NLĐ cần biết, chỉ những người đã đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn và nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Trung tâm Lao động ngoài nước mới có thể được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc tuyển dụng. Các tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền sẽ không được tham gia vào các quá trình phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Bên cạnh đó, lệ phí đăng ký dự thi 24 USD (thu bằng số tiền Việt Nam tương đương) là khoản phí duy nhất mà thí sinh phải nộp khi đăng ký dự thi. Người lao động cần hiểu rõ những nội dung trên đây để tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia chương trình EPS.

Không tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp, giúp đỡ NLĐ trong việc thi tiếng HànCục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Đối với việc thi tiếng Hàn theo Chương trình EPS, HRD Hàn Quốc là cơ quan chịu trách nhiệm ra đề thi, quản lý đề thi, bài thi và chấm thi bằng máy tính. Lợi dụng tâm lý nôn nóng muốn đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS của người lao động nên có nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đào tạo tiếng Hàn và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc vẫn quảng cáo, mạo danh hoặc tự nhận có chức năng để thu tiền, hứa hẹn giúp đỡ người lao động thi đỗ trong kỳ thi tiếng Hàn, thậm chí cam kết lo được cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Để tránh bị môi giới lừa đảo, NLĐ cần lưu ý: Không một cá nhân, tổ chức nào có thể can thiệp, giúp đỡ hoặc hỗ trợ người lao động trong việc thi tiếng Hàn cũng như sang Hàn Quốc làm việc.

Chỉ tiêu hạn chế, NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi học tập và ôn luyện tiếng HànCục Quản lý lao động ngoài nước cũng khẳng định, trong năm 2016 sẽ tổ chức một kỳ thi tiếng Hàn cho ngành Sản xuất chế tạo vào ngày 8 và ngày 9/10/2016 với chỉ tiêu là 2.100 người, lấy theo nguyên tắc điểm từ cao xuống (từ năm 2011 trở về trước số lượng thi đỗ tiếng Hàn từ 12.000 - 15.000 người/năm). NLĐ cần cân nhắc khi quyết định học tập, ôn luyện tiếng Hàn để đăng ký tham dự bởi chỉ tiêu hạn chế, tính cạnh tranh rất cao, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.

Người lao động tham dự kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn năm 2010.    Ảnh: Châu Giang

Ông Song Kil Yong, Giám đốc Trung tâm EPS thuộc Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam cũng khuyến cáo, NLĐ cần chủ động học tập, ôn luyện tiếng Hàn, nên lựa chọn những cơ sở đào tạo tiếng Hàn có chức năng và uy tín, được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép đào tạo để học tập. “Tôi khuyên NLĐ đăng ký tham dự kỳ thi năng lực tiếng Hàn có thể tham khảo giáo trình học tiếng Hàn và bộ câu hỏi ngân hàng đề thi của HRD Hàn Quốc tại địa chỉ trang web:  http://eps.hrdkorea.or.kr/epstopik/book/std/standardBookListDetail.do do chúng tôi biên soạn. Đề thi sẽ được rút ra từ bộ câu hỏi này” - Ông Song Kil Yong chia sẻ.

Ông Song Kil Yong cũng lưu ý, khi đến đăng ký dự thi NLĐ phải khai rất chính xác thông tin cá nhân trong đơn đăng ký dự tuyển, vì không thể sửa được. Bởi sau này khi NLĐ thi đỗ, thông tin bị lệch không thể xử lý.

Điểm mới về đối tượng đủ điều kiện dự thi

Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, kỳ thi năng lực tiếng Hàn lần thứ 11 năm 2016 là kỳ thi dành cho NLĐ có nguyện vọng đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Theo đó, các đối tượng đăng ký dự thi phải đáp ứng được những điều kiện như những kỳ thi tiếng Hàn trước đây như:

• Độ tuổi từ 18 - 39 (có ngày sinh từ 17/8/1976 đến 16/8/1998);

• Có đủ sức khỏe đi làm việc tại nước ngoài theo quy định, trong đó lưu ý tới 4 bệnh truyền nhiễm, gồm: Viên gan B, Lao phổi, Giang mai và HIV.

• Không có tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật;

• Không thuộc diện bị cấm xuất cảnh Việt Nam hoặc bị cấm nhập cảnh Hàn Quốc;  Ngoài các điều kiện trên, lao động còn phải đáp ứng thêm các điều kiện như:

• Không phải là lao động có hộ khẩu thường trú tại 44 quận, huyện bị tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016 theo thông báo của Bộ LĐ-TB&XH (trừ trường hợp lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ 1/4 đến 30/9/2016);

• Không có người thân (bố/mẹ/con đẻ; anh/chị/em ruột; vợ/chồng) đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Người lao động xem số báo danh trong kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Hàn năm 2010.

Theo Thông báo của phía Hàn Quốc, chỉ những người lao động Việt Nam đã từng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2016 đến ngày 30/9/2016 mới được Bộ Tư pháp Hàn Quốc xem xét về việc cấp visa trong khuôn khổ Chương trình EPS và được Bộ Việc làm,    Lao động Hàn Quốc cho phép đăng ký  dự thi tiếng Hàn.

 NLĐ có người thân được xác định là (bố/mẹ/con đẻ; anh/chị/em ruột; vợ/chồng) cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc nếu đã về nước và không có hộ khẩu thường trú tại 44 quận, huyện bị tạm dừng tuyển chọn thì vẫn được tham gia chương trình EPS. Trong trường hợp người thân chưa về nước thì NLĐ không được tham gia chương trình EPS. Nếu cố tình đăng ký thi thì hồ sơ cũng sẽ không được phía Hàn Quốc giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn.

Nếu NLĐ chuyển khẩu từ nơi bị hạn chế dự thi đến địa phương không bị hạn chế dự thi tiếng Hàn (thời gian từ đủ 12 tháng trở lên) sẽ được đăng ký dự thi tiếng Hàn. Tuy nhiên, ngoài điều kiện về thời gian cư trú trên, NLĐ cần phải nộp các giấy tờ khác để hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trong quá trình kiểm tra hồ sơ, nếu không đủ căn cứ chứng minh về việc cư trú đúng với khai báo, hồ sơ sẽ không được phía Hàn Quốc chấp nhận. Nếu NLĐ chuyển hộ khẩu từ nơi khác đến địa phương bị hạn chế thì cũng không được đăng ký dự thi.

HUYỀN MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh