Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vừa ban hành Kế hoạch tổ chức Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021.
Theo Tổng cục GDNN, dự kiến có khoảng 10 nghề được tổ chức thi chủ yếu bằng ngân sách nhà nước và một phần kinh phí xã hội hóa gồm: Cơ điện tử; Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; Thiết kế kỹ thuật cơ khí; Điện tử; Lắp cáp mạng thông tin; Công nghệ Web; Robot di động; Phay CNC; Tiện CNC; Điều khiển công nghiệp. Đây là những nghề được tổ chức thi tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 năm 2020 và Việt Nam dự kiến sẽ tham dự tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 năm 2022 tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Ngoài ra, dự kiến còn 25 nghề khác do các tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp tài trợ, phối hợp tổ chức như: Điện lạnh; Lắp đặt điện; Ốp lát tường và sàn; Công nghiệp 4.0; Công nghệ nước.... Đây là những nghề được tổ chức tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 năm 2022 và một số nghề mới do các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở GDNN đề xuất.
Tổng cục GDNN khuyến khích các bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn và doanh nghiệp tiếp tục đề xuất tổ chức thi và đăng ký cử thí sinh tham dự ở các nghề có nhu cầu lao động lớn, các nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đề thi và thời gian làm bài thi của các nghề tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 sẽ được xây dựng trên cơ sở đề thi chính thức của các nghề tại Kỳ thi lần thứ 11 và đề thi các nghề tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019, lần thứ 46 năm 2022. Thời gian làm bài dự thi dự kiến tối thiểu 12 giờ, không quá 18 giờ và thi không quá 3 ngày.
Theo Tổng cục GDNN, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia được tổ chức nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, thế giới. Thúc đẩy lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề theo kịp với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghề tiên tiến ở thời kỳ mới.
Qua kỳ thi, cũng khơi dậy phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng tại các doanh nghiệp và góp phần thực hiện liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo tại cơ sở GDNN. Góp phần nâng tầm kỹ năng lao động trẻ Việt Nam trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng năng suất chất lượng, hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.../.