“Kỹ sư làng” sáng tạo máy rửa bát công nghiệp đầu tiên tại Thái Bình
- Giáo dục nghề nghiệp
- 09:24 - 05/05/2022
Từ khi được tiếp xúc với môi trường sửa chữa, lắp đặt cơ khí, anh Ngọc đã mong muốn gắn bó lâu dài với lĩnh vực này. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng năm 2004, anh ấp ủ ý định bắt đầu con đường đi của riêng mình. Để có vốn phát triển, anh Ngọc khởi đầu trong lĩnh vực cơ khí dân dụng nhờ vay vốn ngân hàng.
Từ máy rửa bát gia đình đến máy rửa bát công nghiệp
Năm 2008, sau nhiều năm ấp ủ ý tưởng, anh Ngọc đã trở thành người đầu tiên ở Thái Bình và có lẽ cũng là người đầu tiên ở Việt Nam chế tạo thành công máy rửa bát gia đình mang thương hiệu Việt. Sản phẩm giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Bình năm 2009.
Tuy nhiên, anh nhận thấy chiếc máy có hình thức khá thô nên khó có thể phù hợp với mục đích sử dụng trong gia đình. Do đó, giữa năm 2015, anh Ngọc bắt tay vào chế tạo máy rửa bát công nghiệp và hoàn thành vào đầu năm 2016. Với sáng chế hay, tính ứng dụng cao, sản phẩm máy rửa bát công nghiệp G21 do anh Ngọc sản xuất đã đạt giải Nhì hội thi Sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh Thái Bình lần thứ VII, năm 2016 - 2017.
Gặt hái thành công
Trong giai đoạn đầu từ năm 2015 đến 2016, mô hình máy rửa bát công nghiệp của anh Ngọc chưa mang lại lợi nhuận do còn đang trong quá trình thử nghiệm. Một năm sau, những chiếc máy rửa bát công nghiệp đầu tiên đã được bán ra, tạo cho anh Ngọc nguồn thu nhập ổn định. Về giá thành, một máy rửa bát băng chuyền với công suất trung bình có giá 110 triệu đồng.
Hiện tại, anh vẫn duy trì mô hình kinh doanh máy rửa bát công nghiệp tại một xưởng cơ khí rộng 300m2, tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập 9 - 12 triệu đồng/người/tháng. Những sản phẩm mà xưởng sản xuất gồm 6 loại máy với các công suất khác nhau, máy bé nhất có công suất rửa 800 bát đĩa mỗi giờ, máy lớn nhất có thể rửa từ 8.000 đến 10.000 bát đĩa mỗi giờ. Nguồn tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của xưởng là các nhà hàng, khách sạn, công ty than, công ty cơm hộp ngoại tỉnh, đa số là tỉnh Quảng Ninh.
Mong muốn của anh “kỹ sư làng” tài ba
Tuy sáng chế của anh Nguyễn Văn Ngọc đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực kinh doanh, anh vẫn có không ít những trăn trở. Thứ nhất là mong muốn có thêm nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, từ đó đem lại lợi ích tối đa cho người mua. Ngoài ra, anh Ngọc cũng muốn triển khai marketing một cách hiệu quả hơn, mang mô hình máy rửa bát công nghiệp của quê lúa Thái Bình vươn xa tới những vùng miền khác, thậm chí cả nước ngoài.