CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

Kỷ niệm vẫn mãi tươi rói, vẹn nguyên

Lớp học báo chí trong kháng chiến

Trong không khí hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (ngày 21/6), chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với nhà báo Lý Thị Trung một trong những học viên của lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng, người sáng  lập ra báo Phụ nữ Thủ đô.

Câu chuyên kể về những tháng ngày tham gia lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng cách đây 66 năm như những thước phim quay chậm được tái hiện nguyên vẹn trong tâm trí của nhà báo ngoài 80 tuổi. Đôi mắt nhìn xa xăm, giọng ngân nga trong trẻo, bà đọc : “Bờ Rạ ơi Bờ Rạ/ Bản đồ không còn tên/ Nhưng trong tim vẹn nguyên/ Kỷ niệm về Bờ Rạ/ Bờ Rạ ơi Bờ Rạ!”

Bà Lý Thị Trung ôn lại những kỷ niệm về lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng.

 Bà kể, vào năm 1949, khi đó tôi mới 20 tuổi, công tác tại Ban Tuyên truyền Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hải Hưng (cũ). Nhiệm vụ lúc bấy giờ của các chị, em đi các huyện, xã trong tỉnh tuyên truyền về chủ trương kháng chiến, vận động phụ nữ thực hiện tiết kiệm hũ gạo quân lương, mở lớp xóa mù chữ, tuyên truyền về gương điển hình trong lao động sản xuất... Ngoài ra, hàng tháng chúng tôi ra một tờ đặc san viết tay, 24 trang phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân, trong trào thi đua sản xuất, đấu tranh chống thực dân Pháp cũng như những tấm gương điển hình.

Mỗi khi làm xong một số báo, chúng tôi gửi lên Phụ nữ cứu quốc Liên khu 3 để báo cáo. Lúc bấy giờ chị Hoàng Ngân, Bí thư Phụ nữ cứu quốc Liên khu 3. Thời gian sau, chị Ngân được điều lên Việt Bắc làm Bí thư Phụ nữ cứu quốc Trung ương . Trong một cuộc họp đồng chí Xuân Thủy, Chủ nhiệm Báo Cứu Quốc cho chị Ngân biết: Tổng bộ Việt Minh sắp mở lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, bên phụ nữ hãy cử người đi học. Đến tháng 2/1949, chị Bí thư Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hải Hưng đưa tôi công văn do chị Hoàng Ngân ký triệu tập tôi lên học lớp viết báo của Tổng bộ Việt Minh. 

Ngay sau khi nhận được công văn, bà Trung được cơ quan thu xếp công việc cho bà lên đường đi học. Mặc dù đến tháng 4 lớp học mới khai giảng, nhưng ngay từ những ngày đầu tháng 3, bà Trung đã lên đường đến Thái Nguyên. Muốn lên Việt Bắc bà phải đến trạm ZT(giao thông) để các đồng chí Việt Minh dẫn đi. Bà Trung nhập vào đoàn hơn 10 người. Trong đoàn có mấy người ở trong Nam, mấy anh ở Khu Bốn ra họp Đại hội văn nghệ toàn quốc; mấy anh ở tuyên huấn khu Ba và ông Trương Cảnh Ngôn ở Huế.

Khai giảng lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng.

Bà cho biết, đồng chí giao thông định đưa chúng tôi vượt đường 5, nhưng địch đang càn quét mạnh nên chúng tôi phải quay lại đường 6. Trên đường đi cũng có những kỷ niệm nhớ mãi. Bà kể: “ Ngày ấy, bọn con gái chúng tôi thích nói tăng tuổi để tỏ ra người lớn. Để các anh trong đoàn nể mình, tôi nói là đã có con 8 tháng tuổi có tên gọi ở nhà là cu Tiu, nhưng gửi cho chị bạn để đi học, bố cháu là bộ đội. Từ đó mà mọi người trong đoàn thường gọi tôi là mẹ cu Tiu”.

Sau gần một tháng đi bộ ròng rã, bà Trung đã đến được đồi Bờ Ra, nơi Tổng bộ Việt Minh tổ chức lớp học báo chí Huỳnh Thúc Kháng. “Khi tôi tới trường, một số học viên đang chơi bóng chuyền. Thấy tôi khoác chiếc bị cói trên vai, người nào đó đã la tướng lên: A, lại thêm dân bị cói khu Ba!” – bà Trung xúc động nhớ lại.

Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng hồi đó có 42 người (3 nữ). Thời gian học chỉ có 3 tháng, song chương trình học rất đầy đủ. Các thầy là những nhà báo, lãnh đạo cách mạng từng dùng ngòi bút chiến đấu với đế quốc Pháp đến giảng dạy. Đó là các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Xuân Thủy…cùng các thầy: Đỗ Đức Dục, Như Phong, Tú Mỡ, Đỗ Phồn…Nhiều giảng viên đến nói các chuyên đề : Nhà báo Quang Đạm nói về bút chiến , nhà thơ Xuân Diệu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nói về thơ văn… Cùng với học việc học viết báo, ngày ấy chúng tôi cũng học quân sự, tập bắn, ném lựu đạn…Mỗi khi đang đêm nghe tiếng còi rúc lên là chăn màn lại gấp gọn, ba lô đeo trên lưng, chạy ra tập hợp. Rồi đi thực tập viết phóng sự về vùng chè Tân Cương. Tờ báo “Bút mới” của trường luôn luôn sôi nổi vì những tin bài sắc sảo, hóm hỉnh.

Các học viên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng về thăm huyện Đại Từ - Thái Nguyên. 

Nữ phóng viên đầu tiên của báo Thủ đô

Sau ngày về Hà Nội, với kiến thức trong lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) và những ngày làm báo ở Liên khu IV, bà về Báo Thủ Đô. Nhưng ban đầu, do Tổng Biên tập và 2 Phó Tổng biên tập đều đi vắng, bà được đưa tạm về nhà in làm nữ công nhân xếp chữ. Từng làm báo trong kháng chiến nhiều năm, nhà báo Lý Thị Trung xếp được cả chữ chì, làm cả bản khắc... mà không nề hà. Cho đến một hôm Phó Tổng biên tập Lê Hưng xuống nhà in, trông thấy liền nói: "Tại sao làm báo mà lại đi xếp chữ?". Rồi ông đưa Lý Thị Trung lên làm phóng viên, ở Ban Thời sự làm tin trong nước, cùng tổ còn có nhà báo Hàm Châu làm tin quốc tế và nhà báo Phạm Sáu làm tổ trưởng. Từ đó, bà Trung là phóng viên nữ duy nhất trong tờ Thủ Đô và làng báo Hà Nội. Đến năm 1967, bà chuyển sang làm ở Nhà xuất bản phụ nữ , rồi chuyển sang Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội phụ trách mảng tuyên tuyền. Đến năm 19/8/1986, tờ báo phụ nữ Thủ đô đầu tiên ra mắt bạn đọc trong đó công lao tạo dựng của bà Lý Thị Trung và bà Phương Kim Dung , Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội lúc bấy giờ.

Nói về lớp học xưa bà Trung bùi ngùi xúc động: “Đã 66 năm trôi qua, 43 người cùng học dưới mái nứa đơn sơ của trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng đã có nhiều người ra đi mãi mãi. Những người còn sống không phải đã được gặp mặt lại đầy đủ. Khoảng trên 10 người sống và làm việc tại Hà Nội, thỉnh thoảng mới có dịp gặp nhau . Phần lớn là làm báo cho đến lúc nghỉ hưu như: Trần Kiên, An Châu, Mai Thanh Hải, Mai Hồ, Lưu Hương, Trần Quang Ngọc, Nguyễn Thọ,  Viết Thiệu, …Còn mấy người “rẽ ngang” như: Mai Cương, Vương Như Chiêm, Nguyên Bình, Hồng Quân, Đặng Vân, nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn điện ảnh Trần Vũ…, song các anh chị vẫn viết nhiều về ngành nghề của mình trên các báo. Và đã có lần cùng nhau lên Thái Nguyên, chỉ còn những địa danh quen thuộc như : Quán Ông Già, Ba Giăng, Phúc Trìu, Lục Ba… nhưng Bờ Rạ thì không còn nữa. Đồi Bờ Rạ bên dòng sông Công xanh trong giờ đã chìm sâu giữa hồ núi Cốc. Song, những kỷ niệm về Bờ Rạ, về lớp học ấy vẫn còn mãi trong chúng tôi”.

Trong liên tưởng quá khứ, hiện tại, nhà báo Lý Thị Trung tâm sự: “Ngày nay, báo chí nước nhà phát triển mạnh. Các nhà báo được học hành có bài bản, phương tiện tác nghiệp đầy đủ, hiện đại. Nhưng điều cần nhất  những người làm báo phải giữ cho được tâm sáng và dũng khí để đi lên. Cho đến tận bây giớ những câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lớp học, chúng  tôi vẫn con nhớ như in: “ Nhà báo phải gần gũi nhân dân, nhìn cho tinh, viết cho sắc, đi cho đúng đường”.

Nguyễn Síu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh