THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:56

Kỷ niệm những ngày đáng nhớ xây dựng đảo Đá Nam, Trường Sa

 

Mùa hè 1988. Sau sự kiện ngày 14/3/1988, biển Đông đã dậy sóng. Tình hình tranh chấp trên biển Đông rất căng thẳng. Cả nước ngày đêm hướng về Trường Sa thân yêu. Bộ tư lệnh Hải quân được lệnh huy động sức người, sức của, kiên quyết giữ vững chủ quyền biển đảo, đồng thời phải nhanh chóng xây dựng các căn cứ kiên cố, làm cơ sở vững chắc bảo vệ hải đảo của ta.

Những ngày đầu tháng 5/1988, tàu Vàm cỏ 24 của chúng tôi cập cảng Nha Trang. Đồng chí đại tá phó chỉ huy Đoàn Trường Sa (thuộc Bộ tư lệnh Hải quân ) đã xuống tàu, giao nhiệm vụ cụ thể: Tàu Vàm Cỏ 24 sẽ chuyên chở đá hộc, xi măng, sắt thép và hơn 200 công binh từ Nha Trang ra xây dựng đảo chìm Đá Nam. Từ giờ phút đó, tàu VC 24 được đặt dưới sự điều động của BCH Đoàn Trường Sa. Sỹ quan, thuyền viên trở thành những chiến sỹ. Tàu được trang bị một số súng trường K-44 và tiểu liên AK-47, có thêm hai khẩu 14,5mm đặt trên mũi và trên boong thượng. BCH tàu được trang bị súng lục K-59. Các chiến sỹ công binh theo tàu cũng được trang bị đầy đủ vũ khí, quân trang, đạn dược.

Tại cầu cảng Nha Trang, sáng 5/5, đá hộc được chuyển xuống tàu. Không khí làm việc sôi nổi, khẩn trương. BCH phát lệnh: tàu phải rời bến giờ G. Mọi người làm việc hết mình nên chỉ sau 7 ngày đêm đã xếp xong hàng. Xi măng, sắt thép, đá hộc, dụng cụ xây dựng xếp kín hầm.toàn bộ sẵn sàng nhổ neo lê đường

Còn nhớ như in hình ảnh buổi lễ xuất quân được tổ chức trang trọng, ngay trên cầu tàu vào sáng 12/5/1988. Các đoàn viên học sinh, sinh viên trẻ tuổi của TP Nha Trang cũng có mặt. Chúng tôi sắp lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, có thể sẽ phải đổ máu và hy sinh nhưng trong ánh mắt từng người, tất thảy đều tỏ rõ sự quyết tâm cao, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc.

Con tàu kéo 3 hồi còi dài tạm biệt đất liền. Tàu rời bến.

Ngày đầu tiên trên biển, thời tiết rất thuận lợi. Tàu chúng tôi nhắm hướng Đông Nam tiến về quần đảo Trường Sa. Hầu hết anh em còn rất trẻ, lại cùng chung ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nên các chiến sỹ và anh em thuyền viên kết thân với nhau rất nhanh. Người nhận cùng làng, kẻ nhận cùng thành phố. Tình cảm đồng chí, anh em rất đậm đà, dù chỉ gặp nhau lần đầu.

Thật may chuyến ra khơi lần này, sóng êm biển lặng.

Sáng sớm ngày thứ ba của hải trình, tàu VC24 còn cách đảo Đá Nam chừng 30 hải lý, bỗng xuất hiện một tàu quân sự sơn màu xám xịt, chắn ngang đường. Qua ống nhòm có thể nhìn rõ hàng số 711 trên mũi tàu. Khoảng cách 2 tàu thu hẹp rất nhanh. Khi tàu chúng tôi băng ngang, tàu lạ bắn hai loạt súng lên trời. Tình hình rất căng nhưng chúng tôi không mắc mưu khiêu khích của địch, vẫn giữ hướng tiến thẳng về đảo Đá Nam. Tàu địch bám theo chừng 2 hải lý rồi đột ngột rẽ trái theo hướng Đông Bắc.

Khi còn cách Đá Nam vài hải lý, bằng mắt thường chúng tôi thấy một trạm gác đơn sơ nhô cao trên mặt biển. Ý chí sắt đá đã chiến thắng, tàu đến đảo an toàn và đúng lịch trình. Tàu buông neo và kéo dây từ tàu vào trung tâm đảo. Đây là dây định hướng để người ngồi trên xuồng bám theo dây, cho xuồng chở đá vào đảo. Công việc vất vả và nguy hiểm nên mọi người làm việc rất khẩn trương nhưng cũng hết sức thận trọng.

Sang ngày thứ hai, công việc có phần nhẹ nhàng hơn, chúng tôi tranh thủ vào thăm anh em giữ đảo. Tiểu đội bảy người, hầu hết là quê ở Nghệ An và Quảng Bình. Tất cả ở trên một nhà sàn đơn sơ, dưới có một thùng tôn lớn để đựng nước ngọt. Thấy ai cũng đen nhẻm, đầu cạo trọc, chúng tôi lấy làm lạ. Các chiến sỹ giải thích, do tắm giặt bằng nước biển quanh năm nên cắt trọc cho đỡ ngứa. Nước ngọt trên đảo cực quý hiếm, nước có được do dùng vải ny lon căng hứng khi trời đổ mưa. Mưa rất thất thường nên nước ngọt chỉ dùng để ăn uống. Chuyến này, tàu cũng cung cấp cho các chiến sỹ rau xanh nhưng họ thích nhất là các loại củ, quả vì để được lâu.

Trong lúc lội nước vào đảo, nước biển chỉ sâu chừng nửa mét, trong vắt. Cá nhiều vô kể, cá mú, cá cháp, cá hồng....Ngoài ra còn có sò tượng, hải sâm và sao biển...

Đến ngày thứ mười bốn, toàn bộ vật liệu đã được vận chuyển lên đảo an toàn. Chúng tôi tặng anh em một số thùng phuy rỗng để đựng nước ngọt và bơm đầy nước dự trữ cho anh em. Sau đó, tàu kéo neo rời đảo, về Nha Trang lấy chuyến hàng thứ hai.

Nhờ có sự chuẩn bị tốt ở hậu phương nên khi tàu VC24 về đến Nha Trang, vật liệu xây dựng đã được tập kết sẵn sàng trên cầu tàu. Chỉ sa một tuần là xuống xong hàng.

Cũng trong dịp này tại cảng Cầu Đá tôi gặp được chiến hữu Đó Nghĩa đi tàu Tây Đô của Cần Thơ. Theo kế hoạch, tàu Tây Đô lấy hàng xuất ra nước ngoài nhưng lại được lệnh chở gạo ra Bắc nên hai thằng có dịp làm vài ve cho mát, đến khi ngoắc cần câu mới thôi. Rồi ngày chia tay cũng đến, mỗi người lại trở về với công việc của mình.

Đặc biệt trong chuyến ra khơi lần này, tàu VC24 chở rất nhiều thùng quà của đồng bào cả nước gửi tặng Trường Sa. Cùng đi đợt này có tàu 202 của Hải quân chở vật liệu ra đảo Thuyền Chài.

Ngày xuống xong hàng, chúng tôi nhận lệnh về Nha Trang. Cuộc chia tay thật bịn rịn. Thuyền viên lục tư trang, vật dụng lấy tặng các chiến sỹ làm kỷ niệm. Đổi lại, chúng tôi nhận được san hô trúc, ốc nón v.v... Các chiến sỹ còn gửi nhiều thư về đất liền cho gia đình, người thân.

Trên đường về, tàu chúng tôi ghé thăm các chiến sỹ ở đảo Song Tử Tây và chuyển cho đảo một trạm khí tượng thuỷ văn. Được nghỉ lại một đêm trên đảo, thế là có dịp hàn huyên, trò chuyện đủ mọi thứ trên đời và ca hát suốt đêm.

Sớm hôm sau tàu rời đảo về Nha Trang. Tại cầu tầu, chúng tôi được đón tiếp rất nồng hậu. Sau khi nghe thuyền trưởng báo cáo công việc đã làm, đồng chí đại tá thay mặt BCH Đoàn Trường Sa tuyên bố: "Tàu VC 24 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đuợc giao".

Sau vài ngày nằm cảng để tháo dỡ vũ khí, khí tài trả lại cho quân chủng, tàu VC24 được Bộ tư lệnh Hải quân bàn giao lại cho Công ty Vitranschart. Từ Nha Trang tàu về Sài gòn.

VC24 cặp bến Bạch Đằng trong một ngày cuối hè rực nắng. Trên bến, ban Giám đốc Công ty Vận tải biển và Thuê tàu Việt Nam tổ chức đón tiếp long trọng như với nghi thức đón các chiến sỹ từ mặt trận trở về. Tôi tràn ngập trong cảm xúc, đường phố như đẹp hơn, con người như duyên dáng hơn.

Từ quần đảo Trường Sa- tuyến đầu trên biển của Tổ quốc, nơi các chiến sỹ ngày đêm xây dựng và bảo vệ, nơi các anh đang cống hiến tuổi thanh xuân, nơi cuộc đối đầu để giữ gìn từng tấc đất vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ, chúng tôi trở về đất liền và cảm nhận được giá trị đích thực của một cuộc sống thanh bình. Vô cùng biết ơn các anh, người chiến sỹ hải quân nhân dân.

Chúng tôi, những sỹ quan thuyền viên tàu VC24 cũng rất tự hào khi được đóng góp sức lực của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Sau đó, Chỉ huy Đoàn Trường Sa đã có công điện gửi Ban Giám đốc Công ty chúng tôi:" Tàu VC24 của Công ty Vận tải biển và Thuê tàu Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong chiến dịch CQ-88 "

LÊ TRƯỜNG GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh