THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:04

Tổng Bí thư: “Các anh hùng liệt sĩ làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi”

 

Toàn cảnh buổi lễ


Dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

Dự lễ kỷ niệm còn có các ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, các nguyên Phó Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành… cùng đông đảo các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại diện các lực lượng nhân dân Thủ đô.

Sống xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ

Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong niềm tự hào và xúc động của cả dân tộc, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ,  Ủy ban TƯ MTTTQ Việt Nam và TP Hà Nội… cùng toàn thể đồng bào long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tổng bí thư  gửi tới các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.

 

Tổng Bí thư đọc diễn văn khai mạc

 

Theo Tổng Bí thư, trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta với tinh thần yêu nước nồng nàn đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ hy sinh, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập tự do, sự thống nhất toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

"Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. "Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, ông bà cha mẹ, người vợ, người chồng, người con, người cháu, anh chị em... mãi mãi không bao giờ được gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Các anh hùng liệt sĩ, thương binh đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nói. Tiếng thơm của các đồng chí đó sẽ muôn đời lưu truyền với sử sách. Họ chiến đấu hy sinh để Tổ quốc độc lập, tự do thống nhất và dân tộc ta mãi mãi trường tồn. Tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của họ sẽ sống mãi với non sông Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn, luôn tự hào và kế tục thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư nhắc lại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Khi đất nước mới được độc lập, người đã ra sắc lệnh nhận con em những anh hùng liệt sĩ làm con nuôi. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến đang gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh – Liệt sĩ để bày tỏ tình cảm thắm thiết, sâu sắc đối với những người có công với cách mạng. Theo đó, tại Đại Từ, Thái Nguyên, ngày 27/7/1947 đã được chọn để ghi dấu hoạt động tri ân, chăm lo với những người có công với cách mạng và gia đình họ.

 

Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ tham dự lễ mít tinh.

Tiếp tục nâng cao mức sống của người có công

70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đến nay có hơn 9 triệu lượt người có công được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi... Đồng thời cũng đã đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sỹ, xây dựng, tu bổ hàng nghìn các nghĩa trang liệt sĩ...

Những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình đó nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc. Với tinh thần cống hiến, nhiều thương binh đã vươn lên để làm kinh tế, xây dựng gia đình bền vững, sung túc, hỗ trợ đồng đội và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư nhiệt liệt chúc mừng những kết quả, thành tích các thương binh, gia đình liệt sĩ đã làm được để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình, của cả đất nước hôm nay.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là chủ trương quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, là đạo lý truyền thống của dân tộc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong  thời kỳ quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội; bổ sung phát triển năm 2011 đã chỉ rõ: Thực hiện tốt chính sách đối với người  và gia đình người có công với đất nước. Nghị quyết đại hội lần thứ XII của Đảng cũng nhấn mạnh thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực của xã hội kết hợp với nguồn lực của nhà nước để đảm bảo người có công có mức sống từ trung bình trở lên.

Trong thời gian tới, Tổng Bí thư yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội cần tiếp tục công việc, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện chính sách với người có công. “Đây là yếu tố để đảm bảo công bằng xã hôi, thể hiện bản chất tốt đẹp của Đảng và chế độ, củng cố niềm tin của người dân với Nhà nước. Cần đưa việc này thành hành động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.”- Tổng Bí thư đề nghị.

 

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ


 Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với người có công. Đặc biệt quan tâm gia đình người có công có hoàn cảnh gia đình khó khăn không để gia đình nào rơi vào diện hộ nghèo. Ưu tiên nguồn lực giải quyết nhu cầu cấp thiết  đối với người có công. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác người có công với cách mạng trên cở kết hợp nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Phấn đấu đến 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung nơi cư trú.

Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước.

 Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.

Bằng những việc làm cụ thể, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân cần tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".

Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước.Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước làm tốt hơn nữa chính sách chăm lo cho người có công, coi đây vừa là đạo lý, vừa là bổn phận trách nhiệm, thể hiện bản chất tốt đẹp của mỗi người Việt Nam. “Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng”-Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 

Một phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.


Ấm lòng trước những nghĩa cử tri ân

Chia sẻ tâm trạng tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Thế Thao - Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân cho biết, ông nguyên là Đại phó Sư đoàn 360, Trưởng Ban liên lạc Cựu chiến binh Thành Cổ. Ông ôn lại kỷ niệm nhập ngũ từ năm 1964, hoạt động trên chiến trường Lào trước khi trở về Thành cổ Quảng Trị chiến đấu trong 81 ngày đêm, diệt 800 quân địch, dù nhiều lần bị thương ông vẫn không rời tay súng.

Là người trực tiếp cầm súng chiến đấu, chứng kiến sự hi sinh của đồng đội, bản thân cũng chịu nhiều thương tật, Đại tá Thao khẳng định, ông thấu hiểu những nỗi đau của người lính, của những cựu chiến binh và gia đình họ. Day dứt nhất là những đồng đội vẫn còn nằm lại chiến trường, chưa thể quy tập về nghĩa trang, đưa về với quê hương, gia đình.


Đại tá Nguyễn Thế Thao 


“Bản thân tôi và gia đình nhiều năm qua luôn được sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện mọi mặt của cấp ủy, chính quyền, ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể và người dân ở nơi tôi đang cư trú. Chính sự quan tâm đó đã cho tôi niềm vui, động viên, khích lệ để tôi và gia đình sống vui khỏe, hạnh phúc và đóng góp nhiều hơn nữa vào các phong trào của địa phương. Trong những năm qua dù trong hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng đã và đang dành tất cả sự quan tâm, chăm sóc tới những gia đình chính sách, những người có công với cách mạng để chúng tôi luôn có được cuộc sống tương đối đầy đủ về tinh thần cũng như vật chất. Chính sự quan tâm đó đã tiếp thêm động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến cho xã hội”- Đại tá Thao cho biết.

 Gửi lời cảm ơn với những sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước để xoa dịu phần nào nỗi đau của những người đã đi qua cuộc chiến, Đại tá Thao tâm sự, những hoạt động đó khiến ông và các đồng đội thấy ấm áp, yên lòng hơn.

Là một cựu chiến binh, ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cống hiến cho đất nước, cùng động viên đồng đội với tinh thần "thương binh tàn nhưng không phế" để tiếp tục góp phần xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp hơn.

 

Chương trình nghệ thuật


 Đại diện cho thế hệ trẻ lên phát biểu, ông Lê Nguyên Khương – Giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải bày tỏ sự khắc ghi về những công ơn của các thế hệ cha anh, những người đã ngã xuống cho thế hệ trẻ hôm nay có điều kiện sống, học tập trong hòa bình. Giảng viên Khương báo cáo những thành tích học tập xuất sắc đã đạt được cả trong và ngoài nước để trở về cống hiến cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước thời kỷ đổi mới hiện nay

Trân trọng và tự hào về truyền thống cách mạng, gương anh dũng cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha anh, giảng viên trẻ trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng nguyện cống hiến hết sức trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo những người có công với cách mạng, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đi bất cứ đâu để thực hiện những việc được giao phó.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh