CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:06

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019): Hà Nội kế thừa truyền thống, vươn tầm hiện đại

Cùng với đó, Hà Nội đã có 7 lần Quy hoạch chung được phê duyệt. Nhưng trong quá trình phát triển 65 năm qua, mốc giới rất được quan tâm hay còn gọi là dấu ấn là 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2, trở thành một trong 17 Thủ đô lớn nhất thế giới và cũng là đô thị lớn nhất cả nước.

Nhận diện giá trị di sản và đặc trưng đô thị

- PV: Có thể xem Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội năm 2011 là một dấu mốc đặc biệt trong sự phát triển, thay đổi của Hà Nội, thưa ông?

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: Việc mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đã tạo ra thời cơ mới nhưng cũng là thách thức rất lớn với Hà Nội. Bởi, bên cạnh việc quản lý, phát triển, còn phải giữ được tầm vóc của Thủ đô. Với tầm quan trọng như vậy, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg vào ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Quy hoạch này xác định thực hiện đến 2030 và tầm nhìn 2050. Quy hoạch đưa ra mục tiêu phát triển Hà Nội mới: xanh, văn hiến, văn minh nhưng hiện đại, đặc biệt đưa ra vấn đề dân số Hà Nội đến 2030 chỉ ở mức 9-9,5 triệu người. Quy hoạch Hà Nội 2011 đã đặt yêu cầu, trong quá trình phát triển, Hà Nội phải kế thừa yếu tố truyền thống cả nghìn năm dựng xây Thủ đô, đồng thời đặt yếu tố văn minh hiện đại để Hà Nội vươn tầm, có vị trí xứng đáng ở khu vực châu Á và thế giới. Đây là trọng trách lớn sau lần mở rộng địa giới năm 2008.

Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã hoàn thiện để tiến tới thống nhất quản lý Hà Nội mở rộng: Rà soát lại các dự án để thống nhất theo quy hoạch (đến 2008 Hà Nội có khoảng 370 các dự án phát triển khu đô thị, theo quy hoạch mới chỉ được triển khai tiếp hơn 200, còn lại phải điều chỉnh cho phù hợp); Công tác quy hoạch và quản lý đã được chú trọng, chất lượng quy hoạch có nhiều tiến bộ, có tầm nhìn rộng hơn.

Ngoài ra, Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu để có thể phủ kín các quy hoạch xây dựng mới, đặc biệt là các quy hoạch công trình tại một số khu vực trọng điểm như Ba Vì, Hồ Tây, Cổ Loa…

Bên cạnh các đồ án quy hoạch công bố cho nhân dân biết thì còn xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Với một số khu trọng tâm đã chú trọng quy chế này như Quy chế quản lý khu phố cổ, quy chế quản lý khu phố cũ… đặt ra một số dự án nhằm thực hiện giải pháp như Dự án giãn dân khu phố cổ, nhà ở, kết cấu hạ tầng giao thông được chú trọng; Trong nội đô cây xanh công cộng đã đạt 7m2/người… Một nội dung quan trọng ở giai đoạn này là đã nhận diện được giá trị di sản và đặc trưng đô thị của Hà Nội - Hà Tây.

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019):Hà Nội kế thừa truyền thống, vươn tầm hiện đại - Ảnh 1.

Nhà ở được chú trọng, giao thông mở rộng

- Sự đổi thay của đô thị giai đoạn 2015 - 2020 có những điểm nào nổi bật, thưa ông?

- Dấu ấn đậm nét nhất cho sự thay đổi của Hà Nội là giai đoạn 2015 - 2020 thể hiện qua 7 vấn đề lớn. Hà Nội đã ban hành các quy hoạch và phủ kín gần 90% diện tích tự nhiên với khoảng hơn 60 các đồ án quy hoạch như quy hoạch phân khu, quy hoạch  chi tiết, trong khi các năm trước mỗi năm chỉ độ 15 - 20 đồ án. Hy vọng, đến 2020 chúng ta sẽ phủ kín quy hoạch Hà Nội. Đây là một trong những công  cụ, định hướng cơ bản, một minh chứng cho việc Hà Nội đã quyết liệt triển khai quy hoạch.

Thành phố Hà Nội đã chủ động đề xuất mô hình tổ chức không gian mới. Trước kia, Hà Nội chỉ là một đô thị, một thành phố thì nay Hà Nội là một chùm đô  thị, có đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Đây là mô hình rất mới, thích hợp với Hà Nội mở rộng. Dù vậy, ở lĩnh vực này cũng còn tồn tại là dù đã có quy hoạch các đô thị vệ tinh, có tính chất tháo gỡ lớn cho áp lực ở nội đô nhưng 5 năm vừa qua chưa triển khai thành công. Ngoài ra, Quy hoạch khung có chất lượng tốt, kế thừa kinh nghiệm cũ và tiếp cận các giải pháp quy hoạch mới nhưng quy hoạch chi tiết và quy hoạch một số khu vực cụ thể thì còn nhiều vấn đề cần bàn.

Nhà ở là công tác quan trọng được chú trọng, và đây cũng là thành tựu của Hà Nội, nâng diện tích bình quân từ 23m2/người vào 2015 lên tới 25,8m2/người vào 2018 và dự kiến đạt 29m2/người vào 2020. Đây là mức rất cao so với chỉ tiêu của cả nước. Có thể thấy, Hà Nội rất quan tâm đến đời sống nhân dân.

Trong đó, điểm nổi trội là chú trọng phát triển nhà ở xã hội, đã giải quyết được 1,4 triệu m2 nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở  tái định cư cũng giải quyết được 900.000m2, nhà ở cho sinh viên đáp ứng khoảng 40.000 sinh viên...

Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại là việc giải quyết các khu chung cư cũ, nhà ở cũ dù đã có lộ trình nhưng đến nay do nhiều khó khăn (Hà Nội mới cải tạo được 16 nhà chung cư/1.5016 nhà). Đây là tồn tại lớn, nhức nhối của Hà Nội đòi hỏi có sự đột phá. Công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch chưa chưa chặt chẽ; Việc di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở bộ, ngành, di dời các trường đại học còn chậm dù đã có lộ trình của Thủ tướng nhưng vẫn thiếu các giải pháp, cơ chế đặc thù; quản lý đô thị đặc biệt là quản lý trật tự xây dựng, ùn tắc giao thông chưa được kiểm soát chặt chẽ có hiệu quả.

Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đã có rất nhiều chính sách quyết liệt cho phát triển. Nếu 2011 chỉ có 0,3% diện tích đất cho giao thông thì đến 2018 đã đạt tới gần 10% diện tích đất tự nhiên cho giao thông, tập trung vào các dự án trọng điểm như các tuyến đường Vành đai, bãi đỗ xe liên tỉnh… Chỉnh trang đô thị có nhiều đổi mới, tạo mỹ quan, bộ mặt mới cho đô thị.

Kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019):Hà Nội kế thừa truyền thống, vươn tầm hiện đại - Ảnh 2.

Khu vực nông thôn có nhiều đột phá, sáng tạo

- Không chỉ bộ mặt đô thị mà nông thôn Hà Nội cũng thay đổi rõ rệt, thưa ông?

- Giai đoạn vừa qua, thành phố đã chú trọng đến xử lý rác thải, có hẳn quy hoạch riêng. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ chỉ còn 4 bãi rác chôn lấp, thay vào đó xây dựng 4 nhà máy xử lý rác, như nhà máy xử lý rác thành điện ở Sóc Sơn, nhà máy xử lý rác ở Chương Mỹ… Nhưng do nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan nên các nhà máy này chưa phát triển.

Các bệnh viện, trường học, thiết chế văn hóa, công viên cây xanh có nhiều kết quả, nhiều đổi mới. Nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, thiết chế nhà văn hóa cho từng khu dân cư đã trở thành thể chế của Hà Nội có Nghị quyết để huy động lực lượng…

Điểm nhấn nữa của Hà Nội trong giai đoạn qua là xây dựng nông thôn mới. Đây là điểm đặc trưng của Hà Nội nhưng cũng thể hiện sự nổi trội của Hà Nội theo định hướng đến 2030 chỉ có 32% là đô thị và 68% là nông thôn.

Vấn đề đặt ra với Hà Nội là nông thôn của Hà Nội phải phát triển như thế nào để cho tương xứng là Thủ đô. Đây là vấn đề quan trọng, vì vậy Thành ủy đã có Chương trình 02 về xây dựng nông thôn mớ. Kết quả đạt được Hà Nội là tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mớ: 100% xã đã có quy hoạch được phê duyệt; 86% xã đạt 19 chỉ tiêu nông thôn mớ của  Trung ương, có 4 huyện đạt nông thôn mớ. Bên cạnh các tiêu chí của Trung ương thì Hà Nội đã đặt ra vấn đề nâng cao nông thôn để đạt được nông thôn của đô thị, nông thôn của Thủ đô.

Xây dựng nông thôn mới của Hà Nội  là bước đột phá, bước sáng tạo của TP Hà Nội, với đặc thù nông nghiệp - nông dân - nông thôn chiếm tỷ trọng lớn của Thủ đô thì đây là thành tựu lớn, sự nỗ lực, sự huy động đóng góp của nhân dân. Nhưng đây cũng là một thách thức lớn với Hà Nội, vì nông thôn phải là nông thôn của đô thị.

Cũng bởi vậy, diện mạo Thủ đô từ 2008 đến nay đã đổi mới, trong phát triển mới đã chú trọng đến yếu tố hiện đại kết hợp với yếu tố truyền thống; đã hình thành các tuyến đường giao thông, trục không gian mang yếu tố hiện đại; Công tác nhận diện, bảo tồn di sản đã được nâng cao, nhận diện giá trị di tích các khu vực cảnh quan như hồ Tây, hồ Gươm, Ba Vì…

Theo NGÂN TUYỀN/ANTĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh