THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:40

Đại đức Thích Phước Ngọc chia sẻ cái tâm, cái tình của nhà tu hành

 

Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981), Đại Đức Thích Phước Ngọc đã có những chia sẻ về cái tâm, cái tình của một nhà tu hành trong thế hệ kế thừa và phát huy truyền thống Đạo pháp – Dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Đại Đức Thích Phước Ngọc 

Có quan niệm những người đi tu là để trả cho chữ “Nghiệp” mà chính họ hoặc người thân của họ đã gây ra ở kiếp nào đó. Thầy nghĩ sao về quan niệm này, thưa Đại Đức?

Đại Đức Thích Phước Ngọc:  Đúng là phàm làm người thì phúc mỏng nghiệp dày, dù là người giàu có hay quyền lực tối thượng, hay là người nghèo khó, bệnh tật… đều có sự hiện hữu của luật vay – trả trong cuộc đời của mỗi người. Dưới gốc nhìn tâm linh, những người tu hành trước tiên được xem là họ đã có căn duyên (tức là cái nhân chủng tử con Phật). Nếu đã là nhân chủng tử con Phật thì trước tiên đó là phước báo, chứ không là nghiệp báo. Còn cái nhân phước này dài hay ngắn, mỏng hay dày, thì đều phụ thuộc vào nghiệp của bản thân mỗi người tác tạo.

Sám hối chưa bao giờ là một hành động xấu. “Người theo Đức Phật là những người đang sám hối” tôi nghĩ được như vậy lại càng tốt đấy chứ.  Chúng tôi hiểu rằng chết không có nghĩa là hết, và mọi thứ trên đời có thể đổi thay, xê dịch nhưng luật nhân –quả là bất biến trường tồn, chính vì thế mà bản thân những người tu hành như chúng tôi và chúng tôi cũng luôn khuyên mọi người hữu duyên biết Đạo hãy luôn giữ cho mình một tâm sám hối dù bạn nghĩ bạn chẳng làm gì có lỗi cả.

Nhiều năm theo nghiệp tu hành, thầy có bao giờ nghĩ rằng vì mải gánh nợ chúng sinh mà bỏ quên chữ hiếu?

Đại Đức Thích Phước Ngọc: Đức Phật có dạy “Tâm Hiếu là Tâm Phật, Hạnh Hiếu là Hạnh Phật”. Chính vì thế dù một người xuất gia nhưng cũng nương nhờ công cha nghĩa mẹ sinh thành mà có, có xác thân mới là nơi trú ngụ của tâm hồn, tâm linh mà tu học. Cho nên lòng hiếu thảo không thể không gìn giữ trong mỗi con người chúng ta, đặc biệt là người tu hành. Chữ hiếu được thể hiện qua nhiều phương tiện, từ việc bưng cơm rót nước, cận kề dưỡng nuôi, tới việc bạn chỉ cần sống tốt, làm một người tốt, có ích cho xã hội cũng là một sự đáp đền. Hoặc rộng lớn hơn, đó là phụng sự chúng sanh, cứu nhân độ thế của những nhà tu hành thì đó cũng là một cách báo hiếu. Bởi chúng tôi quan niệm, ai cũng có thể là cha là mẹ của chúng tôi ở nhiều đời nhiều kiếp khác.

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cô nhi viện Phật Giáo Suối nguồn tình thương 

Được biết, Trung tâm Cô nhi viện Phật Giáo Suối nguồn tình thương nhận nuôi dạy những trẻ em bất hạnh ở nhiều độ tuổi và giới tính khác nhau. Là người bảo trợ cho các bé, thầy định hướng thế nào về nhân cách cũng như giáo dục về giới tính cho trẻ?

Đại Đức Thích Phước Ngọc: Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương đã hoạt động được hơn 5 năm. Đây là cả một chặng đường thăng trầm về những khó khăn, thử thách của buổi đầu hoạt động. Nhưng vì chúng tôi định rõ kể từ khi lập đề án thành lập Trung tâm, trước tiên phải kiện toàn về mặt pháp lý, tức là có giấy phép, có tư cách pháp nhân, quá trình tiếp nhận và lập hồ sơ cho mỗi đối tượng được tiếp nhận dưỡng nuôi một cách bài bản, đúng quy định của Pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định rõ về việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc chăm nuôi các em phải hết sức đầy đủ. Để trước tiên, cho cái nhìn đầu tiên của một trí óc non nớt là sự đủ đầy vật chất để không cảm thấy thiệt thòi, thiếu thốn, mặc cảm, cũng giống như các bạn làm cha, làm mẹ, các bạn trước tiên vẫn sẽ nghĩ tới làm sao lo cho con mình đầy đủ nhất vậy. Song song đó, chúng tôi có sự chặt chẽ trong việc nuôi và dạy, kết hợp hài hòa giữa đạo và đời, để các em không chỉ được nuôi một thân thể khỏe mạnh mà còn được dạy một tâm hồn lương thiện, trí tuệ hiểu biết. Bên cạnh việc các em học văn hóa tại các trường công lập, chúng tôi xen kẽ những kiến thức Phật học theo tâm lý. Chúng tôi đặc biệt chú trọng và sự nhận thức các em về luật nhân – quả, để dần dần tháo gỡ sự oán hận trong lòng các em khi nghĩ về tình cảnh mình bị bỏ rơi, để các em hiểu và vị tha với mọi người. Thì tùy vào thể trạng sức khỏe, tâm sinh lý, hoàn cảnh, sự nhận thức của các em, chúng tôi đều đặt mình vào vị trí của từng em để mà trở thành không chỉ là người cha, người thầy, mà còn là người bạn với các em. Đến nay, sau hơn 5 năm hoạt động, kết quả cho những định hướng đó của chúng tôi là các trẻ tại Trung tâm đã có một cuộc sống không khác gì một gia đình, không có lòng oán hận người đã bỏ mình, không có sự mặc cảm khi giao tiếp với bạn bè và không bị “khô cứng” trong cảm giác sống trong một trại cô nhi. Đó chính là niềm tin và động lực để chúng tôi vượt lên mọi gian khó.

Cô bé này rất thích đón khách đến nhà. Trong ảnh, bà Đỗ Thị Kim Liên - Lánh sự danh dự Nam Phi tại TP.HCM đang đùa vui với em

Trong một gia đình, bố mẹ cùng chung lưng đấu cật nuôi một đến hai con đã vất vả. Là người trụ cột trong một đại gia đình đó, thầy đã “xoay xở” bằng cách nào?

Đại Đức Thích Phước Ngọc: Thú thật thì chúng tôi đã có lúc rất khốn đốn khi các em ngày càng lớn, càng vào tuổi ăn, tuổi mặc. Mặc dù biết việc cưu mang những trẻ mồ côi là vô cùng vất vả, khó khăn nhưng đổi lại, chúng tôi được nhìn thấy những nụ cười, những tương lai rộng mở của những sinh linh đã tưởng chừng như đã bị lãng quên và vùi trong đáy xã hội. Đó là một sự an lạc, bất hối mà chúng tôi có được. Vì chúng tôi tin rằng, sự nỗ lực hết mình trong việc mưu cầu cứu cánh cho những số phận bé thơ, hay nhiều hoàn cảnh ngoài xã hội mà chúng tôi góp sức, sẽ mang lại cho cuộc sống những giá trị nhân văn về tình người, một lúc nào đó sẽ thức tỉnh được lòng người trong nhân gian, để con người sống biết yêu thương và hành động thể hiện sự yêu thương đó nhiều hơn là lời nói.

Cũng nhờ cuộc đời còn nhiều những tấm lòng, những trái tim nhân ái, thiện nguyện, đã hoan hỷ, tin tưởng và đồng hành cùng chúng tôi bằng những nghĩa cử thiết thực trong việc chăm nuôi các em và cũng như những Phật sự khác. Nhân đây chúng tôi xin gửi lời cảm tạ tri ân đến quý Phật tử đã, đang và sẽ hữu duyên đồng cảm, đồng hành với Phật sự - từ thiện của chúng tôi.

Trong veo ánh mắt

Thầy đã nuôi dưỡng trái tim mình ra sao để được “tươi hồng” như thế?

Câu hỏi này văn chương quá! (cười). Thú thật chúng tôi rất thực tế. Đạo Phật mà chúng tôi tiếp nhận cũng rất giản đơn và bình thường. Bạn tin sâu nhân – quả, hiểu mọi thứ đều vô thường, nuôi dưỡng tâm từ bi bằng những hành động cứu người, giúp đời thiết thực, là bạn đã đi đến tiềm cận của Chánh Pháp. Đừng nói nhiều về trái tim của tôi hay trái tim của bạn nó như thế nào. Hãy hành động đi, hành động thực tế vào…. Trước một người đang đói lả, bạn không thể nào rao giảng hết đạo lý này đến lời văn thơ nhân ái khác, mà chỉ cần một hành động đơn giản thiết thực là giúp họ có một bát cháo, bát cơm để an ổn cái thân trước đã. Mọi Phật sự từ thiện của chúng tôi cũng như vậy. Cứu người kịp lúc, rồi mới đầu tư xây dựng một phương tiện duy trì sự an ổn đó bền lâu, tiếp theo mới là cho họ thẩm thấu những giáo lý Phật Pháp.  Vậy hãy hành động ngay khi có thể! Đừng nói về cái bạn đã làm được, hãy nói về những gì bạn chưa làm được.

Xin trân trọng cảm ơn Đại Đức!

ĐINH HOA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh