THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:39

Tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%

 

ảnh minh họa

Chọn ngành theo sở thích

Khảo sát mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmy) cho thấy, học sinh tại TP. HCM thường chú ý chọn những ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế thành phố và khu vực. Đa số quan tâm tìm hiểu các khối ngành Kỹ thuật Công nghệ và Kinh tế - Tài chính. Năm 2016, nhu cầu học nghề của học sinh THPT đối với nhóm ngành này có tỷ lệ lựa chọn cao nhất, chiếm 24,84% tập trung vào các ngành: Cơ khí - Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ thực phẩm; Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng. Nhóm ngành Kinh tế - tài chính có tỷ lệ học sinh lựa chọn là 14,90% chủ yếu các ngành: Marketing - Quan hệ công chúng, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán. Khối ngành Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn cũng được giành được nhiều sự quan tâm với 17,56%;... Một số các ngành nghề ít được các học sinh THPT quan tâm như: Hóa chất - Hóa dược - Mỹ phẩm (0,8%); Dầu khí - Địa chất (0,17%); Dệt may - Giày da (0,75%). Nhu cầu học bậc Đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87%, bậc Cao đẳng 7% và bậc Trung cấp chiếm 6%.

Cũng theo khảo sát, người có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định chọn trường, ngành của các bạn học sinh khối 12 thường là cha mẹ, với tỷ lệ chiếm tới 45%. Có trên 50%  học sinh  muốn vào ĐH bằng mọi giá, 75%  cho rằng việc chọn ngành phải phù hợp với sở thích. Tuy nhiên hầu hết đều lựa chọn ngành nghề có thu nhập, tiền lương cao, mà không tìm hiểu đầy đủ hết các khía cạnh thuận lợi, khó khăn của nghề nghiệp đối với bản thân học sinh, do đó nhiều sinh viên mới học xong năm thứ nhất đã chán học, bỏ học rồi lại tìm lại một ngành khác để học.

75% từ kỹ năng mềm

Theo ông Trần Anh Tuấn- Phó Giám đốc Falmy, xu hướng thị trường lao động sẽ phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng. Nhu cầu tuyển dụng lao động có chất lượng và quản lý cấp cao cho các doanh nghiệp sẽ tăng mạnh. Nhiều nhân viên có trình độ, kỹ năng có thể được tuyển chọn nhằm phục vụ cho chiến lược mở rộng quy mô sản xuất và phát triển các dây chuyền công nghệ. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực chưa phải là yếu tố quyết định đến việc làm của các em mà các em phải chọn ngành mình yêu thích, đúng với năng lực thì mới tích cực học tập và rèn luyện kỹ năng để có một công việc như mình mong muốn. Khi chọn ngành học phải xác lập mục tiêu, ước mơ, sở thích, đam mê của mình thì khi ấy mới dễ thành công. "Theo tôi, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực bản thân vì chỉ khi chọn được ngành nghề phù hợp, các em mới có động lực để phấn đấu và trở thành người làm tốt công việc ở lĩnh vực của mìn"-ông Tuấn chia sẻ..

Đối với sinh viên qua đào tạo đại học, cao đẳng, nhiều người thường cho là với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.

 Theo khảo sát của Falmy, ước tính, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và có tới 75% học sinh thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học


PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh