THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 07:04

Kỷ luật tích cực với con một cách lành mạnh và thông minh

Dành cho con trọn vẹn 5 phút mỗi ngày

Giáo sư Cluver cho biết, các bằng chứng đã chỉ rõ: Quát mắng hay đánh con không có tác dụng mà lợi bất cập hại về lâu dài. Việc đánh mắng liên tục thậm chí có thể để lại ảnh hưởng bất lợi kéo dài suốt cuộc đời của trẻ. “Căng thẳng độc hại” liên tục gây ra từ việc bị đánh mắng như vậy có thể dẫn đến một loạt hậu quả như xác suất bỏ học, mắc bệnh trầm cảm, sử dụng ma túy, tự tử và mắc bệnh tim cao hơn. Thay vì tập trung vào hình phạt và những điều con không được làm, phương pháp kỷ luật tích cực đặt trọng tâm vào việc phát triển mối quan hệ lành mạnh với con cái và đặt ra kỳ vọng về hành vi của trẻ.

Bố mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con.

Bố mẹ nên dành nhiều thời gian vui chơi, trò chuyện cùng con.

Để áp dụng kỷ luật tích cực với con, bố mẹ cần lên kế hoạch có thời gian riêng với con. “Có thể là 20 phút mỗi ngày. Hoặc thậm chí là 5 phút. Bạn có thể kết hợp khoảng thời gian đó với những việc khác như cùng con vừa rửa bát vừa hát hoặc vừa trò chuyện vừa phơi quần áo. Điều quan trọng là bạn tập trung vào con mình. Hãy tắt ti vi, tắt điện thoại, ngồi ngang tầm mắt con và chỉ có bạn và con”, Giáo sư Cluver chia sẻ.

Bố mẹ nên khen ngợi điểm tốt của con. Càng được khen thì trẻ càng phát huy. Những lời khen sẽ khiến trẻ sẽ cảm thấy mình đặc biệt và được yêu thương. Giáo sư cũng đưa ra lời khuyên, bố mẹ nên nói với con chính xác những gì muốn con làm sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với bảo con không được làm gì. Khi trẻ khó bảo, việc đánh lạc hướng con bằng một hoạt động tích cực hơn có thể là một cách hữu ích. Để đánh lạc hướng, cũng cần nhận ra khi nào mọi việc sắp diễn ra không như ý muốn và hành động. Lưu ý đến thời điểm con bắt đầu trở nên cáu kỉnh, khó bảo hoặc khó chịu.

Cho con cơ hội làm điều đúng bằng cách giải thích về hậu quả mà hành vi không tốt

Một phần của quá trình trưởng thành chính là học được rằng hành động có thể dẫn đến hệ quả. Giải thích điều này cho con một cách đơn giản để vừa khuyến khích con có những hành vi tốt hơn, vừa dạy con về tinh thần trách nhiệm. Cho con cơ hội làm điều đúng đắn bằng cách giải thích về hậu quả mà hành vi không tốt do con gây ra. Giả dụ, nếu muốn con ngừng vẽ nguệch ngoạc lên tường, có thể yêu cầu con dừng lại, nếu không sẽ không cho con chơi nữa. Đây là một lời cảnh cáo đối với con và cũng là một cơ hội để con thay đổi hành vi của mình. Nếu con không dừng lại, hãy cho trẻ thấy hậu quả một cách bình tĩnh và không biểu lộ sự tức giận. Nhất quán là yếu tố then chốt trong việc nuôi dạy tích cực, và cũng là lý do tại sao việc cho trẻ thấy hậu quả rất quan trọng và đặt ra những hậu quả hợp lý.

Bố mẹ nên dành thời gian tương tác với trẻ nhỏ. Khoảng thời gian riêng có thể rất vui - và hoàn toàn tự do thoải mái! Bố mẹ có thể bắt chước biểu cảm của con, gõ nồi cùng con hoặc hát cùng con. Có một nghiên cứu tuyệt vời cho thấy việc chơi cùng con sẽ giúp con phát triển trí não. Giống với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cũng muốn được khen ngợi và nhìn nhận là ngoan. Khoảng thời gian riêng vẫn rất quan trọng đối với các em. “Con bạn sẽ rất vui nếu bạn nhảy múa quanh phòng cùng con hoặc tham gia vào cuộc trò chuyện về ca sĩ mà con yêu thích. Không phải lúc nào con cũng bộc lộ ra bên ngoài, nhưng sự thật là như vậy. Và đó là một cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ theo cách khiến con thoải mái", Giáo sư Cluver nói.

Khi đưa ra các kỳ vọng, hãy nhờ con giúp bạn đưa ra một số quy tắc. Giáo sư Cluver gợi ý: “Cùng con ngồi xuống và cố gắng thống nhất những việc nên làm và không nên làm trong nhà. Con cũng có thể giúp bạn quyết định về những hệ quả của hành vi không thể chấp nhận được. Tham gia vào quá trình này sẽ giúp con biết rằng bạn hiểu con đang trở thành cá thể độc lập".

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh