Đà Nẵng xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em vào năm 2030
- Dược liệu
- 15:21 - 21/10/2021
UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020 và triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2021-2030.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2013-2020 huy động sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Theo đó, cùng với việc hoàn thiện mạng lưới y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em từ thành phố đến các địa phương, chương trình cũng đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ chi phí cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh được can thiệp phẫu thuật…
Công tác giáo dục và đạo tạo cũng được thành phố đặc biệt quan tâm, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất phòng học được đầu tư, đảm bảo thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa...
Hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đáp ứng nhu cầu với 15 cơ sở trên toàn thành phố. Các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ trẻ em được đầu tư xây dựng với 7/7 quận, huyện và 21/56 phường, xã có trung tâm văn hóa - thể thao; hàng trăm khu vui chơi cho trẻ em do tư nhân đầu tư trên địa bàn thành phố… Đặc biệt, TP Đà Nẵng triển khai hiệu quả mô hình Hội đồng trẻ em, một diễn đàn để trẻ em nói lên ý kiến, nhu cầu của mình.
Triển khai Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, TP Đà Nẵng đặt ra 5 mục tiêu hành động: Bảo đảm mọi trẻ em được sống và chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, dinh dưỡng; trẻ em được bảo vệ, phòng ngừa xâm hại, bạo lực, bóc lột và mua bán; bảo đảm trẻ em được tiếp cận giáo dục có chất lượng và điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh; mọi trẻ em được tham gia vào các vấn đề trẻ em phù hợp độ tuổi và khả năng; hướng tới xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em vào năm 2030 phù hợp tiêu chí quốc tế.
Theo đó, TP Đà Nẵng phấn đấu giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh xuống 5,5‰ vào năm 2025 và 4,13‰ vào năm 2030; duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi dưới 4% trong giai đoạn 2021-2030; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi xuống 12,8% vào năm 2025 và 12,5% vào năm 2030; khống chế tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phỉ dưới 11% vào năm 2025 và dưới 10% vào năm 2030. Đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em dưới tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine đạt 99% và 99,5% vào năm 2030.
Phấn đấu đạt 100% trẻ em được tiếp cận với nước sạch, hợp vệ sinh trong môi trường gia đình và trường học vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Tỷ lệ trẻ em từ 0 đến 8 tuổi được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030. Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em đạt 65% năm 2025 và 75% vào năm 2030.
Phấn đấu giảm 15% tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật giai đoạn 2021-2025 và 20% giai đoạn 2026-2030 so với giai đoạn trước. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) trên tổng số trẻ em xuống dưới 1,2% vào năm 2025 và dưới 1% vào năm 2030; 100% trẻ em có HCĐB được thống kê, quản lý và được trợ giúp phù hợp vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Thành phố Đà Nẵng cũng phấn đấu không có lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi trong giai đoạn 2021-2030; 100% trẻ em gặp rủi ro bởi thiên tai, thảm họa, dịch bệnh được cứu trợ, hỗ trợ kịp thời. 100% trường học có dịch vụ hỗ trợ tâm lý trẻ em vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030. Tỷ lệ trẻ khuyết tật có nhu cầu học tập được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng phù hợp đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...
Được biết, tính đến cuối năm 2020, toàn TP Đà Nẵng có gần 300.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 25,57% dân số), trong đó hơn 3.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 16.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt như: gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa…