THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:06

Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV diễn ra trong 17 ngày, nhiều đổi mới

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét, tính toán có thể họp cả Chủ nhật như kỳ họp trước để có thể bế mạc kỳ họp sớm hơn khoảng 3 ngày

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét, tính toán có thể họp cả Chủ nhật như kỳ họp trước để có thể bế mạc kỳ họp sớm hơn khoảng 3 ngày

Chiều 13/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, để dự phòng cho trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Trong dự kiến, chương trình kỳ họp sẽ bố trí thời gian để tổ chức trang trọng lễ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19 trong phiên khai mạc.

Về chia Tổ đại biểu Quốc hội

Tại kỳ họp thứ hai, căn cứ tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát tốt, đề nghị bố trí Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại Nhà Quốc hội. Theo đó, sẽ giảm một điểm cầu và đề nghị chia các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở 72 Tổ đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, 10 Tổ tại Nhà Quốc hội gồm hơn 200 đại biểu Quốc hội công tác ở Hà Nội, Tổ trưởng là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Còn 62 Tổ/62 địa phương còn lại gồm gần 300 vị đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng là Trưởng Đoàn hoặc Phó Trưởng Đoàn.

Theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan hoàn thiện phần mềm biểu quyết cài đặt trên iPad; tổ chức thử nghiệm, kiểm tra phần mềm 3 lần trước khi khai mạc kỳ họp.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho biết: Đến nay, đã tiến hành thử nghiệm được một lần vào ngày 8/10 và về cơ bản, phần mềm biểu quyết này vận hành tốt, đáp ứng yêu cầu để áp dụng tại kỳ họp này.

Trong trường hợp họp trực tuyến cả kỳ, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad đối với các dự thảo luật, nghị quyết; đồng thời, đề nghị dự phòng phương án biểu quyết bằng giơ tay và bỏ phiếu kín.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/10

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/10

Tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp

Để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo).

Đồng thời, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về rút ngắn thời gian thảo luận ở Tổ, giảm thời gian thảo luận trực tuyến trong một số nội dung.

Văn phòng Quốc hội xây dựng Đề án tổng thể về công tác thông tin, báo chí tuyên truyền phục vụ kỳ họp thứ hai nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu công khai, minh bạch các hoạt động của Quốc hội, bảo đảm thông tin về kỳ họp Quốc hội lan tỏa sâu, rộng cả trong và ngoài nước để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Bên cạnh đó, phối hợp Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 1539/KH-BYT của Bộ Y tế về bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phục vụ kỳ họp thứ hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét, tính toán có thể họp cả Chủ nhật như kỳ họp trước để có thể bế mạc kỳ họp thứ hai sớm hơn khoảng 3 ngày, đồng thời có thể sẽ họp thêm chuyên đề vào cuối năm để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Về một số các phương án cải tiến của kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với đề xuất của Tổng Thư ký Quốc hội về chia tổ đại biểu Quốc hội, bố trí Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại Nhà Quốc hội; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp hỗ trợ đường truyền, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến biểu quyết điện tử, biểu quyết trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo công tác liên quan đến khách mời, vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, trực cấp cứu, tiêm vaccine...

Dự kiến, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án Luật; 3 dự thảo Nghị quyết theo quy trình tại một kỳ họp (Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

 

Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

 

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).

 

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.Xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

 

Xem xét Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh