Kỳ bí hội Lỉn Thé
- Dược liệu
- 17:31 - 17/03/2015
Ngài hiển linh
Trước khi bước vào ngõ nhà thầy mo, tôi được ông Hoàng Đình Chuyển, Trưởng bản Phào, xã Nghĩa Tâm (huyện Văn Chấn, Yên Bái) giới thiệu: “Người đến dự hội Lỉn Thé rất đông. Nếu muốn đi thì phải nhanh chân, đi thật sớm mới chen chân được. Tham gia lễ hội anh sẽ thấy sợ, sợ thật sự đấy. Bởi vây quanh ngôi nhà của thầy mo là tà ma, quỷ dữ,...”.
Chuyện tà ma, tôi vốn chẳng bận tâm, còn khi lọt thỏm giữa trăm người ở nhà mo Nghị - nơi diễn ra buổi lễ tôi mới thấy lời cảnh báo của trưởng bản là có căn cứ. Chẳng mấy chốc mà căn nhà sàn 5 gian chật kín người. Song người đến dự hội mang theo một ý niệm tâm linh nên không quá xô bồ, chen lấn, dẫm đạp.
Giữa ồn ào, bỗng có một người đàn ông hú lên, giật mình, nhảy cẫng và tìm chạy về phía ban thờ. Người đó ngồi xuống, chân đan chéo, mình lắc lư, hai tay úp mặt rồi vuốt ngược lên.
Mo Chiên và mo Lắm đang xin phép Ngài cho diễn ra lễ hội.
Sau đó ông buộc khăn ở giữa trán và bụng, tay cầm hương, roi mây, cờ màu đỏ. Một người phụ nữ trên người cũng được buộc 2 cái khăn, 1 tay cầm cờ, roi, hương, tay còn lại cầm 1 con dao nhọn, sắc chém chém về phía trước rồi chém lên trên thành cửa, miệng lẩm bẩm như đọc lời chú. Một lúc sau họ lại quay vào ngồi phía ban thờ.
Những động tác trông thật kỳ dị, khó hiểu, chẳng ai bảo nhau, nhanh chóng dạt ra phía sau nhường lại chỗ trống ở giữa nhà. Cụ Hoàng Thị Hợp (83 tuổi) giải thích: “Họ bắt đầu làm lễ mời các ngài ở “Mướng Phạ” (Mường Trời).
Một lát nữa sẽ thấy ngài hiển linh. Khi về với dân, ngài sẽ mượn thân các thầy mo để truyền đạt tâm niệm. Người đàn ông vừa rồi là mo Chiên, được ngài mượn thân nên mới như vậy. Còn người phụ nữ kia là mo Lắm, mo đang làm phép xung quanh nhà để tránh các loại ma quỷ vào trong nhà quấy nhiễu và làm hại mọi người có mặt trong buổi hội”.
Qua đây tôi cũng được biết, những thứ ngài cầm như: Dao và roi mây tượng trưng cho vũ khí, nén hương tượng trưng cho đôi mắt (khi hương tắt ngài sẽ không nhìn thấy nên hương luôn được đốt); lá cờ tượng trưng cho ngọn đèn (như một luồng ánh sáng, giúp ngài soi rọi mọi thứ); khăn là để phân biệt ngài với người trần. Theo quan niệm, khi làm phép ngài phải cầm những vật đó thì ma quỷ mới sợ. Khi ngài dẹp xong ma quỷ và đồng ý cho chơi hội thì mới được chơi, nếu không sẽ gặp tai hoạ mà không ai có thể ngờ tới.
“Ngài về rồi, nhảy thôi bà con” – Một tiếng hô lớn, tiếng trống, tiếng chuông vang vọng khắp núi rừng. Các thầy mo, các cụ già, các em thiếu nhi bắt đầu nhảy theo vòng tròn. Trống đánh càng nhanh, bước nhảy họ càng mạnh, càng sôi động. Hoá ra khi diễn ra lễ hội thầy mo phải làm lễ xin phép, ngài cho phép chơi thì mới được chơi. Ngài cho chơi đồng nghĩa với việc ngài đã xua đuổi hết tà ma đi rồi.
Sau khi ngài cho phép, bà con nhảy theo tiếng chuông, tiếng trống.
Ngài trổ tài
Trên tay thầy mo cầm cành hoa, bông hoa nhỏ, màu trắng, có mùi thơm nhè nhẹ. Tôi hỏi: “Cành hoa họ cầm mang ý nghĩa như thế nào?”. Cụ Mừng cho biết: “Đây là “boóc lỏ”, “boóc chặp”, “boóc kheng”, lấy trên đỉnh đồi cao. Hoa này chỉ được sử dụng riêng cho Lỉn Thé thôi, loài hoa này thể hiện cho sự sinh sôi nảy nở, may mắn và bình an”.
Mo Chiên đi thẳng về hướng mấy thiếu niên rồi chọn một em nhỏ khoảng 12 tuổi, dắt tay về phía dưới ban thờ, buộc khăn chằng chéo khắp người và cài lên người cậu một thanh kiếm gỗ. Mo Chiên cầm thanh kiếm cắm xuống sàn nhà để em nhỏ đó bò và kéo đi 2-3 vòng. Xong rồi lại thấy một cụ ông ôm đẫy “boóc lỏ”, “boóc chặp” trên tay rồi rải khắp chỗ em nhỏ vừa mới bò lổm ngổm đó.
Mo Chiên và mo Nghị ngồi 2 bên, tay cầm thanh kiếm gỗ, gõ gõ xuống sàn nhà. Sau đó, cụ ông lại cầm một bao tải đến vơ hết hoa cho vào trong rồi cùng mo Chiên dùng thanh kiếm khiêng lên gần chỗ ban thờ. Cầm que hương chỉ chỉ, ngắm ngía một lúc rồi mo Nghị cất tiếng: “Hạt thóc chắc, không có chuột, sâu bọ, được 9600 tấn”.
Tiếng vỗ tay, rồi tiếng cười, tiếng trống đánh dồn dập, tôi ngơ ngác không hiểu. Liền được cụ Hợp giải thích: “Vừa rồi là các ngài đang thi nhau phát nương, làm ruộng xem ai thu hoạch được nhiều hơn đó mà. Cậu bé kia được chọn làm trâu để cày, bừa. Hoa là cây mạ, cây lúa, vừa rồi cụ ông kia lấy hoa cho vào bao tải là gặt lúa mang về nhà cân thử rồi đấy.
Ngài bảo năm nay làm ăn được, cấy hái thuận lợi, không bị sâu bọ phá hoại, đạt được năng suất cao. Các ngài làm ăn thuận lợi vậy thì năm nay mưa sẽ thuận gió sẽ hòa, mùa màng chắc chắn được bội thu”.
Người dân hoà mình vào lễ hội Lỉn Thé.
Nói vừa dứt câu, cụ Hợp hướng tay chỉ về phía các thầy mo đang đứng, tôi thấy mỗi người đang cầm một nắm hương to nhảy nhảy rồi lại thi nhau phi thẻ hương về phía 2 vòng tròn nhỏ được vẽ trên xà ngang. Mỗi lần bắn trúng được vào vòng tròn thì y như rằng các thầy nhảy lên reo “hú hu” tỏ vẻ vui sướng.
Các thầy bắn xong rồi đứng bên ngoài quan sát và đến lượt mấy anh thanh niên, tuy nhiên đám trai làng chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía thầy mo.
Cụ Hợp bảo: “Các ngài đang thi bắn cung tên và đi săn, cái vòng tròn kia là tấm bia, còn hương là cung tên. Khi thầy mo nào “hú hu” có nghĩa là ngài đó đã bắn trúng vào tâm của tấm bia và săn được con thú to rồi đấy. Trong cuộc thi này, nếu ngài nào săn bắn được nhiều con thú to thì khi trở về “Mướng Phạ” sẽ được Ngọc Hoàng trao tặng những phần thưởng hậu hĩnh. Đồng nghĩa năm nay dân bản lên rừng đi săn sẽ được nhiều thú, cải thiện được bữa ăn hàng ngày cho gia đình. Lên rừng sẽ không bị ma quỷ trêu ghẹo”.
Buổi hội kéo dài đến tận sáng, tôi còn được chứng kiến các trò như kéo co, đu dây, chọi gà, ném còn,... mỗi trò chơi mang một ý nghĩa khác nhau, được đồng bào gửi gắm tâm tư nguyện vọng khác nhau và được ngài chỉ bảo lối làm ăn khác nhau theo hướng khuyên đồng bào hăng say sản xuất, cần cù chịu khó sẽ được cơm no áo ấm.
Mo Chiên cùng bà con làm thủ tục tiễn ngài về thượng giới.
Tiễn ngài
Lỉn Thé được chia ra làm 2 đợt chính, đợt thứ nhất được gọi là lễ “Puông phi” - làm lễ để mời và đón các ngài về vui chơi và đón tết cùng bà con, lễ được tổ chức vào đêm mùng 4 tết hàng năm. Đợt thứ 2 là lễ “Thống thuông” – sau khi mời các ngài về vui chơi, đón chào năm mới thì làm lễ để đưa tiễn họ quay trở lại “Mướng Phạ”, hứa hẹn một năm mới đầy may mắn và tài lộc sẽ đến với tất cả mọi người.
Trong buổi hội, nhiều điệu nhảy được diễn ra. Cụ Hợp vừa chỉ tay về phía những cô gái đang nhảy vừa bảo, hội Lỉn Thé không thể thiếu các bài dậm, nào là “dậm gậy”, “dậm hương”, “dậm muột”, “dậm tính”, “dậm thân roống”,... những bài dậm này quan trọng lắm, nếu không nghiêm túc và không đẹp sẽ bị các ngài trách phạt.
Tàn canh, mo Chiên và mo Nghị tiến hành nghi lễ cuối cùng để đưa các ngài trở về Mướng Phạ. Lúc thầy nằm bên ban thờ, tay cầm dao, hương, roi, cờ phất phất cũng là lúc các cụ Tày nhảy múa, dậm theo nhịp trống, nhịp chuông, tay cầm cây mía, hương, khăn và hoa. Mọi người rất nghiêm túc trong mỗi bước nhảy vì ai cũng ý thức được đây mà “khâu” quan trọng nhất của đêm hội.
“Lỉn Thé vừa mang nét cổ xưa vừa mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa tín ngưỡng rất lớn. Các trò chơi trong mỗi phần thi tái hiện lại các hoạt động, sinh hoạt thường nhật, thể hiện rõ phong tục, tập quán lâu đời của người Tày ở Nghĩa Tâm. Người ta tâm niệm rằng đi Lỉn Thé sẽ có được tinh thần vui tươi. Dự hội Lỉn Thé sẽ có sức khỏe và may mắn, được thóc lúa đầy bồ, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật tốt tươi” - mo Nghị cho biết. |